Hải Phòng: Mô hình dịch vụ gia đình Tân Phong

20/03/2014
Người già, người ốm đau được chăm sóc tận tình; gia chủ các đám hiếu, hỉ bớt đi nỗi lo bị “chê, trách”, công việc gia đình không còn là gánh nặng với những người ít thời gian... Đó là cách làm mới mà Hội LHPN xã Tân Phong, huyện Kiến Thuỵ đã áp dụng với mô hình dịch vụ gia đình.

Người già, người ốm đau được chăm sóc tận tình; gia chủ các đám hiếu, hỉ bớt đi nỗi lo bị “chê, trách”, công việc gia đình không còn là gánh nặng với những người ít thời gian,…Tất cả những điều ấy tưởng như đơn giản đối với người dân thành thị - nơi có các hoạt động dịch vụ phát triển, nhưng ở một xã thuần nông như Tân Phong của huyện Kiến Thụy thì sự đổi thay ấy đã mang một ý nghĩa không nhỏ. Giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây tốt hơn và cũng là giúp cho gia đình mình có thêm thu nhập, tổ phụ nữ dịch vụ gia đình xã Tân Phong đã ra đời và bước đầu khẳng định hướng đi đúng với phương châm “nhanh, hiệu quả, trung thực”.

Là một xã thuần nông của huyện Kiến Thụy, người dân xã Tân Phong chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, không có nghề phụ. Khi các nhà máy liên doanh sản xuất giày da, may mặc,… ở các khu vực lân cận hoạt động ngày càng nhiều, đa số người dân trong độ tuổi lao động 20-45 tuổi đi làm việc tại các công ty này, nên khi gia đình có công việc hiếu, hỉ không nghỉ ở nhà phục vụ được, người già ốm đau, trẻ nhỏ không có người chăm sóc, trông nom,…; Phụ nữ từ 40-55 ở nhà làm ruộng, một năm chỉ 2 vụ lúa, thời gian nông nhàn không có nghề phụ để kiếm thêm thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn. Trăn trở trước thực trạng khó khăn về kinh tế của hội viên, Hội LHPN xã Tân Phong đã mạnh dạn tập hợp các chị trong độ tuổi từ 40-55 có nhu cầu việc làm trong thời gian nông nhàn để thành tổ phụ nữ “Dịch vụ gia đình”.

Ra đời từ tháng 10/2012 với 10 thành viên, tổ phụ nữ “Dịch vụ gia đình” thực hiện các công việc phù hợp với chính tên gọi của mình: giúp việc gia đình, cho thuê bàn ghế bát đĩa, dịch vụ làm cỗ, chăm sóc sức khoẻ tại nhà, cung cấp thức ăn sáng tại nhà, rửa bát cho đám hiếu, hỉ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già,...Quy chế hoạt động được chị em xây dựng trên tinh thần dân chủ, phù hợp và thực hiện với tinh thần tự giác cao. Chị Hương-tổ trưởng là người chịu trách nhiệm chung và điều hành các hoạt động của tổ. Khi người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ, chị phân công cho chị em trong tổ công việc phù hợp với khả năng, sở trường của từng người.

Kể câu chuyện thì tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng mọi việc không hề dễ dàng với những người phụ nữ vốn chỉ quen với ruộng đồng lần đầu đi làm dịch vụ: Nấu cơm cho gia đình mình thì đơn giản nhưng lên mâm cỗ thì phức tạp hơn nhiều; chăm người già, trẻ nhỏ cũng phải có kỹ năng, kiến thức; cho thuê bát, đĩa cũng phải biết tính toán đầu tư,... Rồi quan trọng nhất là tinh thần, thái độ phục vụ: xử lý thế nào với những khách hàng khó tính, phải làm thế nào để có khách hàng biết đến, tin tưởng, sử dụng dịch vụ của các chị. Hàng trăm nỗi lo đến với chị em khi bắt tay vào công việc. Nhiều khi chị em rơi vào những tình huống “cực chẳng đã”. Chị Hương (tổ trưởng) nhớ lại: có hôm trời mưa to, chị nhận được điện báo có gia đình có người ốm cần thuốc cảm, chị vội mặc áo mưa đi xe máy từ nhà xuống tới cuối xã thuộc thôn Lão Phú là 4km. Đến nơi, cụ già ra mở cửa cho chị và bảo “cháu bán cho ông 2 nghìn thuốc cảm”. Rồi lần khác, một gia đình nhờ chị em tổ dịch vụ dọn ao, cần 5 người. Chị phân công đủ 5 chị sáng ngày hôm sau 7h có mặt tại gia đình. Nhưng khi chị em đến nơi thì gia đình trả lời hoãn không làm nữa, các chị lại hì hục đạp xe về, nhỡ một buổi lao động,… Đó chỉ là một vài ví dụ trong biết bao tình huống dở khóc, dở cười mà chị em gặp phải. Cũng có lúc đã nản lòng, nhưng, khi ấy, các chị đã có BCH Hội PN xã đứng bên hỗ trợ, giúp đỡ, động viên. Thông qua hoạt động, Hội LHPN xã đã tận dụng mọi hình thức để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu mô hình dịch vụ gia đình: viết bài phát thanh trên loa truyền thanh của xã, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt các CLB với mong muốn sẽ có nhiều hơn các tầng lớp phụ nữ và nhân dân biết đến loại hình dịch vụ của các chị; Biết được hoàn cảnh của các thành viên tham gia mô hình đều khó khăn nên Hội LHPN xã tạo điều kiện cho các chị vay vốn từ các nguồn vốn NHCS với tổng số tiền 135 triệu, để mua sắm công cụ, phương tiện phục vụ cho công việc như: xe máy, bàn ghế, phông bạt ...v.v. Các đồng chí lãnh đạo Hội còn tích cực tìm hiểu các kiến thức trên hệ thống thông tin, tổ chức tập huấn, trao đổi, cung cấp kiến thức cần thiết cho các thành viên mô hình, giới thiệu chị em tham gia lớp học nghề "Kỹ thuật chế biến món ăn" để nâng cao tay nghề,…

Sự giúp đỡ, động viên tận tình của Hội cộng với lòng quyết tâm, cố gắng của bản thân, khó khăn ban đầu đã dần được tháo gỡ. Chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm phục vụ tốt cho công việc của mình. Tiếng lành đồn xa, uy tín của tổ phụ nữ dịch vụ gia đình ngày càng được nhiều người biết đến, chị em có công việc đều đặn, ổn định hơn, mỗi tháng thu nhập trung bình khoảng 1,5-3 triệu đồng. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay đã có 20 thành viên tham gia, mô hình tổ phụ nữ dịch vụ gia đình xã Tân Phong đã khẳng định được tính hiệu quả của mình với phương châm “nhanh, hiệu quả, trung thực” trong thời gian qua.

Không quản ngại những khó khăn, thách thức của những người làm dịch vụ chưa chuyên nghiệp, tổ phụ nữ dịch vụ gia đình xã Tân Phong huyện Kiến Thụy vẫn đang ngày ngày cần mẫn đến với từng ngôi nhà, ngõ xóm, đến với những nơi cần bàn tay, tấm lòng của các chị. Ai cũng phấn khởi vì vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, vừa giúp được nhiều gia đình bớt đi gánh nặng công việc vì neo người. Đó là động lực giúp tổ phụ nữ dịch vụ gia đình phát triển, khẳng định hướng đi đúng của Hội LHPN xã Tân Phong khi triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội trong tình hình mới.

Theo Hội LHPN huyện Kiến Thụy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video