Góp phần tích cực phòng chống lao

20/03/2006
Kết hợp với Chương trình chống lao Quốc gia, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội cả nước tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động chị em phòng và chống bệnh lao thiết thực, hiệu quả.

Hội đã mở 45 lớp tập huấn cho gần 5000 tuyên truyền viên ở 136 xã, phường, thuộc 751 huyện, thị của 50 tỉnh, thành, đưa ra những kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh lao và kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ phòng chống bệnh lao tại cộng đồng.

 

Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Phù Thuỵ, Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam đã có thời kỳ mắc bệnh lao, sức khoẻ giảm sút, công việc gia đình bỏ trễ. Được chị em thôn Phù Thuỵ, xã Thi Sơn kịp thời động viên, chia sẻ và vận động, chị đến trung tâm y tế huyện khám bệnh và điều trị kịp thời. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị em trong thôn cử nhau đến cấy giúp, để chị yên tâm chữa bệnh. Tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của y bác sĩ, sau 8 tháng điều trị liên tục, tích cực, chị Phương đã hoàn toàn khỏi bệnh. 5 năm nay, ngoài gánh vác công việc đồng áng, chị còn tự nguyện làm tuyên truyền viên, tích cực vận động bà con trong thôn phòng, chống bệnh lao và đã phát hiện 5 trường hợp nghi mắc lao đến trung tâm y tế khám chữa kịp thời.

 

Hội thi tuyên truyền viên về phòng, chống bệnh lao của phụ nữ huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã diễn ra trong không khí sôi nổi. 30 thí sinh đại diện cho tuyên truyền viên của 10 xã, thị trấn mang về hội thi những kiến thức về bệnh lao. Cuộc thi gồm hai phần, phần kiến thức bắt buộc và phần xử lý tình huống. Phần thi kiến thức và kỹ năng truyền thông về bệnh lao như tác hại của bệnh, cách phòng chống, điều trị bệnh để đạt hiệu quả tốt... được các thí sinh trình bày thuyết phục, dễ hiểu, gần với bà con, đặc biệt phần xử lý tình huống hấp dẫn, thể hiện sự nhanh nhạy, ứng đối kịp thời. Cuộc thi không chỉ rút ra kinh nghiệm cho mỗi tuyên truyền viên mà còn thể hiện vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong trong công tác phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng. Chị Trần Thị Đặt, tuyên truyền viên xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam nói: "tôi thấy cuộc thi rất bổ ích, qua đó chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm để học hỏi, tuyên truyền, vận động chị em khám và điều trị bệnh".

 

 Bà Quyền Thị Sáng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết: "Chúng tôi đã tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPNVN, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuyên truyền phòng chống lao trong hội viên phụ nữ. Chỉ đạo các cấp hội và tổ chức tậphuấn, tuyên truyền cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội".

 

Do phong tục, tập quán lạc hậu, nhận thức còn hạn chế nên người dân hiểu biết về bệnh lao còn ít. Khi mắc bệnh còn mặc cảm, giấu bệnh không đi khám ngay, do đó mà nguồn lây không được kiểm soát, gây tình trạng lây lan trong cộng đồng. Chính vì vậy rất cần đến những tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia vào hoạt động chống lao, đưa kiến thức về bệnh lao và cách phòng tránh bệnh đến gần dân hơn. Những hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã góp phần tăng tỷ lệ số bệnh nhân nghi mắc lao đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tham gia tích cực trong phong trào xã hội hoá công tác chống lao của ngành y tế.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video