Hà Nam: Hiệu quả của mô hình “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”

23/07/2018
“Gia đình tôi trực tiếp giết mổ lợn và bán tại chợ Hòa Mạc, (huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Sau khi được tham gia sinh hoạt CLB “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, được tuyên truyền về chế biến thực phẩm an toàn, hiện nay tôi đã đăng ký giấy phép kinh doanh và làm thủ tục để được công nhận cơ sở giết mổ an toàn” –Chị Nguyễn Thị Hường, hội viên chi hội phụ nữ Đông Hòa, thị trấn Hòa Mạc - thành viên CLB chia sẻ.

Mô hình CLB: “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” trong khuôn khổ Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, được Hội LHPN tỉnh Hà Nam chỉ đạo ra mắt tại thị trấn Hòa Mạc từ tháng 3 năm 2017.

Với mục đích tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức và thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ chủ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nông sản tại địa phương về thực hiện sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn, khắc phục tình trạng sản xuất “rau 2 luống”, “lợn 2 chuồng”, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, sử dụng hóa chất quá liều lượng và ngoài danh mục cho phép.

Tham gia CLB, thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được trực tiếp trao đổi, đối thoại với lãnh đạo các ngành Y tế, ngành Nông nghiệp & PTNT, Công thương về thực trạng an toàn thực phẩm, các giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tư vấn lựa chọn sản phẩm nông sản đảm bảo hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, các thắc mắc về quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận hộ cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo các điều kiện theo quy định được giải đáp và hỗ trợ tư vấn…

Chị Chu Thị Đua, hội viên chi hội Du My xã Châu Giang, gia đình trồng bưởi Diễn theo hướng sản xuất sạch, đăng ký mô hình quản lý chất lượng sạch. Chị Nguyễn Thị Nhung (xóm 7, Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục) cũng đã chuyển đổi trồng rau theo hướng an toàn.

Chia sẻ với các chị thành viên CLB, các chị rất vui và phấn khởi khi tham gia CLB Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. Các chị cho biết, sinh hoạt CLB, các chị có cơ hội giao lưu, ca hát, văn nghệ vui vẻ nên tinh thần phấn chấn, mạnh dạn, tự tin hẳn lên. Đồng thời, được thông tin, trao đổi kiển thức về vệ sinh an toàn thực phẩm mà từ trước tới nay các chị chỉ nghe trên phương tiện thông tin đại chúng, nghe nhưng chưa thấy được hết tầm quan trọng của vệ sinh an toàn đối với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ những kiến thức thu nhận được, các chị sẽ áp dụng trong sản xuất, kinh doanh và lựa chọn tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn.

Từ hiệu quả mô hình điểm CLB Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, hiện nay, mỗi huyện, thành phố đã nhân rộng xây dựng ít nhất 01 mô hình truyền thông cấp huyện về ATTP, nâng tổng số CLB lên 19, thu hút gần 700 thành viên tham gia.

Mô hình CLBPhụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp các ngành quan tâm về vấn đề ATTP hiện nay; đồng thời khẳng định được vai trò của các cấp Hội trong công tác phối hợp tuyên truyền thực hiện an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng; nâng cao trách nhiệm, đạo đức lương tâm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm.

 

Trương Thị Hải Thịnh, Hội LHPN tỉnh Hà Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video