Góp sức cho khu kinh tế mở phát triển

04/06/2007
Trong sự nghiệp CNH-HĐH, để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 (như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X đã đề ra), nhiều tỉnh/thành đã “trải thảm” mời gọi đầu tư, hình thành nên những khu, cụm công nghiệp “sầm uất”, đem lại tốc độ tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá cho địa phương.

Khu kinh tế mở Chu Lai là một ví dụ cho sự đi lên của tỉnh Quảng Nam, các tỉnh lân cận và của cả khu vực miền Trung. Giải phóng mặt bằng - vấn đề luôn nóng hổi vì “động đến” quyền, lợi ích sát sườn của người dân trong diện giải toả, di dời. Vậy Hội LHPN xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành đã cùng cấp uỷ, chính quyền “vào cuộc” như thế nào để người dân hiểu, quên đi lợi ích trước mắt, dời bỏ mảnh đất đã gắn bó bao đời nay vì tương lai của khu kinh tế non trẻ này.

 

Năm 2002, Quyết định 108/CP của Chính phủ về khởi công xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đã mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, đồng thời cũng đặt ra thách thức mới đối với Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã hội và người dân nơi đây trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Là xã trọng điểm của Khu kinh tế mở Chu Lai, 80% dân số sống bằng nghề nông, Đảng bộ Tam Hiệp ngay từ đầu đã xác định: để xây dựng thành công Khu kinh tế mở, công tác giải toả đền bù giải phóng mặt bằng phải đặt lên hàng đầu, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm cao và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là việc làm hết sức mới mẻ, tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân nói chung và cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng. Câu hỏi “đi đâu?”, “làm gì?” “ở đâu?” luôn thường trực trong đầu các chị. Bên cạnh đó, công tác đền bù gặp nhiều khó khăn: giá cả đền bù thường xuyên thay đổi, giá đất nhà ở so với giá thị trường còn nhiều bất cập làm cho một bộ phận nhân dân trong diện giải toả thiếu yên tâm. Một số ít hộ chưa chấp hành tốt việc giữ nguyên hiện trạng, xây dựng cơi nới trái phép; việc kiểm kê tài sản của nhân dân chưa sát với thực tế đã gây bất bình trong một số hộ gia đình, trong khi công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi phái hết sức khẩn trương mới đảm bảo thi công các công trình.

 

Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã Tam Hiệp xác định, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Cuộc họp BCH mở rộng được lập tức tiến hành, quán triệt nghiêm túc tinh thần của cấp trên, đồng thời Hội tập hợp toàn bộ hội viên phụ nữ đến dự nghe cán bộ Hội LHPN huyện hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc, giải toả tư tưởng cho chị em. Để làm gương, Hội vận động cán bộ Hội trong diện giải toả khẩn trương di dời và vận động chồng con cùng thực hiện. Phương châm “lấy người tốt làm gương, lấy chị em tiêu biểu làm điển hình” đã được chị em trong BCH triệt để áp dụng. Từ những con người cụ thể, những tấm gương tiêu biểu như mẹ Lược, mẹ Khoai, mẹ Sung và nhiều chị em khác đã góp phần thay đổi nhận thức cũng như hành động của chị em.

 

Nhờ đi sâu đi sát, nắm bắt rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân nói chung, chị em nói riêng; kịp thời phát hiện các hộ cơi nới, xây mới, chuyển đổi sai mục đích, Hội đã chủ động tham mưu với chính quyền, các cơ quan chức năng đề ra các giải pháp cụ thể, xác thực với lòng dân, thực hiện công khai, dân chủ trong áp giá đền bù, tái định cư. Đối với các gia đình trong dịên di dời, Hội đã cử cán bộ, hội viên tham gia tháo dỡ nhà cửa, thu xếp đồ đạc, giúp chị em nhanh chóng chuyển đến nơi ở mới. Khu vực thôn 3 – nơi phải giải toả trắng, Hội đã đứng ra đảm nhận công tác hậu cần phục vụ bộ đội Sư đoàn 315 trong những ngày đóng quân tại xã giúp sức cùng địa phương. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động đền bù, Hội còn quan tâm đến đời sống của chị em sau tái định cư. Hội đã tham mưu với chính quyền mở 3 lớp học nghề may công nghiệp, chế biến thuỷ sản, làm nấm rơm, nấm sò cho 195 lao động nữ; phối hợp với các nhà máy ưu tiêntuyển chọn con em trong vùng giải toả vào làm việc, ổn định cuộc sống.

 

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Hội LHPN xã Tam Hiệp đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giả phóng mặt bằng, tạo tiền đề xây dựng Khu kinh tế mở. Trong 6 năm, Tam Hiệp đã giải toả được 371,98 ha với 2.390 hộ, trong đó có 550 hộ phải giải toả trắng. Thời gian tới, Khu kinh tế mới được đầu tư phát triển, chắc chắn còn nhiều hộ phải di dời. Với kinh nghiệm thực tiễn đã đúc kết, BCH Hội LHPN xã xác định: hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư, xây dựng các CLB phát triển kinh tế, khôi phục làng nghề truyền thống, mở rộng các loại hình dịch vụ, khai thác các nguồn vốn cho chị em vay phát triển sản xuất…là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hội “dốc sức” vào thực hiện.

 

 

Đỗ Hoa – Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video