Hà Tĩnh: Sản xuất men vi sinh hướng tới môi trường xanh

25/03/2020
Ý tưởng sản xuất men vi sinh làm đệm lót nền chuồng lợn, gà, vịt và ủ phân hữu cơ hướng tới môi trường xanh của chị Trần Thị Cường, Giám đốc HTX Môi trường Xanh (thôn Lương Hội, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là cách làm hay góp phần xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
2 sản phẩm men vi sinh của HTX đều được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thẩm định đạt chất lượng tốt

Đây là một trong 4 ý tưởng của phụ nữ Hà Tĩnh lọt vào danh sách tham gia chương trình đào tạo: Tiền ươm tạo của Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”; đồng thời cũng là ý tưởng được lọt vào vòng chung kết cấp Trung ương Đề án 939 của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025.

Ưu điểm vượt trội

Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo này, chị Trần Thị Cường cho biết địa phương có hơn 80% người dân đều chăn nuôi gia súc, gia cầm nên các chất thải từ chăn nuôi thải ra môi trường gây ô nhiễm. Chị em phụ nữ phải bỏ công sức ra dọn vệ sinh rất mệt nên sau khi tìm hiểu và được học hỏi chuyển giao công nghệ, chị quyết tâm thực hiện bằng được việc sản xuất men vi sinh đệm lót sinh học.

Các hội viên Hội Phụ nữ thôn Lương Hội thực hiện thử nghiệm mô hình ở các hộ chăn nuôi gà, vịt trên địa bàn. Theo đó, các chị thu gom các loại cây cỏ, bèo, thu mua ngô, lúa, khoai, sắn... (ưu tiên mua của các hộ nghèo, cận nghèo) rồi phối trộn, ủ, đảo, phơi sau khoảng 20 ngày cho ra 2 sản phẩm là Men vi sinh Bio - Get đệm lót sinh học và Men Bio - Get ủ phân hữu cơ vi sinh.

Năm 2018, HTX Môi trường xanh được thành lập giúp các chị em phụ nữ khởi nghiệp

Đây là những kỹ thuật các chị được chuyển giao khoa học từ dự án SRDP - một dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hai sản phẩm men vi sinh sản xuất thành công có tác dụng rất lớn trong xử lý môi trường chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Khi rắc trên sàn chuồng trại với trấu, mùn cưa và rơm, người nuôi không cần dọn phân hay rửa chuồng, do chất thải chăn nuôi đã được khống chế sự lên men. Đặc biệt, phương pháp này không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm mà đệm lót sinh học sau khi bị phân hủy trở thành phân hữu cơ còn có tác dụng tốt trong chăm sóc cây trồng, tiết kiệm nhân công trong việc vệ sinh chuồng trại.

Nhờ những ưu điểm vượt trội của sản phẩm nên nhu cầu sử dụng của người dân địa phương ngày một gia tăng. Trước động lực đó, cuối năm 2018, HTX Môi trường Xanh được thành lập với 7 thành viên là các hội viên hộ nghèo và cận nghèo. "Để khởi nghiệp, mỗi hội viên đóng góp gần 20 triệu đồng, số vốn này cũng được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn vốn phát triển phụ nữ” - chị Cường cho biết.

Điểm sáng khởi nghiệp

Nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, HTX xây dựng nhà kho, mua các máy móc thiết bị và mua nguyên liệu để sản xuất chế phẩm. Trong 5 tháng đầu hoạt động, HTX đã sản xuất gần 3 tấn men vi sinh, giải quyết việc làm vào thời gian nông nhàn cho nhiều lao động nữ.

Cả hai sản phẩm men vi sinh làm đệm lót sinh học của HTX đều đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thẩm định đạt chất lượng tốt và đã được cấp giấy phép hoạt động. Người dân ở tất cả các xã, thị trấn của huyện Can Lộc đều đang dùng sản phẩm của HTX. Ngoài ra, sản phẩm còn được giới thiệu và bán ra các địa bàn lân cận trong toàn tỉnh và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa.

Từng 4 lần đặt mua sản phẩm men vi sinh của HTX, chị Mai Thị Thương (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) cho biết:"Sản phẩm sử dụng hiệu quả, giá cả hợp lý nên tôi rất tin tưởng. Hơn nữa, sản phẩm lại do chính tay những người nông dân, người phụ nữ làm, mình càng nên ủng hộ”.

"Đây là mô hình điểm của phụ nữ Can Lộc, là điểm sáng để tới đây, Huyện hội tiếp tục xây dựng và nhân rộng trong các chi hội khác. Hoạt động của HTX Môi trường Xanh không chỉ giúp đỡ hội viên phụ nữ đặc biệt là phụ nữ nghèo tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu mà còn giúp cán bộ, hội viên ý thức, trách nhiệm hơn trong đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong chăn nuôi, sinh hoạt. Từ đó, lan tỏa trong cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường" - bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Can Lộc đánh giá.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video