Góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm

18/10/2004
Là một trong những thành viên quan trọng của chương trình, hàng năm TW Hội LHPNVN đều có kế hoạch cụ thể về chỉ tiêu giải quyết việc làm, phân bổ nguồn quỹ, hướng dẫn các cấp Hội xây dựng dự án, xét duyệt, thẩm định, ra quyết định cho vay và chỉ đạo các cấp Hội thực hiện quản lý theo đúng cơ chế, chính sách, định kỳ kiểm tra đánh giá, khen thưởng, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh...

Trước nhu cầu việc làm đã trở thành vấn đề bức xúc, không chỉ đơn thuần mang tính chất kinh tế mà đã bao hàm cả vấn đề xã hội, chính trị cấp thiết của đất nước, ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm, trong đóxác định "giải quyết việc làm là trách nhiệm của nhà nước, của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và mỗi người lao động". Nhà nước lập Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chủ yếu trích từ ngân sách nhà nước và các nguồn viện trợ khác để hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, trong đóưu tiên các dự án sử dụng lao động là người tàn tật, sử dụng nhiều lao động nữ. 

 

Kết quả 10 năm thực hiện chương trình:

TW Hội xét duyệt 2.320 dự án.

Giải quyết cho 163.088 lao động có việc làm .

Doanh số vốn đạt 181 tỷ 521,1 triệu đồng.

một trong những thành viên quan trọng của chương trình, hàng năm TW Hội LHPNVN đều có kế hoạch cụ thể về chỉ tiêu giải quyết việc làm, phân bổ nguồn quỹ, hướng dẫn các cấp Hội xây dựng dự án, xét duyệt, thẩm định, ra quyết định cho vay và chỉ đạo các cấp Hội thực hiện quản lý theo đúng cơ chế, chính sách, định kỳ kiểm tra đánh giá, khen thưởng, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh... Với chủ trương ban đầu chỉ cho vay các món nhỏ tập trung hỗ trợ cho các tỉnh nghèo, khó khăn, thiếu việc làm và thiếu vốn, phát triển kinh tế đồi rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị, chăn nuôi đại gia súc, chế biến thủy hải sản... đến nay, nguồn vốn đã được đầu tư vào sản xuất hàng hoá, cây con có giá trị kinh tế cao, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, hỗ trợ khởi sự và phát triển doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hội đã thành lập các nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm để tổ chức hoạt động cho vay vốn quỹ quốc gia.

 

Trong 3 năm gần đây, TW Hội đổi mới cách thức quản lý Quỹ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng vốn vay. Thông qua việc ứng dụng phần mềm quản lý chương trình và yêu cầu các tỉnh/ thành Hội đăng ký nhu cầu vốn với TW, việc phân bổ vốn cấp mới hàng năm cho các đơn vị đã hợp lý, phù hợp và đáp ứng được điều kiện và nhu cầu giải quyết việc làm của từng địa phương, vốn được đầu tư vào địa bàn, ngành nghề trọng điểm, loại hình sản xuất ít rủi ro, tạo nhiều việc làm, việc quản lý cũng chặt chẽ, tránh tình trạng tồn nhiều vốn.

 

So với kế hoạch Liên bộ giao, hàng năm Hội LHPN luôn vượt chỉ tiêu giải ngân vốn thu hồi (khoảng 130%), tỉ lệ nợ quá hạn nhỏ, dưới mức cho phép (0,5%). Có thể nói, vốn quỹ quốc gia về việc làm do TW Hội LHPN Việt Nam quản lí đã có nhiều tác động tích cực trên các mặt kinh tế xã hội. Hàng chục vạn gia đình phụ nữ đã thoát nghèo nhờ biết cách làm ăn từ vốn vay, nhiều phụ nữ được nâng cao kiến thức, năng lực và vị thế trong gia đình, xã hội, đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển kinh tế của đất nước.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục trong giai đoạn tiếp theo: dự án cho vay món vay nhỏ, thậm chí có nơi muốn chia đều cho các cơ sở, các hộ gia đình làm cho hiệu quả sử dụng vốn không cao; các giải pháp để đưa vốn về vùng sâu, vùng xa chưa tìm ra được bài toán hiệu quả; cho vay và quản lý vay món lớn vẫn còn gặp không ít khó khăn, thiếu cán bộ chuyên trách theo dõi quản lý chương trình ở một số tỉnh Hội, huyện Hội, phối hợp thường xuyên với các ngành liên quan có nơi chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng tới công tác quản lí chỉ đạo và hiệu quả sử dụng vốn.

 

Trong thời gian tới, để chương trình đạt kết quả tốt hơn, TW hội đề ra mục tiêu: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế trang trại và phát triển doanh nghiệp nhỏ; Hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tạo thêm việc làm cho phụ nữ; Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, dịch vụ việc làm của Hội, góp phần thực hiện chỉ tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho phụ nữ.

 

Để đạt được những mục tiêu trên cần tận dụng triệt để nguồn vốn từ quĩ quốc gia để hỗ trợ phụ nữ khởi sự và phát triển doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ ở khu vực đồng bằng, trung du, nhất là các thị trấn, thị tứ, làng nghề truyền thống; Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; Tìm các giải pháp để đưa vốn về vùng sâu, vùng xa, miền núi, giúp phụ nữ phát triển dịch vụ sản xuất và kinh tế trang trại; Kết hợp nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với các nguồn vốn khác cả vốn trong nước và các nguồn vốn quốc tế nhằm tăng nguồn vốn vay để phụ nữ sản xuất kinh doanh và tăng nguồn lực cho công tác đào tạo; thí điểm hình thức cho vay vốn liên kết làm ăn theo nhóm. Tập huấn về quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả cho ít nhất 80% số phụ nữ vay vốn từ quỹ quốc gia; Kết hợp chặt chẽ việc cho vay vốn với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; Đầu tư vốn vào địa bàn trọng điểm, ngành nghề trọng điểm theo từng địa phương và chấm dứt việc phân phối vốn bình quân, dàn trải không xuất phát từ nhu cầu và hiệu quả sử dụng vốn.

Ban Gia đình - Xã hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video