Giải thưởng Kova với những người dân tộc thiểu số

07/04/2007
Giải thưởng “Hỗ trợ phát triển tài năng Kova” do Công ty sơn Kova thành lập được trao tặng hàng năm nhằm khuyến khích, động viên những tập thể, cá nhân xuất sắc, trong đó có những tập thể, cá nhân cán bộ phụ nữ là người dân tộc thiểu số có nhiều thành tích trong công tác vận động phụ nữ vùng dân tộc, miền núi.

Qua 3 năm thực hiện, Hội LHPN Việt Nam đã giới thiệu những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác vận động phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhận giải thưởng. Họ là những con người biết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc công việc, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để mọi người học tập, noi theo. Điển hình như tập thể BCH Hội LHPN xã Eawy, huyện EaHLeo, tỉnh Đắc Lắc và BCH Hội LHPN xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mặc dù địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng các chị không quản ngại vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, tuyên truyền phụ nữ các dân tộc nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, cảnh giác với kẻ xấu lợi dụng lừa gạt, buôn bán phụ nữ, trẻ em, đồng thời hướng dẫn, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo. Hoạt động của các chị góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương. Đó là tập thể BCH Hội LHPN xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá), một xã miền núi, với hơn 82% là người dân tộc Mường, chủ yếu làm nông nghiệp, còn nhiều chị em hội viên, phụ nữ mù chữ. Cùng với việc giúp chị em XĐGN, các chị trong BCH Hội LHPN còn phân công đi từng nhà vận động, kể cả giúp việc nhà để chị em tham gia lớp xoá mù chữ, rồi vận động các mẹ có con đến tuổi đi học đến trường. Chính vì vậy, đến nay xã Quang Trung không còn phụ nữ mù chữ, 100% các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Từ những hoạt động thiết thực này, Hội LHPN xã Quang Trung đã thu hút 78% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt Hội.

 

Bên cạnh những tập thể tiên tiến, không thể không nói đến những cá nhân tiêu biểu. Họ chính là những bông hoa đẹp, những điển hình tốt xứng đáng để chị em học tập, noi theo. Đó là chị Zeil Roh, dân tộc Chăm theo đạo Hồi, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Chị luôn tìm tòi, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình hoạt động phù hợp, thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội; tích cực vận động chị em dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc. Chính vì vậy, trên địa bàn xã chị không có trường hợp truyền đạo trái pháp luật, không có phụ nữ vượt biên trái phép và tham gia buôn lậu, từ đó uy tín của Hội ngày càng được nâng lên, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành đánh giá là đoàn thể có hoạt động phong trào có hiệu quả tốt. Chị Lầu Y Súa (dân tộc Mông), Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, một xã miền núi, rẻo cao biên giới (xã 135 đã không ngừng học tập sẵn sàng đi “xe lai” vượt chặng đường 80 km những mong gặt hái được nhiều kiến thức phục vụ công việc. Thành tích lớn nhất trong công tác của chị mấy năm qua là việc chị đã lăn lộn xuống 14/14 bản có trồng cây thuốc phiện tuyên truyền, vận động hội viên triệt phá 6 ha thuốc phiện và trồng thay thế bằng mận tam hoa, đào, hồng, ngô, đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ nhiệt tình trong công tác, chị đã đưa phong trào xã từ một đơn vị yếu kém trở nên xuất sắc, thu hút67% phụ nữ dân tộc từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt Hội, được chị em và quần chúng nhân dân tín nhiệm, yêu mến.

 

Ngoài làm tốt công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, mặc dù ở những địa bàn khác nhau nhưng các chị đều có chung một suy nghĩ là đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Với số tiền thưởng nhận được dù không lớn nhưng chị em đã không dùng riêng cho bản thân mà dành toàn bộ giá trị giải thưởng làm vốn cho hội viên phát triển kinh tế. Điển hình như BCH Hội LHPN xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và BCH Hội LHPN xã Eawy, huyện EaH’Leo, tỉnh Đắc Lắc với giải thưởng trị giá 20 triệu đồng. Sau khi nhận giải, các chị đã bàn bạc và thống nhất dùng toàn bộ số tiền thưởng cho hội viên vay mua cây, con giống, phân bón phục vụ phát triển nông nghiệp, chăn nuôi.

 

Với sự năng động, chị Trần Thị Thân (dân tộc Tày), Chủ tịch Hội LHPN xã Xuất Hoá, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn từ số tiền thưởng 5 triệu đồng, chị đầu tư vào chăn nuôi và phát triển nông nghiệp. Chỉ sau hơn một năm, chị đã thu về hơn 14 triệu đồng từ chăn nuôi và 8 triệu đồng thu từ vườn rừng và rau màu. Thành quả thu được ban đầu, chị mở rộng đầu tư phát triển kinh tế đồng thời cho 2 hội viên vay 11 con lợn giống không tính lãi đến khi bán lợn mới hoàn vốn. Bên cạnh đó, chị còn tặng 600.000 đồng cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi nhằm khuyến khích động viên các cháu tiếp tục theo học, không bỏ học dở chừng.

 

Đào Minh Châu - Ban Dân tộc – Tôn giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video