Hai mẹ hiền và những đứa con không nguyên vẹn

11/11/2008
Giữa trời mưa tầm tã, bà cả Bích lưng còng nhờ được người đưa ra đồng làm cho đến tối mịt. Còn bà hai Duệ thỉnh thoảng lại tất tả chạy về nhà thay… quần cho hai đứa con đã 30 tuổi đầu. Đó là một ngày bươn chải của hai người phụ nữ có chung một ông chồng quá cố ở thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

- Ruộng khác gặt xong hết rồi, nhà mình không gặt kịp thì họ thả vịt gà ăn hết lúa bà ạ!
- Thôi, lần này để tôi đi phụ giúp. Lát nữa leo nhờ lên xe thồ nhà bên cạnh để ra được đồng, gặt cho kịp không thì chết đói. Thỉnh thoảng bà chạy về nom con vậy!

Một buổi chiều thu nhợt nhạt, hai người đàn bà ngồi ở bậu cửa rủ rỉ với nhau. Những câu chuyện của họ lúc nào cũng chỉ xoay quanh công việc và con cái.

Hai người đàn bà hơn 60 tuổi chia nỗi đắng cay, cùng nhau chăm 5 đứa con chung, cả lành lặn lẫn tật nguyền. Từ khi người chồng duy nhất của hai người đàn bà ra đi, ngôi nhà này vẫn luôn yên ả như cái ngày ba mái đầu hai - vợ - một - chồng cùng rủ rỉ bên mâm cơm. Ở những người phụ nữ này, sự hy sinh, nhẫn nhịn dường như vượt lên mọi nhỏ nhen, nanh nọc của cuộc đời.

Đằng đẵng nỗi buồn thiên chức

Thiên chức của người phụ nữ là làm mẹ, nhưng cả bốn lần sinh nở, bà Bích đều không trọn. Những đứa con cũng chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau mà không vẹn người.

Lấy chồng năm 1968, khi ấy bà 21 tuổi. Một năm sau ngày cưới, đứa con đầu lòng Nguyễn Thị Bài ra đời - khờ khạo và ngơ ngác. 35 năm sống trên đời, Bài không nhận thức được về thế giới xung quanh. Người con cả ấy đã mất 5 năm nay.

Đứa con thứ hai (SN 1974) vừa lọt lòng mẹ chưa kịp đặt xuống gối đã ngừng thở. Sinh hai con đầu chẳng được vuông tròn, bà Bích đã tính chuyện không đẻ nữa. Nhưng được mọi người động viên, lại vì muốn có đứa con cho ra mặt là con với chồng, bà rốn mãi, nào ngờ, mấy đứa đều có bệnh giống nhau.

Cậu con trai Nguyễn Văn Thu (SN 1975) và cô con út Nguyễn Thị Tĩnh (SN 1983) từ khi sinh ra cho đến giờ vẫn vậy, không biết đi đứng, nói năng. Bất cứ ai vào nhà sẽ thấy họ chỉ ngồi ngoặt ngoẹo ở xó nhà nhìn ra xung quanh, chân tay co ro, oặt oẹo. Hai anh em cứ nhoẻn miệng cười một cách vô thức, thỉnh thoảng ú ớ phát âm mấy tiếng chẳng ra tiếng gì!

Ngày ấy, bà Bích tủi phận, đau đớn lắm. Thân hình vốn đã nhỏ thó, gầy guộc càng thêm héo hon, tàn tạ. Người đàn bà vốn đã khổ lại phải hứng tai nghe bao lời nọ kia, lành ít mà tai tiếng thì nhiều.

Người trong làng ngoài xóm nói đã đành, ngay cả gia đình chồng, mẹ chồng cũng cứ đổ lỗi cho cô con dâu có bệnh trong người: nhà này có ai thế đâu mà mấy đứa cháu lại “không ra người!”. Dù cho anh em nhà bà Bích con cái đều lành vẹn, dù cho bà có đi khám, có cái kết luận là không bị làm sao cả, thì những lời rỉa rói, cay nghiệt vẫn ra rả bên tai, làm bà nhiều khi không còn muốn khóc nữa.

 Ảnh minh họa
Những đứa con ngây ngô của bà Bích

Hồi đó, chồng bà - ông Nguyễn Văn Thư làm lái xe trong quân đội. Từ khi lấy nhau cho đến ngày đất nước thống nhất, vợ chồng chẳng mấy khi được gặp nhau, con cái lại vậy, bà cũng chỉ biết chịu ấm ức một mình.

Mãi về sau này, khi nghe kể về những trận bom, những lần chiến đấu ác liệt, và về cả những cánh rừng ông đã đi qua không có tiếng chim, cây không còn lá..., khi nỗi đau đã hằn trên khuôn mặt nhăn nheo và tấm lưng còng, mọi người mới vỡ lẽ những đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam. Dù đã minh bạch, thì nỗi đau, nỗi buồn, nỗi tủi phận đã đeo đẳng bà đến suốt một đời.

Bây giờ, người mẹ khốn khổ ấy đã 62 tuổi, có đủ thứ bệnh tuổi già. Quái ác nhất là bệnh gai cột sống làm lưng bà gập xuống đến 2/3 người. Bà vẫn phải chăm con từ “đầu đến đít”. Nào cõng, nào bón ăn, vệ sinh cá nhân, trông nom giấc ngủ… Người mẹ già vẫn phục vụ hai con đã ba mươi tuổi đầu suốt quãng thời gian bằng nửa đời mình.

Bà bảo, công lao lớn nhất của người phụ nữ là đẻ những đứa con khỏe mạnh cho gia đình chồng, cái nếp đó đã ăn sâu vào những gia đình nông thôn, nhưng bà không làm được. Bà từng tự dằn vặt và trách bản thân. Không phải ai cũng biết được rằng, cái quyết định lấy vợ hai cho chồng là sự hy sinh từ phía bà. 

Ngày ấy, bà đã gửi đứa con út nhờ mẹ đẻ trông để đi… đón vợ về cho chồng!

Tìm vợ… cho chồng!

Ông Thư trở về với chế độ thương binh hạng 3/3, hưởng 70 đồng/tháng. Ông vốn đã không còn khỏe, con cái lại trớ trêu thành ra gia đình buồn thảm trăm bề. Bà Bích đã gắng hết nhẽ phận làm vợ. Phận làm mẹ gặp phải cay nghiệt nên đành cắn răng mà chịu.

Dằn lòng nghe những lời đắng chát: “Tôi không bỏ được bà, nhưng bà cũng cho tôi có thêm những đứa con nên người để trông cậy khi về già!”. Bà Bích nén nỗi đau, đi hết làng trên xóm dưới tìm “thiếp” cho người chồng đã bao năm chăn gối.

 Ảnh minh họa
Bà Bích nhớ lại chuyện ngày xưa tìm vợ cho chồng mình
Đám cưới của chồng năm 1986 cũng một tay bà lo liệu. Nhìn chồng “đi bước nữa”, người vợ khốn khổ cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Nhà bà hai cách một làng, từ bận ấy, cứ vài hôm ông lại sang. Những đêm đó bà cả đều mất ngủ. Trong căn phòng lẻ bóng, chỉ có tiếng rưng rức tủi phận bọt bèo. Nhìn con thơ đau ốm, lòng bà thêm quặn thắt.

Thế nhưng, từ khi bà Duệ về làm dâu cho tới khi ông Thư nằm xuống, đến cả bây giờ, trong căn nhà thưa chõng này chưa ai nghe thấy một tiếng cãi vã giữa hai bà. “Chín bỏ làm mười” - bà Bích giãi bày - “chúng tôi cũng phải nhìn nhau mà sống để nhà cửa ấm êm!”.

Người biết hy sinh như bà cả Bích không dễ gặp, và người trọn phận làm dâu như bà hai có lẽ xưa nay hiếm. Bà hai tên Duệ, ở làng bên, làm trong HTX nông nghiệp, tuổi đã nhỡ nhàng. Bà dám vượt qua những lời đồn thổi, những tai tiếng nhân gian về làm dâu ở ngôi nhà đau khổ này.

“Khi ấy tôi 37 tuổi. Vì chiến tranh nên lỡ dở, cũng chẳng định chồng con nữa. Nhưng thấy cảnh anh chị thương quá nên quyết định về đỡ đần” - bà Duệ nhìn hai người con của bà cả ngậm ngùi. Thì như lời bà Bích, nếu là người tính toán bà Duệ đã chẳng gật đầu:“Bà ấy cũng cảm thông lắm mới về đây. Về đây, chẳng việc gì mà không đến tay!”.

Hai con chồng vốn khờ khạo, chồng đau ốm liên miên, bà cả khi nào ốm nằm một chỗ thì bà hai Duệ lại sang cáng đáng việc nhà và săn sóc bấy nhiêu người bệnh! Ngày ấy, cuộc sống cũng chỉ có bữa khoai, bữa sắn, bát rau, bát cháo nuôi nhau.

Ông Thư qua đời, ai cũng bảo bà Duệ “thân làm tội đời”, khi chuyển hẳn sang bên nhà ở cùng bà cả, bà chỉ giải thích: “Vì tôi may mắn hơn. Tôi thương mẹ con bà ấy!”.

Hồi mới về nhà ông Thư, bà Duệ chỉ lạy giời để những nỗi đau tột cùng số phận không bao giờ trở lại căn nhà vốn dĩ đã quá xác xơ. Bà kể về nỗi lo rất đời thường, nếu biết về thứ chất độc kia có lẽ… chẳng dám làm mẹ. Nhưng may mắn, đứa con trai đầu lòng mẹ tròn con cũng vuông (SN 1987), gia đình vui mừng khôn xiết đặt tên ngay là Được. Rồi hai cô con gái Huệ, Hoa (SN 1989, 1992) ra đời cũng tròn trịa, vẹn nguyên.

Bây giờ trong ngôi nhà này, hai người mẹ già thương nhau, chăm nom 5 đứa con chung!

Mái nhà hai mẹ hiền!

Người mẹ còng chỉ ở nhà chăm hai con khờ khạo. Bà không dám đưa con đi trung tâm bảo trợ xã hội vì: “Chẳng ai chăm sóc con được bằng như mẹ. Tôi không đành gửi chúng cho người lạ dẫu họ có tận tình đến mấy, dù con tôi không biết gì, dù tôi đã già!”.

Cơn sốt rét vẫn tấn công Thu và Tĩnh nhiều đêm. Bà xa xót: “Chân chúng nó cứ run run, máu đông cứng, thương lắm! Tôi phải gom tất cả chăn, vải trong nhà, phải nằm đè lên con mà chúng nó vẫn không hết lạnh. Cũng may là còn có thêm bà Duệ với 3 đứa nhỏ đỡ đần". Nói rồi, nước mắt lại chực trào ra, dường như đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi ấy, từ lâu lắm rồi không có một giấc ngủ trọn vẹn!

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Những đứa con của cả hai bà mẹ

Tấm lưng còng cũng vì bấy nhiêu năm cõng con. Bây giờ yếu rồi, bà không cõng được nữa thì phải đỡ, phải kéo để đưa con ra ngoài sân hứng lấy ánh nắng mỗi ngày.

Bà hai Duệ, cũng đã hơn 60, vẫn đòn gánh trên vai lặc lè. Khi gánh phân, lúc gánh gio, một mình tất tả lo 6 sào ruộng. Bà bảo, cả nhà 7 miệng ăn, từ hạt muối đến bữa rau đều trông vào hạt thóc. Mấy hôm nay, những ruộng bên cạnh đông người làm đã gặt xong cả, chuẩn bị thả vịt gà ra đồng, bà lại lo không gặt kịp thì gà vịt ăn hết lúa.

Giữa trời mưa tầm tã, bà cả Bích còng nhờ được người đưa ra đồng làm cho đến tối mịt. Bà hai Duệ thỉnh thoảng lại tất tả chạy về nhà thay… quần cho hai đứa con đã 30 tuổi đầu.

“Đấy cô xem, lại tè ra đấy rồi!”, nói rồi bà Duệ lặng lẽ đi lấy chậu nước lau chõng và thay quần cho con. Thu và Tĩnh vẫn ngồi một cách vô thức trên chiếc chõng ở góc nhà.

Bà Duệ bảo, bà vẫn coi hai đứa con khốn khổ như con mình dứt ruột đẻ ra. Cũng như ba đứa con bà, yêu thương cả hai mẹ như một. Giờ đây cả hai đều đã già, nơm nớp một nỗi lo: “Các con mà đói, thì ân hận cả đời!”.

Hai người mẹ vẫn tảo tần, san sẻ việc, gắng tới giọt mồ hôi cuối cùng kéo dài sự sống cho hai con và lo tương lai của ba đứa nhỏ. Huệ, Hoa vẫn cắp sách đến trường, Được ngoài việc phụ giúp việc nhà cũng đang tính đến chuyện đi làm mướn.

Mưa vẫn nặng hạt, hai người đàn bà đã lục tuần vẫn lội ruộng cố gặt cho xong… dù “vụ này sâu nhiều chẳng ăn thua, rồi sẽ vẫn phải đi vay!”.

Theo VNN.VN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video