Giải quyết việc làm cho lao động nữ ở vùng chuyển đổi sử dụng đất của thành phố Hà nội

24/02/2006
Tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ của Hà Nội đã nhanh chóng biến những xã, huyện vùng nông thôn ngoại ô trở thành những phường, quận khu vực thành phố.

Nhu cầu tìm việc làm mới của những người nông dân không còn đất nông nghiệp trở thành mối quan tâm lớn của lãnh đạo Thành phố. Phụ nữ nói chung, đặc biệt là chị em nông dân ở độ tuổi 35-50 rất khó khăn để tìm việc vì đây là lứa tuổi mà các nhà máy, cơ quan không thể nhận vào làm. Các chị không có nghề nghiệp chuyên môn, muốn tìm việc cũng không dễ. Đa số phụ nữ ở Hà Nội thường yêu cầu mức lương cao nên càng khó tìm việc hơn khi cạnh tranh với người ngoại tỉnh.

 

Trước tình hình đó Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội (Hội LHPNHN) đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm 20-10 (TTDVVL) lập các chương trình, kế hoạch để giúp phụ nữ nông thôn giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.

 

Mang nghề đến tay người lao động

 

Vào trung tuần tháng 12/2005, tại 4 xã Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp (Thanh Trì) và Kim Nỗ, Nam Hồng (Đông Anh) đã diễn ra lễ khai giảng các lớp đào tạo nghề do TT DVVL 20-10 và TT DVVL Hà Nội phối hợp thực hiện. Chương trình nhanh chóng đáp ứng được mong muốn của lao động nữ nông thôn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học nghề, không xin được việc, nhiều nữ thanh niên phải ở nhà "sống dựa" bố mẹ. Lớp học lưu động "về" tại xã, thôn thực sự đã giúp các em được tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp và có được việc làm phù hợp. Sau khi các lớp học đi vào hoạt động, những chị em đã học được nghề nấu ăn ở xã Vĩnh Quỳnh thành lập một nhóm nấu ăn lưu động phục vụ tại địa bàn.

 

Để các lớp học nghề lưu động của Trung tâm có hiệu quả, Hội PN các xã, phường đã khảo sát nhu cầu của chị em và vận động chị em tham gia học. Ban đầu, nhiều người chưa tin vào hiệu quả của việc học nghề, nhưng sau những lớp học lưu động, chứng kiến nhiều chị đã mở được cửa hàng dịch vụ, có thu nhập, từ đó chị em đã thay đổi suy nghĩ và tham gia học nhiều hơn.Kết quả năm vừa qua, TT đã phối hợp với Hội PN các quận, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề lưu động tại 14/14 quận huyện. Trước những thành công từ đào tạo nghề lưu động TT 20-10 đã được Thành phố tín nhiệm giao thực hiện dự án đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 5 huyện ngoại thành giai đoạn 2005-2006, với 3 nghề: nấu ăn, may và sửa chữa xe máy.

 

Gần đây, nhu cầu cần người giúp việc gia đình của người dân Hà Nội tăng nhanh dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Hiện nay, nghề này đang thu hút đông đảo phụ nữ ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội. Nhưng phụ nữ Hà Nội vẫn chưa thực sự hiểu đúng và đủ về nghề này. Nhận thấy đây là nghề đặc biệt phù hợp với chị em ở độ tuổi 35-50, không có nghề nghiệp, trình độ thấp và là một hướng giải quyết việc làm tốt cho chị em nông thôn, Hội LHPN Hà Nội đã quyết tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền về nghề này cho chị em.

 

Do điều kiện sống chật hẹp, rất nhiều gia đình không thể có chỗ ở tại gia cho người giúp việc, nên nhu cầu thuê người giúp việc theo giờ rất lớn. Thực tế, giúp việc theo giờ chị em có thể đi làm như công chức đi làm giờ hành chính, có thể sáng đi chiều về, tối vẫn sinh hoạt cùng gia đình. Mỗi buổi giúp việc được khoảng 25-30 nghìn đồng/người, nếu chị em nào chăm chỉ có thể thu nhập cả triệu đồng/tháng. Đây thực sự là một hướng đi an toàn và hiệu quả với chị em vùng không còn đất nông nghiệp, không có nghề nghiệp trong tay.

 

Lớp đào tạo giúp việc gia đình đầu tiên do Trung tâm thực hiện tại Sóc Sơn, Đông Anh theo dự án Oxfam Quebec đã đào tạo cho 25 chị em về kiến thức, kỹ năng làm nghề giúp việc gia đình chuyên nghiệp. Sau khoá học, các chị đều nhận được việc với mức lương từ600 nghìn đồng/tháng trở lên. Điều này đãgiúp nhiều chị em thay đổi nhận thức về nghề giúp việc gia đình và coi đó là một nghề thực thụ.

 

Mang cơ hội việc làm đến cho người lao động

 

Một trong những nguyên nhân khiến lao động trẻ ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rơi vào tình trạng thất nghiệp là do thiếu thông tin về thị trường lao động và về nhà tuyển dụng. Để giúp họ khắc phục khó khăn này, năm 2005, TT 20-10 đã liên tục tổ chức ngày tuyển dụng lao động trực tiếp tại địa phương.

 

So với các Hội chợ việc làm tổ chức ở trung tâm thành phố, thì ngày tuyển dụng trực tiếp tại địa phương đã được thông tin đến tận từng người lao động. Chính vì vậy, hai lần tổ chức "Ngày tuyển dụnglao động trực tiếp" tại địa bàn huyện Đông Anh và Quận Cầu Giấy đã thu hút đông đảo người lao động và đã đạt hiệu quả cao.

 

Trước khi tổ chức ngày tuyển dụng, TT đã nghiên cứu, khảo sát đặc điểm, tình hình và nguyện vọng của người lao động tại địa bàn, sau đó mời các doanh nghiệp tham gia, bước đầu đáp ứng cung - cầu. "Ngày tuyển dụng trực tiếp" tại Đông Anh đã mời hầu hết các DN tại Khu CN Bắc Thăng Long tham dự và tuyển LĐ trực tiếp, đáp ứng mong mỏi của người dân Đông Anh được vào làm việc tại Khu công nghiệp này. Trong hai ngày tuyển trực tiếp đã có 147 doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác nhau tham gia tuyển dụng và có trên 6000 LĐ tham gia dự tuyển, 697LĐ nhận được việc làm ổn định.Với hình thức này, trong năm TT đã giới thiệu cho 2941 LĐ có việc làm. Mô hình “Ngày tuyển dụng trực tiếp tại địa phương” đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội LHPN VN và các cấp ngành đánh giá cao. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã khẳng định đây là một trong những phương án giải quyết việc làm hiệu quả nhất cần áp dụng rộng rãi trên cả nước trong năm 2006.

 

Trung tâm còn chủ động phối hợp với các cấp Hội tổ chức tư vấn nghề, việc làm chocác chị là cán bộ Hội từ chi, tổ phụ nữ của 232 xã, phường của 14 đơn vị quận huyện và người LĐ. Qua đó, các chị cán bộ Hội PN cơ sở đã hiểu rõ về thị trường lao động để trực tiếp tư vấn hàng ngày chongười dân địa phương biết cách thức chọn nghề, chọn việc làm phù hợp với bản thân, các kỹ năng làm hồ sơ, đi phỏng vấn...

 

Trong năm 2006 này, TT sẽ phối hợp với 43 DN ở Khu CN Bắc Thăng Long và các doanh nghiệp ở Khu CN Sài Đồng, Nội Bài, Minh Khai, Vĩnh Tuy và các trường Đại học, trung học chuyên nghiệp... để tổ chức những ngày "tuyển dụng lao động trực tiếp" tại địa bàn.

Dạ Thanh - Báo Phụ nữ Thủ đô

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video