Gieo mầm xanh trên đất cát trắng

07/11/2005
Với trên 137 km bờ biển là tiềm năng để tỉnh Hà Tĩnh mở hướng đi lên bằng phát triển kinh tế thủy, hải sản. Cái lợi đang ở trước mắt, song cái hại đã và đang đe dọa cuộc sống và tính mạng của hàng vạn hộ gia đình sống ven biển

Nơi đây, hàng năm bão cát, sóng thần đã cướp đi hàng chục ngôi nhà, hàng trăm ha đất canh tác ven biển trở thành hoang mạc hóa.Làm gì để giúp phụ nữ nơi đây có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống ở vùng cát trắng gió Lào này? Đó cũng chính là ước vọng, trăn trở của Hội LHPN Hà Tĩnh bấy lâu nay.

 

Thực hiện Đề tài KC 09 - 21 do Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Thanh Hương - Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam làm chủ đề tài, trong đó Hội LHPN Hà Tĩnh triển khai một nhánh đề tài là "Sản xuất và chưng cất tinh dầu trên đất cát và vùng đất ngập mặn ven biển miền Trung"

 

Tiếp nhận và bắt tay thực hiện mô hình này với biết bao khó khăn, trở ngại, Ban Thường vụ Tỉnh hội quyết tâm thực hiện và tin rằng sự thành công của đề tài sẽ là chìa khóa giúp người dân nơi đây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể làm giàu trên mảnh đất tử địa này.

 

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân vùng ven biển, Hội LHPN Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND, Hội LHPN xã Thạch Hải - nơi được chọn làm thí điểm mô hình. Điều quan trọng là không chỉ xây dựng và dừng lại ở mô hình mà phải làm sao đế dân tin, dân tự làm mới đảm bảo phát triển bền vững, mặt khác phải xây dựng được khu vườn ươm để chủ động sản xuất cây giống, tiếp thu kỹ thuật từ khâu ươm, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đến thu hái, chưng cất bảo quản tinh dầu và cuối cùng là cùng với người dân tiếp cận được với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Từ một vùng đất khá đẹp cạnh bờ biển với ý tưởng xây dựng khu du lịch làm chỗ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng chohội viên, giờ đây trước yêu cầu thiết thực của những người phụ nữ nghèo, nơi đây đã trở thành một vườn ươm giống khá quy mô. Sau 2 năm xây dựng, các giống cây tinh dầu tại vườn ươm đã lên xanh. Màu xanh của ấm no không chỉ phủ xanh trong khuôn viên này, mà sau 2 năm vừa thử nghiệm, vừa nhân giống, đã sản xuất được hàng vạn cây giống bạch đàn chanh, cây tràm Úc, cùng các loại sả chanh Ấn Độ, hương lau, hương bài, thanh hao hoa vàng, ích mẫu, hoa hoè... Ngoài ra, vườn ươm còn thí nghiệm trồng cây bạch đàn di thực từ Úc trong bể ngập mặn. Điều đáng quan tâm là tất cả các loại cây trong vườn ươm khi được đem trồng trên đất cát có độ dinh dưỡng thấp, khô hạn đều phát triển tốt và có hàm lượng tinh dầu cao.

 

Cùng với việc ươm giống và trồng thử nghiệm, Hội LHPN Hà Tĩnh phối hợp với Hội LHPN xã Thạch Hải tạo điều kiện cho 4 hộ gia đình hội viên nhận 6 ha đất cát hoang mạc, đồi núi trọc để trồng bạch đàn chanh và sả chanh Ấn Độ. Qua hơn 1 năm trồng và chăm sóc, các hộ đã thu hoạch, chưng cất sản phẩm tinh dầu có hàm lượng cao, chất lượng tốt đang được khách hàng quan tâm, đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn. Khác với các dự án trồng các loại cây lâm nghiệp lấy gỗ, lấy củi trước đây, các loại cây trồng theo chương trình này có giá trị bền vững vì mỗi vụ đến kỳ thu hoạch người dân chỉ thu hái lá để chưng cất tinh dầu còn cây vẫn tiếp tục được bảo vệ, chăm sóc, tạo nguồn nguyên liệu cho vụ sau.

 

Đi đầu trong chương trình sản xuất và chưng cất tinh dầu trên vùng đất cát ở xã Thạch Hải là gia đình chị Trần Thị Xuân. Vượt qua những trở ngại, vợ chồng chịđã mạnh dạn cải tạo gần 2 ha đất cát hoang hóa trồng cây bạch đàn chanh. Bằng sự cần cù, chịu khó, lại được sự giúp đỡ về kỹ thuật sau hơn 1 năm rừng bạch đàn chanh của chị Xuân không chỉ làm sống lại một vùng đất bị lãng quên mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi, tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ qua việc thu hái lá để chưng cất.

 

Từ mô hình trồng cây bạch đàn chanh của gia đình chị Xuân đã tác động tích cực đối với không chỉ chị em trong Hội LHPN mà nhiều người dân trong vùng đã tìm đến tham quan học tập, mong muốn được tham gia.

 

Cây đã ra hoa trên vùng đất chết – đó là câu nói ví von, hình ảnh của người dân Thạch Hải về chương trình này, về những người đã không quản ngại ngày đêm đi gieo mầm xanh trên đất cát trắng.

 

Sau bao năm trăn trở tìm một hướng đi, một cách XĐGN bền vững cho vùng đất quanh năm chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mô hình sản xuất và chưng cát tinh dầu trên đất cát và ngập mặn ven biển miền Trung" thử nghiệm tại Thạch Hải đã bước đầu khẳng định cách làm phù hợp, một hướng đi đúng không chỉ giúp chị em phụ nữ thoát nghèo bằng bàn tay, khối óc của chính mình mà còn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.

 

Không riêng gì phụ nữ Thạch Hải mà một số hộ gia đình ở xã Ngọc Sơn như chị Tâm, anh Hùng đã nhận giống từ vườn ươm và thử nghiệm thành công trồng cây tinh dầu trên vùng đất trống đồi núi trọc. Màu xanh từ vườn ươm KC 09 - 21 của Hội LHPN Hà Tĩnh đã trải rộng trên vùng đất cát trắng biển ngang, màu xanh đã và đang theo đến Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam và tới tận Cà Mau bằng hàng vạn cây giống chất lượng cao.

 

Thành công bước đầu của mô hình mang lại ý nghĩalớn về kinh tế - xã hội, về bảo vệ môi trường sinh thái bền vững trên vùng đất cát ven biển miền Trung.

Phụ nữ Hà Tĩnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video