Giúp phụ nữ Thanh Hóa thoát nghèo

20/08/2012
Ðến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay ưu đãi ở tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo gần 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã và đang thiết thực tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ.

Ðến thăm, trò chuyện với chị Nguyễn Thị Phương ở xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi thật sự cảm phục người phụ nữ giàu nghị lực. Chồng mất sớm, một mình chị bươn chải nuôi dạy ba người con. Chạy chợ mưu sinh, nuôi  các con ăn học, năm 2008, chị mạnh dạn ra Ngọc Ðộng, Hà Nam học nghề mây tre đan rồi trở về quê làm ăn. Năm 2010, chị được ngân hàng chính sách-xã hội cho vay 10 triệu đồng, cộng với nguồn tích lũy và anh em trợ giúp được hơn 30 triệu đồng đầu tư tổ chức sản xuất. Chị trực tiếp tham gia và thuê giáo viên tổ chức dạy nghề cho hàng trăm phụ nữ, đồng thời tìm kiếm các công ty cấp đơn hàng, bao tiêu sản phẩm cho chị em. Nghề mây tre đan dần được nhân rộng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gần 70 phụ nữ nghèo trong xã. Không dừng ở đây, chị Phương cùng các giáo viên tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động các xã lân cận, xúc tiến thành lập HTX. Hiện, HTX tiểu thủ công nghiệp Khánh Phương có vốn điều lệ 500 triệu đồng, thực lãi 30 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 250 lao động, đạt mức thu nhập từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó có hơn 10 người khuyết tật.

Cùng với gia đình chị Phương, gia đình chị Lê Thị Tuấn ở thôn 1, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương đã trở thành "khách hàng ruột" của ngân hàng Chính sách-xã hội. Kỳ giải ngân gần đây gia đình được vay 10 triệu đồng nuôi bò sinh sản và đã nhân thêm được con bê, mới bán được 7,5 triệu đồng. Chị còn nuôi gà siêu trứng, gia cầm thả vườn để có thêm nguồn thu trả lãi hằng tháng, cải thiện sinh hoạt hằng ngày.

Ðến với phụ nữ nghèo ở nông thôn Thanh Hóa chúng tôi được biết, nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng Chính sách-xã hội luôn quan tâm bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển kinh tế hộ. Tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với khối đoàn thể mà nòng cốt là hội phụ nữ, hội nông dân tham gia tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, nắm bắt nhu cầu vay vốn, hướng dẫn thành lập gần 10 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn, tư vấn kinh nghiệm tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm đồng vốn cho vay đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả. Ðặc biệt, mô hình câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo đang được nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ nghèo được tiếp cận, sử dụng hiệu quả các món vay ưu đãi, vươn lên thoát nghèo. Dù vậy, trung bình mức vay chỉ đạt 10 triệu đồng/hộ cho nên quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ. Thêm nữa, chênh lệch về mức sống giữa hộ nghèo, cận nghèo không lớn và khi mới thoát nghèo, nhiều hộ khó tiếp cận kênh tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khác với chị Phương sau khi thoát nghèo phải vay 100 triệu đồng vốn ngân hàng Thương mại, lãi suất 18%/tháng hoặc nhiều khi phải vay nóng, chịu lãi suất cao, gia đình chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn 3, xã Quảng Khê tiếp cận được nguồn vốn Quỹ tình thương 21 triệu đồng, cộng với khoản vay 30 triệu đồng từ chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện và nguồn tự có để đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy dệt chiếu, tăng năng suất, hiệu quả lao động. Chị Nguyễn Thị Bi, Trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3 cho biết: Hiện chi hội có hơn 100 phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi thông qua ba tổ vay vốn. Ðồng vốn được đầu tư thâm canh lúa, cói, phát triển chăn nuôi, mua vật tư, thiết bị dệt chiếu cho nên nhìn chung cuộc sống của các hội viên phụ nữ được cải thiện rõ rệt. Chị Trần Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Xương cho biết: Toàn huyện có 33 nghìn phụ nữ sinh hoạt ở khu vực nông thôn và phụ nữ nghèo là chủ hộ chiếm hơn 60% tổng hộ nghèo toàn huyện. Hiện phụ nữ trong huyện đang tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng Chính sách-xã hội, Quỹ tín dụng vi mô của T.Ư hội, Quỹ vì người nghèo của tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, cho nên 100% số phụ nữ nghèo được tiếp cận các kênh tín dụng và hằng năm có khoảng 5% phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo. Dù vậy, nhiều hộ nghèo còn thiếu  kiến thức khoa học, phương án sản xuất khả thi  cho nên khó vay vốn ưu đãi đạt mức tối đa.

Khảo sát các đối tượng vay vốn ưu đãi ở Thanh Hóa, chúng tôi còn nhận thấy tâm lý trông chờ, ỷ lại; thiếu ý thức tích lũy thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản suất; thậm chí "không muốn thoát nghèo" để được thụ hưởng các chính sách ưu đãi vẫn còn phổ biến. Có nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng, thiếu sâu sát trong định hướng sử dụng nguồn vốn hoặc né tránh trong chỉ đạo, đôn đốc thu hồi công nợ. Trưởng Ban kinh tế Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hoa kiến nghị: Tổ chức tín dụng nên tăng mức vay ưu đãi hộ nghèo; tăng tỷ lệ hoa hồng cho tổ chức hội nhằm khích lệ cán bộ hội tham gia quản lý, tư vấn, hướng dẫn sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Chính sách-xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Tiến Trứ khẳng định: Thực tế ngân hàng không thiếu vốn ưu đãi cho các đối tượng vay, nhất là phụ nữ là chủ hộ có năng lực tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị. Tuy nhiên để bảo đảm nguồn vốn đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích cần có sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác  khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho khu vực này để đồng vốn ưu đãi sinh lời, sử dụng hiệu quả, thiết thực thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm hộ nghèo nhanh, bền vững.

Theo báo Nhân dân (PHD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video