Hải Dương: Đẩy mạnh truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

28/08/2011
Với những bà mẹ, nỗi lo sợ ảnh hưởng đến con cái lại càng lớn hơn. Đây chính là rào cản khiến nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV chưa thực sự tin tưởng vào chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 30%, nhưng nếu làm tốt công tác dự phòng thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 5%. Những con số đó rất có ý nghĩa đối với những phụ nữ nhiễm HIV nói riêng và toàn xã hội nói chung. Bởi hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV ở nước ta ngày càng gia tăng. Tỉnh ta hiện có khoảng 100 trẻ em nhiễm HIV. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình mang ý nghĩa chiến lược vì sự phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, việc nhận thức đúng và đủ về chương trình này vẫn còn nhiều hạn chế.


Vợ chồng chị Trần Thị Hà (Gia Lộc) bị nhiễm HIV đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Chị Hà lấy chồng đã hơn 3 năm và 3 lần mang thai nhưng lần cuối cùng này chị mới có niềm hạnh phúc được làm mẹ. Chị Hà tâm sự: “Kết hôn một thời gian, tôi có thai nhưng bị chết lưu. Sau đó, tôi lại có thai tiếp, sinh được 3 tháng rưỡi thì bé mất. Đang mang thai bé thứ 3 được 5 tháng rưỡi, chồng tôi đi xét nghiệm mới biết bị nhiễm HIV và tôi cũng phát hiện bị HIV. Ngay lập tức, tôi được thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và cháu bé chào đời khỏe mạnh, qua 2 lần xét nghiệm, cháu không bị nhiễm HIV. Giá mà tôi đi xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang bầu những lần trước đó thì biết đâu vẫn giữ được con”.


Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều phòng siêu âm, mang lại sự tiện lợi cho phụ nữ mang thai trong quá trình theo dõi sự phát triển của thai nhi. Phần đông phụ nữ mang thai đều đến khám tại các cơ sở này. Tuy nhiên, tại đây không thể phát hiện người mẹ có bị nhiễm HIV hay không và cũng không tư vấn cho bà mẹ đến các cơ sở y tế để xét nghiệm HIV nên nhiều bà mẹ chuẩn bị sinh mới phát hiện mình bị nhiễm HIV. Chị Nguyễn Thị Thanh (Gia Lộc) thường siêu âm, theo dõi thai nhi tại phòng khám tư nhớ lại: “Trong suốt thời gian mang bầu, tôi đi siêu âm, kết quả hoàn toàn bình thường. Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa đến ngày sinh thì phòng khám tư khuyên tôi nên đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm tại trung tâm, phát hiện bị nhiễm HIV, tôi được uống thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”. Bác sĩ Nguyễn Kim Diễn, Phó Trưởng khoa cận lâm sàng (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết: “Hiện nay, việc phụ nữ mang thai chủ động đi xét nghiệm HIV rất ít. Trong khi đó, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ có kết quả cao hơn nếu bà mẹ mang thai sớm đi xét nghiệm. Thời điểm dự phòng tốt nhất khi thai nhi được 28 tuần tuổi”.
Hải Dương hiện là một trong những tỉnh triển khai Dự án Quỹ toàn cầu về chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng. TP Hải Dương, huyện Kim Thành và Kinh Môn là những nơi trọng điểm về HIV. Vì vậy, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện được triển khai tại Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn từ năm 2008 và Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành từ năm 2009. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 9 chương trình mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2008 khi dự án Quỹ toàn cầu triển khai tại tỉnh ta thì chương trình này đạt những kết quả tích cực. Công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa để những người bị nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con”. Dự án đã cung cấp tài liệu và các trang thiết bị, dụng cụ thiết yếu phục vụ công tác tư vấn, lấy mẫu máu xét nghiệm HIV. Hàng nghìn phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở này. Sau khi sinh, trẻ tiếp tục được uống thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, trung tâm đã điều trị dự phòng lây truyền cho 27 cặp mẹ con, trong đó 23 ca thành công. Các bé còn được cung cấp sữa miễn phí trong vòng 6 tháng đầu để bảo đảm dự phòng lây truyền một cách tốt nhất.

Bác sỹ Vũ Tiến Vượng, Khoa Chăm sóc điều trị HIV/AIDS (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết: “Một số bà mẹ dù đã được tư vấn kỹ nhưng vẫn kiên quyết không nhận sữa do chương trình cung cấp, không tuân thủ đúng theo "gói" dự phòng đã đề ra, gây cản trở quá trình theo dõi trẻ có bị lây nhiễm HIV hay không”. Những người có HIV luôn có tâm lý sợ bị phát hiện, sợ kỳ thị, đặc biệt đối với những bà mẹ thì nỗi lo sợ ảnh hưởng đến con cái lại càng lớn hơn. Đó chính là rào cản khiến nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV chưa thực sự tin tưởng vào chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tháng cao điểm chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay (từ 1-6 đến 30-6) có chủ đề “Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con” một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc xét nghiệm HIV ngay trong thời kỳ phụ nữ mang thai. Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng chính là cách thức hiệu quả để xóa bỏ mọi sự kỳ thị cũng như những rào cản để những người có HIV thực sự được tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất. Đó chính là việc làm cấp thiết vì những trẻ em sinh ra không có HIV.

 

* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Theo baohaiduong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video