Gìn giữ nét đẹp truyền thống người Dao Thanh Phán: Sức lan tỏa từ một câu lạc bộ tại Ba Chẽ

28/08/2019
CLB Văn nghệ và gìn giữ nét đẹp trang phục Dao Thanh Phán huyện Ba Chẽ tuy mới thành lập được hơn 5 tháng, nhưng đã truyền dạy cho hàng trăm người về các nét văn hóa của người Dao ở xã Đồn Đạc và nhiều xã khác trong và ngoài huyện Ba Chẽ.

CLB được thành lập ngày 8/3 năm nay, gồm 23 thành viên, Chủ tịch CLB là Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện. CLB có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, quy chế và tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ và gìn giữ nét đẹp trang phục Dao Thanh Phán, như: truyền dạy kỹ thuật thêu thổ cẩm, bảo tồn, sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc Dao cho thế hệ người Dao sống ở xã Đồn Đạc và các xã khác trên địa bàn huyện.

Sở dĩ Hội LHPN huyện Ba Chẽ chọn thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc để thành lập CLB này, vì thôn có 115 hộ và 450 nhân khẩu đều là người Dao. Mặt khác, người Dao ở thôn Nà Bắp khá tiến bộ tham gia xây dựng nông thôn mới, vì vậy thôn Nà Bắp đã được chọn là thôn mẫu trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đồn Đạc. Từ trước khi thành lập CLB, người dân thôn Nà Bắp đã ăn mặc theo lối truyền thống, có ý thức giữ gìn nét đẹp của dân tộc mình. Từ cổng làng thôn Nà Bắp, ai đến đây cũng đều ấn tượng với 2 bên đường dẫn vào thôn là hàng cây hoa dâm bụt. Đây là chương trình do Hội LHPN huyện phát động trong chương trình xây dựng thôn mẫu nông thôn mới và chị em phụ nữ thôn Nà Bắp đã vào cuộc tích cực. Người dân Nà Bắp còn tích cực tham gia chương trình xóa nghèo. Năm 2018, thôn Nà Bắp có 44 hộ xây nhà theo chương trình 167. Khi có nhà rồi, 19 hộ nghèo trong thôn tình nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, góp phần giúp Đồn Đạc giảm được 284 hộ nghèo, đạt hơn 200% so với kế hoạch huyện giao.

Chỉ hơn 2 tháng thành lập, CLB đã đón nhận tin vui bởi một thành viên trong CLB là ông Triệu Thanh Xuân, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc được nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam ngày 30/5/2019 vừa qua. Ông Xuân là thầy giáo trực tiếp dạy hát trong CLB. Ông vốn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã nhiều năm nay và có công lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể trong người Dao Thanh Phán. Ông Xuân đã dành nhiều năm để học nghề bốc thuốc nam gia truyền, học chữ Nôm Dao, học hát Pả dung, học lễ cấp sắc từ ông bà nội và các cụ cao niên trong thôn, xã. Ông Xuân có tất cả các bộ sách chữ Nôm Dao Thanh Phán và các đồ vật như trống, chiêng, tranh, kèn, chuông... để phục vụ lễ cấp sắc. Ông đã sưu tầm và soạn dịch lời Việt nhiều bài hát Pả dung để phục vụ việc truyền dạy, ông còn tự sáng tác hàng chục bài hát đối phục vụ cho các lễ cưới, lễ cấp sắc. Ông Xuân nắm rõ được các trình tự trong lễ cưới, lễ cấp sắc, lễ tang của dân tộc Dao Thanh Phán, ông còn biết làm kèn đồng và thổi kèn trong các buổi lễ.

 Một buổi sinh hoạt CLB Văn nghệ và giữ gìn nét đẹp trang phục Dao Thanh Phán ở Ba Chẽ

 Một buổi sinh hoạt CLB Văn nghệ và giữ gìn nét đẹp trang phục Dao Thanh Phán huyện Ba Chẽ

Từ các kiến thức đã có của mình, ông vui vẻ truyền dạy cho những ai muốn học và sẵn sàng tham gia giảng dạy các lớp học về phát huy bản sắc dân tộc do Phòng VH&TT huyện Ba Chẽ mời. Đến nay, ông Xuân đã truyền dạy cách viết chữ Nôm Dao, hát Pả dung, dạy cách làm lễ cấp sắc cho hàng trăm người, trong đó chủ yếu là người ở xã Đồn Đạc. Học trò ông không chỉ ở Ba Chẽ mà có cả người đến từ huyện Hoành Bồ và TP Cẩm Phả. Ông Xuân cho biết: “Nguyện vọng của tôi muốn truyền cho nhiều người, cho con cháu những bản sắc của dân tộc, vì càng nhiều người biết thì việc bảo tồn càng có hiệu quả”

Chị Triệu Kim Thành, Phó Chủ nhiệm CLB đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc cho hay: “Người dân thôn Nà Bắp rất ủng hộ hoạt động của CLB. Ban đầu, chúng tôi đề ra kế hoạch chỉ sinh hoạt 1 lần/tuần. Thế nhưng bà con hưởng ứng nhiệt tình quá nên có tuần chúng tôi hoạt động suốt. Bà con đến đây học hát, học thêu thùa đồng thời còn coi đây là nơi vui chơi, gặp gỡ, trò chuyện hàng ngày nên rất vui. CLB nhận được hỗ trợ ban đầu của Hội LHPN huyện, để duy trì hoạt động, đến nay chúng tôi đều vận động các hội viện đóng góp và đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình”. Chị Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện đồng thời là Chủ nhiệm CLB cho biết: “Đây là mô hình dân vận khéo của Hội LHPN chúng tôi, nhằm vận động người dân các thôn bản phát huy bản sắc dân tộc mình. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình ở các xã khác trên địa bàn huyện với không chỉ riêng văn hóa người Dao mà cả của các dân tộc khác, nhằm giúp người dân các dân tộc trên địa bàn giữ gìn được bản sắc dân tộc mình một cách tốt nhất”.

baoquangninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video