Giữ mãi kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ

13/01/2006
Bà Saipradit Phanomyong Vani, con gái út của Cố Thủ tướng Thái-lan Phanomyong Pridi vẫn còn giữ được rất nhiều kỷ vật - quà tặng của Bác Hồ sau những lần gia đình bà sang thăm Việt Nam hồi cuối những năm 60.

Bà Saipradit Phanomyong Vani là con gái út trong gia đình sáu người con của Cố Thủ tướng Thái-lan Phanomyong Pridi (cầm quyền từ năm 1946 đến 1947). Thủ tướng Pridi, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân xâm lược. Gia đình Thủ tướng nhiều lần được Bác Hồ mời sang thăm Việt Nam trong những năm 60. Trong những lần đến thăm, bà đã được Người tặng một số kỷ vật thiêng liêng, vô giá mà đến nay, bà luôn giữ bên mình với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ.  

 

Một ngày cuối tháng 4-2005, sau nhiều lần thu xếp, ông Phanomyong Sookprida - con trai cố Thủ tướng Phanomyong Pridi, đã nhận lời đến văn phòng cơ quan thường trú báo Nhân Dân tại Thái-lan trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng 30-4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam. Ông Sookprida rất hào hứng ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên về ký ức ngày giải phóng miền Nam.

 

Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã bày tỏ niềm kính trọng và xúc động thật sự bởi gia đình ông có rất nhiều kỷ niệm với Việt Nam, đặc biệt là bố ông - cố Thủ tướng Pridi, là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 60, gia đình ông nhiều lần được Bác Hồ mời sang thăm Việt Nam. Khi được hỏi về những kỷ vật được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng trong những chuyến thăm đó, ông Sookprida bày tỏ sự tiếc nuối: “Đã mấy chục năm trôi qua rồi, hơn nữa, cũng do lịch sử thăng trầm trong quan hệ hai nước, cho nên gia đình tôi đã không thể giữ được.” Như chợt nhớ ra, ông nói tiếp: “Tuy nhiên, cô em tôi vẫn còn giữ một số kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đấy! Tôi sẽ giới thiệu các anh đến hỏi chuyện cô ấy!”.

 

… Chúng tôi đã hẹn gặp được bà Vani tại khu nhà của mẹ bà nằm trên một con phố nhỏ trên đường Sathon.

 Ảnh minh họa
 

Bà Vani với cuốn Nhật ký trong tù

Với vẻ mặt phúc hậu rạng rỡ, bà Vani đi luôn vào câu chuyện cách đây hơn 40 năm: Chiều 21-8-1963, mẹ, hai chị gái và bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp tại Phủ Chủ tịch. Hồi đó, bà mới 22 tuổi, được Người trìu mến gọi bằng “cháu Sáu” và đặc biệt yêu thương như một người cháu trong gia đình. Mấy anh chị em bà Vani đều có tên Việt Nam là anh Hai, chị Ba, chị Năm... Ấn tượng của bà về vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam thật sâu sắc: Người giản dị trong bộ quần áo nâu, đi đôi dép cao su, đôi mắt ngời sáng niềm tin độc lập và tự do cho dân tộc.

 

Chủ tịch ân cần hỏi thăm từng người trong gia đình, thậm chí, còn nói nhiều câu bằng tiếng Thái mà Người tự học từ khi còn hoạt động ở Thái-lan cách đó 34 năm. Hơn một tiếng đồng hồ buổi gặp gỡ đầy tình cảm đó trôi đi thật nhanh, bà chỉ muốn nán lại lâu hơn nữa để được trò chuyện với Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà Vani chiếc trâm cài áo bằng bạc hình con bướm được chế tác tinh xảo, để trong chiếc hộp nhung màu đỏ. Từ đó đến nay, bà luôn giữ gìn kỷ vật này như báu vật quan trọng.

 

Gia đình bà được mời tham quan một số thắng cảnh ở miền Bắc như vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội. Đến đâu, gia đình cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân tình của người Việt Nam, khiến bà cảm thấy hạnh phúc như người thân trong gia đình lâu ngày đoàn tụ. Phong cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng rất đẹp và thanh bình. Bà rất thích hình ảnh các cô gái Hà Nội đội nón và duyên dáng trong tà áo dài.

 

Bà Vani sang thăm Việt Nam nhiều lần cùng gia đình nhưng chỉ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần vào các năm  1963, 1966 và 1968. Tuy nhiên thời gian gặp gỡ Người không nhiều. Năm 1966, khi bà đang cùng gia đình ở thăm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng bà cuốn "Nhật ký trong tù" bản chữ Hán qua anh trai bà là ông Phanomyong Sookprida cùng lời nhắn: Bác chắc cô Sáu sẽ hiểu được cuốn sách này.

 

Khẽ khàng mở gói giấy bản, bà Vani trân trọng trao cho chúng tôi cuốn Nhật ký trong tù mang số in 1417/9 của xưởng in công tư hợp doanh Minh Sang do Nhà xuất bản Văn hoá phối hợp với Viện Văn học ấn hành tháng 4-1960. Suốt bao năm, cũng như chiếc trâm cài áo, cuốn Nhật ký trong tù Bác Hồ tặng năm ấy đã cùng bà Vani sang Trung Quốc, Pháp rồi quay trở về Thái-lan. Trang đầu của kỷ vật quý giá ấy còn nguyên bút tích của tác giả bằng chữ Hán: “Bác Hồ Chí Minh”. Cuốn sách ấy gắn liền một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời bà.

 

Tại sao trong mấy anh chị em, Bác lại tặng cuốn sách ấy cho riêng bà? Chỉ có thể hiểu rằng dù bận trăm công nghìn việc, vị lãnh tụ vĩ đại ấy vẫn nhớ được cô con gái út người bạn thân thiết - cựu Thủ tướng Pridi, lúc ấy đang học khoa Ngôn ngữ và Văn học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, là người có thể đọc tốt chữ Hán. Một chi tiết nhỏ nhưng khiến bà Vani càng thêm cảm phục và kính yêu Bác Hồ vô cùng.

 

Bà tâm sự, từ ngày ấy, những kỷ vật Bác Hồ  tặng luôn gắn bó với bà trong những chặng đường đời. Qua tập thơ Nhật ký trong tù, bà Vani hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, những gian lao mà Người từng nếm trải trong quá trình hoạt động cách mạng nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột của  thực dân, đế quốc. Khi đứng trước thử thách, rồi những lúc khó khăn vất vả, bà đọc lại cuốn Nhật ký trong tù, tìm thấy ở đấy niềm lạc quan sống và phấn đấu.

 

Lần giở một trang được đánh dấu sẵn, bà đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Tự miễn (Tự khuyên mình) của Hồ Chủ tịch bằng Trung văn: Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/Nghĩ mình trong bước gian truân/ Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng. Bà Vani cho rằng đó không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một lời khuyên có giá trị về chuẩn mực sống và ứng xử.  

 

Điều khiến bà Vani kính trọng và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phong giản dị của Người, những vần thơ tưởng như chỉ phản ánh một sự việc bình thường của tạo hoá… lại làm sáng tỏ  một nhân cách lớn, một lý tưởng sống cao đẹp sẵn sàng hy sinh cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ.

 

Một ngày đầu tháng 9-1969, tại Quảng Châu (Trung Quốc), gia đình bà nhận một tin sét đánh và không cầm nổi nước mắt: Bác Hồ đã đi xa. Gia đình bà như mất một người ruột thịt. Ngay sau đó, ông Pridi đã cùng các con, trong đó có bà, sang dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

 

Trải qua những thăng trầm trong lịch sử, cùng với những kỷ vật vô giá trên, gia đình bà còn lưu giữ cẩn thận một số bức ảnh quý chụp Bác Hồ tiếp gia đình trong những lần sang thăm Hà Nội. Theo bà Vani, mối thâm giao giữa người cha đáng kính của bà và Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự tương đồng về tư tưởng của  hai vị lãnh tụ. Đó là mong muốn xây dựng đất nước  tự do, hoà bình, người dân được ấm no, hạnh phúc.

 

Với bà, Bác Hồ luôn giản dị, có đôi mắt sáng, chòm râu bạc và nụ cười hóm hỉnh, ngày ấy đã là người rất thân thiết trong gia đình. Và cũng thật tự nhiên, không biết tự khi nào, bà và các anh chị em trong gia đình đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bác” xưng “cháu”, cách xưng hô thân thiết được nhiều người Việt Nam sử dụng để gọi vị Lãnh tụ kính yêu của mình.

Hà Thanh Giang và Vũ Mai Hoàng (Báo Nhân Dân)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video