Hà Giang: Những tấm gương phụ nữ năng động, làm kinh tế giỏi

19/02/2021
- Chị Thò Thị Già, phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi
- Chị Nguyễn Thị Hương: Thu nhập 200 triệu đồng từ nghề trồng nấm
Chị Thò Thị Già bên đàn bò đang nuôi vỗ béo của gia đình

- Chị Thò Thị Già, phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi

Chị Thò Thị Già, dân tộc Mông, thôn Há Chế, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) sinh ra và lớn lên trên địa bàn của một huyện nghèo nhưng chị Già đã biết cách làm kinh tế để nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Xuất phát từ việc gặp nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, chị Già đã nhận thức được chỉ có đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ mới có thể nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Từ đó, chị đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, chị còn tận dụng các khoảng đất trống, đồi núi trọc của gia dình để phát triển trồng cỏ nhằm tăng nguồn thức ăn cho đàn gia súc của gia đình. Ngoài mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, chị Già còn sử dụng nguồn vốn của gia đình để mua các con bò gầy yếu của bà con trong vùng và tại các phiên chợ trên địa bàn về để nuôi vỗ béo. Mỗi đợt chị nuôi vỗ béo từ 7 – 8 con bò, sau khoảng 3 – 4 tháng bán cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi, tiền bán gia súc và tiền lãi từ vỗ béo bò, mỗi tháng gia đình có nguồn thu bình quân từ 20 – 25 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.

Để phát triển chăn nuôi gia súc thành công, chị chia sẻ cần phải biết các khâu kỹ thuật cơ bản như công tác chăm sóc và vệ sinh chuồng trại; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. Ngoài ra, để vỗ béo cho đàn bò được nhanh và hiệu quả thì khi mua bò gầy yếu để vỗ béo cũng cần có kỹ thuật nhất định, đó là chỉ mua những con bò gầy yếu tuổi còn non, hiệu quả vỗ béo cao đồng thời  công việc đầu tiên là phải tẩy giun sán và dùng các sản phẩm phụ từ nông nghiệp như cám gạo, bột ngô để cho ăn bổ sung…

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn sẵn sàng trợ giúp các kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc cho các hộ nông dân khác trên địa bàn. Từ những thành tích đạt được, chị Thò Thị Già đã được Hội Phụ nữ huyện Mèo Vạc tặng nhiều giấy khen do có thành tích làm kinh tế giỏi và giúp đõ mọi người cùng vươn lên thoát nghèo tại địa phương từ năm 2017 đến nay.

- Chị Nguyễn Thị Hương: Thu nhập 200 triệu đồng từ nghề trồng nấm

Nghề trồng nấm đã cho gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Hạ, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thu lãi từ 180 – 200 triệu đồng mỗi năm.

Sống ở vùng quê chủ yếu làm nông nghiệp, nên các sản phẩm phụ từ nghề nông như rơm sau thu hoạch lúa chỉ để làm thức ăn cho trâu, bò. Sau khi được học nghề trồng nấm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Vị Xuyên và được trực tiếp đi tham quan một số mô hình trồng nấm thành công trên địa bàn, từ năm 2014, chị Hương đã đi mua bào tử nấm và dùng nguồn rơm sau thu hoạch lúa của gia đình để tạo các bịch để nuôi cấy nấm.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những mẻ nấm đầu tiên của chị Hương sinh trưởng chậm, năng suất thấp, có một số bịch nấm bị thối không cho thu hoạch. Không chùn bước, chị lại tiếp tục đi tìm tòi học hỏi và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng nấm.

Chị Nguyễn Thị Hương (bên phải) đang chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm của mình

Từ năm 2017, chị Hương đã làm thêm 3 dãy nhà mái lá để nuôi trồng nấm, tổng 4 dãy nhà trồng nấm của gia đình chị Hương có từ 700 – 800 bịch nấm, chủ yếu 2 loại là nấm rơm và nấm đùi gà. Để có nguồn nấm xuất bán đều hàng tuần cho các thương lái, chị Hương bố trí xen kẽ tuổi của các bịch nấm, từ dãy nhà có các bịch mới ủ bào tử nấm đến dãy nhà có nấm đến độ tuổi xuất bán. Để nuôi cấy nấm thành công thì ngoài nguồn bào tử nấm phải được mua ở những địa điểm tin cậy có uy tín thì nguồn rơm dùng để nuôi cấy nấm cũng đóng một vai trò quan trọng quyết định tới năng suất nấm, nguồn rơm để nuôi cấy nấm phải được phơi khô kịp thời đến độ vàng ươm và có mùi thơm của rơm mới. Trước khi cấy nấm, cần phải xử lý rơm bằng cách ngâm trong nước vôi trong từ 3 – 4 giờ để diệt trừ các nguồn nấm có hại trong rơm, sau đó vớt rơm ra phơi khô rồi cho vào các bịch nấm bằng túi nilong, và công đoạn cuối cùng là dùng các kim dài đã khử trùng bằng cồn để cấy bào tử nấm vào các bịch và buộc chặt đầu các bịch nấm.

Các dãy nhà nuôi trồng nấm phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh nguồn nấm bệnh gây hại cho nấm trồng. Sau khi treo các bịch nấm phải tiến hành phun mù để tạo ấm độ cao kích thích cho nấm mọc mầm, thường phun mù mỗi ngày 2 lần vào buổi trưa và chiều tối. Sau khi treo bịch từ 3 – 4 ngày, nếu quan sát các bịch thấy xuất hiện nấm mọc mầm thì dùng dao sắc nhọn, đã được khử trùng bằng cồn hoặc nước vôi trong, tiến hành rạch từ 3 – 4 vết dọc theo bịch nấm để nấm mọc ra bên ngoài. Sau khi thu hoạch nấm tại các vết rạch này ta lại tiếp tục rạch các vết khác trên bịch nấm nhằm tiếp tục thu hoạch nấm. Chỉ đến khi thấy nguồn nấm mọc ra ít hoặc nấm bé nhỏ thì thay thế bằng các bịch nấm khác, vì lúc này nguồn bào tử nấm đã nảy mầm hết.

Tổng thu nhập từ nghề trồng nấm của gia đình vào khoảng 230 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư như  giống, vật tư, công lao động…còn lãi từ 180 – 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài nghề trồng nấm, gia đình chị Hương còn trồng gần 3ha cam sành và phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Từ những thành tích trong phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Hương đã được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Vị Xuyên biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, mô hình trồng nấm và phát triển kinh tế hộ gia đình của chị Hương còn là điểm tham quan, học tập của chị em trong và ngoài huyện Vị Xuyên trong những năm qua.                                                             

Phạm Văn Phú

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video