Hàn gắn những rạn nứt trong hôn nhân

30/12/2010
Có không ít đôi vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ hạnh phúc do bất đồng quan điểm sống và cách nuôi dạy con cái, kinh tế gia đình khó khăn... Từ nhiều năm nay, cán bộ hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp cùng các hội, đoàn thể can thiệp kịp thời, giúp nhiều đôi vợ chồng “gương vỡ lại lành”...

Mâu thuẫn gia đình đôi khi nảy sinh từ những chuyện hết sức vụn vặt, nếu người trong cuộc không tỉnh táo để nhìn nhận, giải quyết vấn đề thì chuyện nhỏ sẽ hóa to”. Chị Trần Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạch (huyện Tuy An), một cán bộ Hội tiên phong trong việc phòng chống bạo lực gia đình ở xã An Thạch, chia sẻ với chúng tôi. Thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của các câu lạc bộ: Gia đình hạnh phúc, Mẹ và con gái, Phòng chống bạo lực gia đình, Gia đình văn hóa…, kỹ năng giao tiếp, ứng phó với những “xung đột” trong gia đình, bí quyết chung sống hòa thuận… được cán bộ Hội và những người lớn tuổi có kinh nghiệm chia sẻ với chị em.

 

Chị Oanh cho biết thêm, khi các gia đình có chuyện xích mích, cán bộ Hội và các thành viên trong tổ hòa giải tìm đến phân tích điều hơn lẽ thiệt để đôi bên nhận thức được cái đúng, cái sai mà điều chỉnh kịp thời. Điểm mới trong công tác hòa giải ở xã An Thạch là không chỉ có phụ nữ ở các chi hội tham gia, mà họ còn vận động “ông xã” của mình cùng góp sức. Đó là những đôi vợ chồng sống mẫu mực, có uy tín ở khu dân cư, vì thế lời nói của họ thuyết phục được người khác. Chị N.T.H ở thôn Hội Tín thổ lộ: “Ngày trước, chồng tui hay uống rượu, ít chịu khó làm ăn, lại thường chửi mắng vợ con, có lúc còn “thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Từ ngày có các chị trong tổ hòa giải can thiệp, cuộc sống gia đình tui không còn căng thẳng như trước. Ổng cũng bỏ bớt rượu bia, lo làm ăn. Tui mừng lắm!”.

 

Không riêng gì cán bộ Hội ở An Thạch mà nhiều cán bộ Hội ở các địa phương khác cũng trăn trở, lo ngại trước cảnh những đôi vợ chồng có nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”. Để làm tốt công tác hòa giải, các cán bộ Hội phải tìm hiểu kỹ sự tình và có cái nhìn khách quan mới có thể giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý. Chị Hoàng Thị Đàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) nói rằng, nhiều năm tham gia ban hòa giải ở địa phương, chị trải qua không ít niềm vui, nỗi buồn. Mỗi khi góp phần hàn gắn hạnh phúc cho những gia đình đứng bên bờ vực của sự tan vỡ, chị vui không thể tả. Bởi như thế có nghĩa là những đôi vợ chồng này đã biết thông cảm bỏ qua lỗi lầm, biết học cách lắng nghe và biết sống vì nhau. Sau những sóng gió của gia đình, những đứa trẻ lại được cảm nhận hơi ấm của tình thân, chúng sẽ lớn lên trong một gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ… Nhưng đôi lúc, chị cũng bất lực, khi mọi nỗ lực hàn gắn của mình không có kết quả. Những lần như vậy, thể nào chị Đàn cũng mất ngủ vì buồn và cảm thấy như có lỗi với những đứa trẻ trong các gia đình này.

 

“Mâu thuẫn trong gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà. Vì thế, những người trong cuộc luôn khó chịu khi người ngoài can thiệp. Điều này khiến cho cán bộ Hội gặp không ít khó khăn khi tiếp cận, tìm hiểu nguyên nhân. Nhiều khi họ còn phải nghe những lời rất nặng nề của các cặp vợ chồng”. Chị Cao Thị Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường 2 (TP Tuy Hòa) chia sẻ. Bởi vậy, theo chị, đã làm công tác này thì phải biết chấp nhận, bỏ qua những điều nhỏ nhặt ấy, phải biết dẹp bỏ sự tự ái, nếu không thì làm sao hiểu được nội tình để hòa giải. Chịu thiệt một chút để công việc đạt được hiệu quả. Và điều đặc biệt, những cán bộ Hội làm công tác hòa giải không thể thiếu tấm lòng, cái tâm và sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi nếu thiếu một trong những điều ấy, họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc.

Theo baophuyen online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video