Hà Nội: Hỗ trợ nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ

21/12/2012
Ðối với các công nhân nữ tại các khu công nghiệp và chế xuất, việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu là điều khó thực hiện, do thời gian nghỉ thai sản ngắn, điều kiện làm việc vất vả... Ðể khắc phục tình trạng này, tổ chức công đoàn ở nhiều doanh nghiệp đã có sáng kiến lắp đặt phòng vắt sữa mẹ, giúp công nhân yên tâm thực hiện thiên chức làm mẹ này mà vẫn bảo đảm hoàn thành công việc.

Chị Nguyễn Thu Hà, công nhân Công ty TNHH Panasonic System Network Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Ðông Anh) mới đi làm trở lại sau bốn tháng nghỉ sinh con. Trước đây, ngày nào chị cũng phải vào phòng vệ sinh vắt sữa bỏ đi, trong khi con nhỏ ở nhà không có sữa uống, phải ăn dặm và uống thêm sữa ngoài. Nhưng từ khi công ty bố trí khu vực dành cho các chị em nuôi con nhỏ, hằng ngày đi làm chị mang theo một chiếc bình nhỏ, tranh thủ lúc nghỉ giải lao giữa giờ đến phòng này vắt sữa cho vào tủ lạnh. Hết giờ làm, chị mang bình sữa về hâm nóng cho con bú.

Công ty Panasonic System Network Việt Nam hiện có hơn 3.300 lao động, trong đó, tới 90% là lao động nữ có độ tuổi trung bình là 23,7 (đúng tầm tuổi lập gia đình và sinh con). Từ tháng 9-2012, Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất và Chương trình A&T Việt Nam (chương trình Nuôi dưỡng và Phát triển tại Việt Nam) đã hỗ trợ công ty xây dựng một phòng vắt sữa dành cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Ðại diện công ty cho biết: "Các đơn vị sản xuất có ca làm việc dài, cho nên mô hình phòng vắt sữa rất hữu ích đối với chị em nuôi con nhỏ. Số lao động nữ sử dụng phòng tăng dần theo từng tháng. Hiện nay, tổng số lượng công nhân viên sử dụng phòng đã lên tới hơn 300 người".

Theo khảo sát do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp Chương trình A&T thực hiện trên 1.500 nữ lao động đang trong độ tuổi sinh đẻ ở các khu công nghiệp, chỉ có 35,6% người duy trì nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi các cháu được 19-24 tháng tuổi. Ðối với các nữ công nhân, việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời là điều khó thực hiện, do nhiều nguyên nhân, như thời gian nghỉ thai sản ngắn, điều kiện làm việc vất vả... Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: "Trước thực trạng đó, chúng tôi đã phối hợp A&T Việt Nam triển khai chương trình Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Chương trình nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết cho lao động nữ, như quyền và lợi ích hợp pháp khi nghỉ sinh con, các vấn đề về sức khỏe sinh sản, cách chăm sóc con. Chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt các phòng vắt sữa và trữ sữa ngay tại nơi làm việc, để giúp các lao động nữ có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ sau khi đi làm trở lại".

Trong tổng số 15 doanh nghiệp trên cả nước được chọn xây dựng phòng vắt và trữ sữa, Hà Nội có ba công ty đều ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, và hai đơn vị ngân hàng đóng trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp được lựa chọn đều là những đơn vị có đông lao động nữ trong độ tuổi từ 20 đến 26 tuổi. Công ty Canon Việt Nam (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) có khoảng 6.000 lao động, trong đó số lao động nữ là 3.650 người; thường xuyên có khoảng 200-300 người mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Phòng vắt sữa rộng ít nhất là 4m2, cao 2,5m, có trang bị đầy đủ tủ lạnh, tranh truyền thông, tờ rơi, ghế ngồi... tạo không gian thư giãn cho nữ lao động vừa nghỉ ngơi vừa vắt sữa, trữ sữa cho con. Chương trình đã giúp trang bị kiến thức cần thiết cho lao động nữ, đồng thời, bước đầu tạo thói quen tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ trong hai năm đầu đời của trẻ. Chương trình cũng đã có tác động đến các doanh nghiệp để tạo ra những lợi ích tích cực cho người lao động.

Chị Trần Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) chia sẻ: "Công nhân nữ làm việc ở khu công nghiệp thường lập gia đình sớm, có con nhỏ lại càng vất vả. Lương công nhân cố gắng tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu. Khi mẹ đi làm lại, không tiếp tục cho con bú được, các cháu thường phải uống thêm sữa ngoài, tốn thêm một khoản tiền đáng kể, mà lại không tốt cho sức khỏe của con. Việc trữ sữa mẹ để cho con bú không chỉ tốt cho trẻ, mà còn giúp người lao động bớt gánh nặng kinh tế, yên tâm công tác, gắn bó hơn với doanh nghiệp". Chị cũng như nhiều lao động nữ khác mong muốn doanh nghiệp tiếp tục duy trì, nhân rộng các phòng vắt sữa vì số lượng công nhân nữ có nhu cầu thì nhiều mà hiện tại mới chỉ có một phòng vắt sữa. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng nhận định, do chương trình mới triển khai, cho nên kết quả còn hạn chế. Ngoài ra, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức, quan tâm đến lợi ích của chương trình nên chưa thật sự ủng hộ và tạo điều kiện. Nhiều nơi, doanh nghiệp cho phép công nhân nghỉ giữa giờ để vắt sữa cho con, nhưng lại tạo áp lực về lương, thưởng. Có nơi thì bố trí phòng vắt sữa không thuận lợi cho sử dụng... Trong năm 2013, chương trình sẽ tiếp tục triển khai rộng công tác truyền thông, tổ chức tập huấn tuyên truyền đến đông đảo doanh nghiệp và lao động hơn nữa; đồng thời, tăng số lượng các phòng vắt sữa, trữ sữa tại các doanh nghiệp; phát triển mô hình doanh nghiệp thân thiện với người lao động...

Theo Nhandan.com.vn (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video