Giải pháp tăng lỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Ninh Bình

01/03/2016
Nhiệm kỳ qua (2011- 2016), tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Ninh Bình đạt 30% ở cấp tỉnh, cấp huyện 28,15% cấp huyện và 23,57% ở cấp xã. Các nữ đại biểu với lập trường tư tưởng vững vàng, trình độ, năng lực tốt, đặc biệt là khả năng tuyên truyền thuyết phục, biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm,... đã tích cực phát huy và làm tốt vai trò của mình trong công tác.

Tại các kỳ họp, các nữ đại biểu đã tích cực phát biểu, trao đổi, chất vấn; tham gia hiệu quả các cuộc giám sát. Tiếng nói, ý kiến, quan điểm của nữ đại biểu HĐND ngày càngtrở nên quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của HĐND các cấp.

Tuy nhiên, phụ nữ ở nông thôn, vùng dân tộc, công giáo còn gặp nhiều khó khăn nên càng ở cấp cơ sở tỷ lệ nữ đại biểu HĐND càng thấp. Ứng cử viên nữ còn gánh quá nhiều cơ cấu; có đơn vị chưa chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ nữ nên thiếu hụt cán bộ chủ chốt là nữ. Cá biệt vẫn còn nữ đại biểu HĐND chưa thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu, còn ngại phát biểu, dựa vào kết quả chung của tập thể, chưa kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và đề xuất các giải pháp giải quyết hiệu quả với cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia ứng cử và trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này còn nhiều khó khăn cả về số lượng lẫn chất lượng.

Phát biểu tại Hội thảo về giải pháp tăng tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021 do BTV Hội LHPN tỉnh Ninh Bình phối hợp Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức vừa qua, ông Trần Hồng Quảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng ban chỉ đạo cuộc bầu cử, Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử của tỉnh đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Thực hiện đạt cho được những quy định “đảm bảo có ít nhất 35% danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ”; phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Nhưngnhất quyết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng đại biểu HĐND.

Đồng thời đồng chí đã đề xuất một số giải pháp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủyban bầu cử, UBMTTQ, Hội LHPN, các cấp, các ngành và bản thân ứng cử viên nữ cần thực hiện nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu HĐND.

Riêng đối với Hội LHPN các cấp, cần chủ động lựa chọn, lập danh sách trích ngang phụ nữ đáp ứng tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu, giới thiệu với cấp ủy, Ủy ban bầu cử tham gia ứng cử bảo đảm theo đúng quy định. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình hiệp thương, tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện quyền bầu cử. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ ứng cử viên đại biểu HĐND như: xây dựng tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, gặp mặt chia sẻ kinh nghiệm,... Tập trung bồi dưỡng kỹ năng xây dựng, trình bày chương trình hành động, kỹ năng tiếp xúc với cử tri và làm việc với các cơ quan truyền thông, báo chí.

Nữ ứng cử viên phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, xây dựng uy tín, luôn gương mẫu trong công việc cũng như trong đời sống, nắm bắt thông tin thời sự, tình hình kinh tế xã hội chung của địa phương nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động, rèn kỹ năng tiếp xúc với công chúng,... xây dựng hình ảnh tốt đẹp trước cử tri và nhân dân.

Với những kết quả đã đạt được, cùng với các giải pháp và sự quyết tâm của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng trong kỳ bầu cử tới, tỉnh Ninh Bình sẽ đạt và vượt các quy định về nữ đại biểu HĐND các cấp.

Vũ Hà, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video