Hà Nam dạy nghề cho phụ nữ nông thôn

11/03/2013
Để giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn nghèo và tránh lãng phí thời gian trong lúc nông nhàn, Hội LHPN tỉnh Hà Nam đã chú trọng đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo của tỉnh, giảm tệ nạn xã hội…

Nắm bắt được tình hình phụ nữ trên địa bàn tỉnh đa số không có việc làm trong khi thời gian nông nhàn lại quá dôi dư, 3 năm qua, Hội liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) Hà Nam, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông, phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các huyện, thành phố tổ chức lớp, chuyển tải nội dung chương trình lớp học giúp hội viên phụ nữ cơ sở đưa tiến bộ KHKT áp dụng trên đồng ruộng một cách hiệu quả; tổ chức các lớp dạy nghề tại trung tâm, liên kết đào tạo tại các công ty trên địa bàn tỉnh để chị em phụ nữ có công việc ổn định lâu dài.

Bà Trương Thị Hải Thịnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho biết, năm 2012 Trung tâm đã triển khai công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 1.994 người, đạt 100% so với kế hoạch đề ra, tăng so với cùng kỳ năm trước là 359 người. Riêng nghề may công nghiệp tổ chức 7 lớp cho 198 học viên, mỗi khóa đào tạo trong thời gian 4 tháng. Số học viên sau đào tạo đều được vào các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh làm việc với mức lương từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/tháng.

Ngoài việc đào tạo nghề cho chị em phụ nữ, Hội cũng đã tổ chức lớp kỹ thuật trồng trọt cho chị em để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2012 đã tổ chức được 8 lớp kỹ thuật trồng trọt cho 245 học viên tại các xã Liêm Chung – Phủ Lý, Bắc Lý – Lý Nhân, Chuyên Ngoại – Duy Tiên… Cuối khoá 100% học viên đã áp dụng được KHKT trên đồng ruộng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo bà Thịnh, ngoài những nghề như may công nghiệp, Trung tâm rất chú trọng trong việc giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ trong lúc nông nhàn như dạy nghề thêu ren, đan bẹ chuối, nhồi thú bông. Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Liêm Chung (Phủ Lý) cho biết: “Trước đây cứ thời gian nông nhàn là tôi cùng mấy người trong xóm rủ nhau ra Hà Nội tìm việc làm với công việc nặng nhọc như đội bê tông, xách hồ. Từ khi được học lớp nghề ngắn ngày đan bẹ chuối khô, mây tre đan thì trong thời gian nông nhàn tôi ở nhà vừa làm vừa chơi cũng kiếm được 500.000 đến 1.000.000 đồng/tháng”.

Nhiều phụ nữ đến tham gia lớp học nghề đều được tư vấn kỹ càng. Đối với chị em từ 30 tuổi trở xuống thường theo học lớp thêu ren, may công nghiệp để sau này có một công việc ổn định lâu dài. Đối tượng từ 30 tuổi trở lên được tư vấn học các lớp ngắn hạn làm việc theo thời gian nông nhàn. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được còn một số hạn chế, đối với lao động nữ làm việc tại các xí nghiệp, công ty may thời gian lao động quá dài ảnh hưởng đến chức năng làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ nên thường xảy ra hiện tượng bỏ việc sau khi lập gia đình.

Hiện nay trong công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm còn một số hạn chế, do độ tuổi và học viên không đồng đều nên việc đào tạo và tiếp thu kiến thức của học viên còn kém. Mỗi khoá đào tạo trong thời gian ngắn nên học viên chưa nắm bắt rõ kỹ năng làm nghề, chưa đáp ứng được những sản phẩm công nghệ mới.

Bà Hoàng Thị Định, Phó Chủ tịch HLHPN tỉnh Hà Nam cho biết, trong năm tới sẽ tập trung đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động. Để thực hiện tốt việc dạy nghề và giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ, hằng năm Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của Tỉnh hội và Hội LHPN các huyện, thành phố khảo sát nhu cầu cung ứng lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh; nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động chưa có việc làm, lao động nông nhàn… để ký kết hợp đồng với giáo viên, nghệ nhân truyền nghề ở các cơ sở, các làng nghề, chủ động xây dựng đề án, chương trình dạy nghề đúng, trúng nhu cầu việc làm.

Nhờ đó, mỗi năm có đến 90% số lao động học nghề tại trung tâm tìm được việc làm ổn định. Thu nhập bình quân lao động trong các xí nghiệp may đạt 1.500.000 đến 2.000.000 đồng/tháng.

Theo hanam24h.tv (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video