Hà Giang: Cô giáo người Dao đưa bài thuốc tắm cổ truyền tới mọi miền Tổ quốc

23/09/2022
Với tình yêu quê hương, dân tộc cũng như mong muốn lưu giữ bài thuốc cổ truyền, cô giáo Chảo Thị Lan đã phát huy, đồng thời đưa bài thuốc tắm của người Dao đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Cô giáo Chảo Thị Lan

Đến xã Cao Mã Pờ (huyện Quản Bạ, Hà Giang), nhắc đến cô giáo Chảo Thị Lan (SN 1990, dân tộc Dao, hiện công tác tại Trường Mầm non xã Cao Mã Pờ) thì ai cũng biết. Bởi lẽ, cô là tấm gương điển hình về giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc và thực hiện phong trào khởi nghiệp từ cây thuốc quý.

Với người Dao, từ xa xưa họ đã biết tìm các loại thảo dược lá cây quý có sẵn ở trong rừng mang về làm thuốc. Người dân lên rừng tìm kiếm, thu hái những loại lá cây thuốc hỗn hợp mang về đun nước tắm giúp phục hồi sức khỏe, lưu thông khí huyết, dễ ăn, dễ ngủ, phòng và chống bệnh hậu sản. Đồng thời, làm sạch nhanh các sản dịch và giải độc cho sản phụ. Đây là thuốc tắm gia truyền kì diệu từ nhiều loại thảo mộc của người Dao từ xa xưa truyền lại.

Vốn sinh ra tại mảnh đất vùng cao, từ nhỏ Chảo Thị Lan đã theo cha mẹ lên nương rẫy, tiếp xúc và biết cách nhận biết các các loại cây thuốc trong rừng.

Năm 2010, Chảo Thị Lan đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hà Giang. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, cô trở về công tác tại quê hương Cao Mã Pờ. Với những nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn và công tác Đoàn, Lan được bầu làm Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non xã Cao Mã Pờ.

Cô giáo Lan lên rừng lấy thuốc.

Bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, ngoài giờ lên lớp cô Lan còn chịu khó tìm hiểu về các loại cây thuốc, bài thuốc cổ truyền của dân tộc mình.

Năm 2017, khi sinh con đầu lòng cô đã được bà cụ và mẹ chăm sóc chu đáo, đi rừng lấy lá thuốc về cho cô tắm để phòng tránh các bệnh sản khoa sau sinh. Cô thấy rằng bài thuốc tắm này thực sự hiệu quả nên nảy sinh ý tưởng muốn phổ biến rộng rãi đến nhiều người hơn nữa, mong muốn mỗi người phụ nữ sau khi sinh đều được chăm sóc tốt.

Hưởng ứng lời kêu gọi Thanh niên lập nghiệp, cô giáo Lan nghĩ đến bài thuốc tắm truyền thống của dân tộc mình. Không những thế, địa hình, khí hậu của quê hương rất phù hợp để trồng cây dược liệu.

Sau khi tham khảo ý kiến của gia đình, cùng với những kinh nghiệm đã được kiểm chứng, cô quyết định phát triển bài thuốc tắm người Dao lên một tầm cao mới.

Cô giáo Lan sơ chế nguyên liệu trong bài thuốc.

Cô giáo Lan cho biết, bài thuốc tắm của dân tộc Dao gồm có 42 vị thuốc. Trong đó có các loại cây thuốc chủ lực có tác dụng tăng cường lưu thông máu, mạnh gân cốt, giảm đau nhức xương khớp; trị sổ mũi, sốt, ho; giải độc, lợi tiểu; chữa bệnh ngoài da; giúp ăn ngon, ngủ ngon", cô giáo Lan chia sẻ. "Ban đầu mình thấy bài thuốc tốt nên giới thiệu cho chị em đồng nghiệp, sau đó mọi người lại giới thiệu cho nhiều người khác mua về dùng. Từ đó, mọi người truyền tai nhau tìm đến mua thuốc tắm. Đến nay lượng khách hàng của chúng tôi luôn ổn định và ngày càng tăng", cô giáo Lan chia sẻ.

Sau khi phân loại và phối hợp đúng liều lượng, bài thuốc sẽ được đóng gói để đưa đến người tiêu dùng. Mỗi gói thuốc là 1 thang thuốc đủ cho 1 lần tắm, 3 gói thuốc là 1 liệu trình. Mỗi phụ nữ sau khi sinh, vết mổ khô là tắm được và chỉ cần một liệu trình là có thể giúp phòng tránh các bệnh về sản khoa sau sinh.

Hàng ngày, sau giờ lên lớp cô Lan lại cùng người cụ trong gia đình lên rừng tìm hái lá thuốc về sơ chế từng vị thuốc và phân loại, phơi khô. Sau đó, đóng gói để cung cấp cho những đại lý, nhà thuốc trên địa bàn. Ngoài ra, cô còn quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội.

Đến năm 2018, cô giáo Lan bắt đầu áp dụng công nghệ số vào livestream để bán hàng trên facebook, cô đầu tư bảng biển, máy điện thoại, giá đỡ… để tạo thành một phòng quay nhỏ tại góc nhà và giới thiệu bán hàng vào buổi tối. Đây là cách làm khá chuyên nghiệp so với điều kiện ở vùng sâu, xa.

Không chỉ lên rừng hái lá thuốc, cô Lan còn tìm cách bảo tồn và nhân giống những cây thuốc quý bằng cách tìm những cây con mang về trồng quanh nhà. Đồng thời phổ biến, vận động những người trong gia đình, dòng họ trồng và nhân giống theo.

Anh Trăng Văn Chương, Bí thư Đoàn xã Cao Mã Pờ, cho biết, cô Lan ngoài làm tốt công tác chuyên môn còn rất tích cực tham gia vào các phong trào do Đoàn xã phát động. Bên cạnh đó, cô còn phát huy được sản phẩm truyền thống của dân tộc Dao là bài thuốc lá tắm, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Đây là tấm gương điển hình cho đoàn viên, thanh niên trong xã học tập về cách phát huy truyền thống của dân tộc gắn với phát triển kinh tế gia đình.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video