Giữ nghề truyền thống

05/11/2010
Trước đây, nghề đan thúng, đan rổ ở ấp Trường Phú 1B, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, do các gia đình làm tự phát, hoạt động rời rạc. Đến tháng 8-2009, các chị em trong ấp đã cùng nhau thành lập mô hình đan thúng, đan rổ và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Từ đó, các chị em không chỉ giúp nhau về nguồn vốn làm ăn mà tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.

Cô Nguyễn Hồng Kháng, thành viên tham gia mô hình đan thúng, đan rổ ở ấp Trường Phú 1B, vui vẻ nói: “Trong xóm tôi có nhiều gia đình theo nghề đan thúng, đan rổ. Nhiều thành viên trong gia đình cùng ngồi đan hoặc các chị em rủ nhau đến nhà một ai đó để đan cho vui, không chỉ giãi bày tâm sự, chia sẻ nhau những khó khăn, vất vả mà công việc cũng diễn ra nhanh hơn”.

Trước đây, nghề đan thúng, đan rổ ở ấp Trường Phú 1B hoạt động rời rạc. Mỗi gia đình đều tự lo từ khâu mua nguyên liệu (trúc, tre và dây gân) đến bán sản phẩm. Năm 2008, Chi hội Phụ nữ ấp Trường Phú 1B đã vận động được 15 chị em biết đan thúng, đan rổ thành lập tổ tiết kiệm, giúp nhau vốn xoay vòng để trang trải chi phí sinh hoạt cũng như mua nguyên liệu. Dần dần, thấy được lợi ích của tổ tiết kiệm, nhiều chị em đã động viên nhau gia nhập tổ, rồi đến thành lập mô hình đan thúng, đan rổ. Cô Huỳnh Thị Ngân, Chi hội trưởng kiêm phụ trách mô hình này, cho biết: “Tuy chỉ có 25 thành viên tham gia mô hình, nhưng thật sự trong gia đình mỗi thành viên có nhiều người biết đan thúng, đan rổ, từ ông bà, cha mẹ đến con cái. Hiện nay, trong ấp có 133 hộ gia đình, trong đó có khoảng 80% gia đình theo nghề này. Chúng tôi có phân công 2 chị phụ trách khâu thu gom sản phẩm, rồi bán lại cho đầu mối tiêu thụ quen biết, để không bị các thương lái ép giá. Riêng nguyên liệu thì hễ chị nào đi mua tre, trúc thì về chia lại cho các thành viên, không có sự sanh nạnh nhau. Mỗi cái rổ được bán với giá từ 9.000-10.000 đồng. Sản phẩm làm ra bán lời khoảng gấp 3 lần so với đồng vốn ban đầu”.

Chị Phạm Thị Thường là một trong hai thành viên phụ trách khâu thu gom sản phẩm để bán lại cho các đầu mối tiêu thụ ở các xã, thị trấn của huyện Phong Điền; phường Trường Lạc (quận Ô Môn); thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai)... Bình quân mỗi cái rổ, chị Thường lời từ 1.000-2.000 đồng (bán sỉ và lẻ). Chị Thường là một trong những thành viên có hoàn cảnh khó khăn, không có đất ruộng, con cái không được học hành đàng hoàng. Lúc trước, vợ chồng chị Thường đi làm mướn xa nhà, nhưng cũng không dư dả gì, nên 3 năm nay vợ chồng chị Thường không đi làm xa nữa, ở xóm ai thuê gì làm nấy, những lúc rảnh rỗi gia đình cùng nhau đan rổ. Khi mô hình đan thúng, đan rổ được thành lập, cô Ngân động viên chị Thường tham gia. Chị Thường vừa đan rổ bán, vừa được thu lời từ việc nhận nhiệm vụ thu gom sản phẩm để bán lại cho các đầu mối tiêu thụ. Từ đó, cuộc sống gia đình chị Thường đỡ phần khó khăn hơn.

Theo chị Nguyễn Thị Đón (thành viên mô hình) học nghề đan rổ không khó, chỉ cần siêng năng, chịu khó học hỏi. Bình quân mỗi ngày, mỗi người đan được khoảng 7-12 cái rổ. Chị Đón bày tỏ: “Khi về làm dâu, tôi được mẹ chồng dạy cách đan rổ. Có được cái nghề, tôi rất vui vì giúp chồng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chồng tôi ngoài thời gian đi làm thuê, làm mướn khi rỗi rảnh ở nhà cùng tôi đan rổ”.

Nghề đan thúng, đan rổ là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở ấp Trường Phú 1B nên các bậc ông bà, cha mẹ đã không quên truyền nghề lại cho con cháu của mình. Cô Nguyễn Thị Nên và chồng được cha mẹ truyền nghề đan thúng, đan rổ, sau đó cô chú lại tiếp tục truyền nghề cho 3 người con trai và con dâu. Ngoài thời gian chăm sóc 7 công ruộng, đàn heo, mỗi ngày gia đình cô Nên đan trên 20 cái rổ, không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ và ấm áp.

Còn chị Đặng Thị Nga được truyền nghề từ ông ngoại, khi chị mới mười mấy tuổi. Chị Nga tâm sự: “Khi lập gia đình cùng anh Nguyễn Thanh Tùng, tôi khuyên anh ấy nên học cách đan thúng, đan rổ để kiếm thêm thu nhập. Anh ấy cũng chịu khó học nghề từ tôi. Với chúng tôi, nghề đan thúng, đan rổ là nghề chính vì đi làm thuê, làm mướn, luôn thất thường. Chúng tôi cố gắng lao động lo cho con ăn học đàng hoàng nhưng sẽ không quên truyền lại nghề cho con để duy trì truyền thống của gia đình”. Cũng được truyền nghề từ cha mẹ, vợ chồng chị Đặng Thị Thủy truyền nghề lại cho 2 cô con gái. Chị Thủy nói: “Ngoài thời gian đi học THPT, con tôi cũng phụ giúp đan rổ. Nếu không có nghề đan rổ, không biết gia đình tôi sẽ xoay xở như thế nào!”. Gia đình chị Thủy thuộc hộ nghèo ở địa phương, không có đất ruộng. Để giảm chi phí mua nguyên liệu đan rổ, gia đình chị Thủy đã trồng trúc quanh nhà, giờ thì mấy bụi trúc đã được dùng để đan rổ.

Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, cuộc sống gia đình của các hộ dân trong ấp đang dần ổn định, nhiều thành viên đã không quên ơn người đầu tàu của mình là cô Huỳnh Thị Ngân, người có mấy mươi năm kinh nghiệm đan thúng, đan rổ. Chị Đặng Thị Thủy bày tỏ: “Tôi rất cảm ơn chị Ngân đã vận động tôi gia nhập mô hình này. Mỗi khi gặp khó khăn về kinh tế, chị Ngân luôn tạo điều kiện để tôi được vay vốn xoay vòng”. Nhiều phụ nữ trong ấp cho biết cô Ngân rất nhiệt tình với công tác xã hội, sống gần gũi với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ các thành viên những khi gặp khó khăn. Thấy cô Ngân thích tham gia công tác xã hội, chồng cô là chú Phan Văn Yên luôn tán thành, ủng hộ. Mỗi khi cô Ngân đi hội họp, chú Yên lo quán xuyến công việc nhà. Cô Ngân cho biết: “Trong ấp có nhiều gia đình có truyền thống đan thúng, đan rổ, nên tôi mong muốn nơi đây sẽ hình thành làng nghề. Tôi mong nghề đan thúng, đan rổ của ông bà được bảo tồn, đời sống của các chị em nơi đây được nâng cao, bởi hiện nay trong ấp còn 24 hộ cận nghèo và 8 hộ nghèo”.

Bà Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Long, huyện Phong Điền, nói: “Mô hình đan thúng, đan rổ không chỉ giữ gìn và phát huy nghề truyền thống với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mà còn giúp các chị em ấp Trường Phú 1B có thêm thu nhập, chăm lo đời sống gia đình tốt hơn”.

Theo baocantho online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video