Giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho hội viên

19/10/2007
Thực hiện mục tiêu Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ VII, bên cạnh việc vận động hội viên tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội quan tâm công tác dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho phụ nữ.

Qua tìm hiểu thực tế các cơ sở Hội cho thấy, khó khăn trong giải quyết việc làm cho hội viên là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề. Việc triển khai các lớp tập huấn KHKT phục vụ trồng trọt, chăn nuôi tại cơ sở chưa đồng bộ nên không ít chị em còn lúng túng trong lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập. Từng bước tháo gỡ khó khăn trên, thực hiện công tác giúp phụ nữ nghèo vươn lên, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh và nguồn vốn qũy quốc gia hỗ trợ việc làm thành lập 1.786 nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng, giải quyết vốn cho 30.142 lượt hội viên vay với tổng số tiền đạt trên 60 tỷ đồng, đầu tư có hiệu quả phát triển kinh tế hộ.

Nói về công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, bà Giàng Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên cho biết: “Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn về vốn, Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục BVTV, Trung tâm Thủy sản tổ chức tập huấn KHKT trồng trọt, chăn nuôi, giúp hội viên áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả. Thông qua phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội đã vận động hội viên có mức sống khá, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn 67.110kg giống lương thực; 44.132 con giống gia súc, gia cầm. Các hoạt động của Hội LHLP tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.259 hội viên nghèo có thu nhập ổn định nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và kinh tế VACR...”

Quan tâm đến công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trường Dạy nghề tỉnh tổ chức lớp dạy nghề mây tre đan, cắt may, dệt thổ cẩm cho trên 180 hội viên. Hội phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại các thôn, bản góp phần bảo tồn văn hóa phi vật thể, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên khối nông thôn những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển ngành nghề truyền thống ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Tại một số làng nghề dệt thổ cẩm có uy tín như: Tổ HTX dệt thổ cẩm bản Xá Đán (thị xã Mường Lay), làng nghề dệt thổ cẩm bản Na Sang (huyện Điện Biên), dệt thổ cẩm bản Him Lam (T.P Điện Biên Phủ) đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh, dẫn đến thu nhập của xã viên không ổn định.

Thời gian tới, Hội tiếp tục ký kết với Sở Lao động – Thương binh xã hội tổ chức dạy nghề cho hội viên; chỉ đạo tổ chức Hội các cấp khảo sát và chiêu sinh nữ học nghề; tích cực vận động hội viên có con em đang tuổi lao động có nhu cầu và điều kiện xuất khẩu lao động, tạo thu nhập cho gia đình.

Hồng Hải
Điện Biên Phủ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video