Hàn Quốc: Biểu tình phản đối bài báo về cô dâu Việt

27/04/2006
Một bài viết trên nhật báo Chosun, Hàn Quốc về những cô gái Việt lấy chồng Hàn đã khiến các tổ chức xã hội nước này và cộng đồng người Việt giận dữ

Ngày 25/4, nhiều người Việt và du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã biểu tình trước toà soạn nhật báo Chosun, Trung tâm Seoul để phản đối bài viết “Các trinh nữ VN đến Korea - đất nước của hi vọng” của tác giả Che Sung Woo đăng ngày 21-4-2006. Bài báo đã đăng kèm bức ảnh 11 cô gái Việt Nam ngồi xếp hàng chờ được chọn mà không che mặt. Chú thích tấm ảnh là: “Các hoàng tử HQ, xin hãy đưa em về”.


Xuyên suốt bài báo, phóng viên đã nhiều lần đề cập đến động cơ của việc phụ nữ VN lấy chồng HQ chỉ là nhằm “thoát khỏi đói nghèo”. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy bất bình trước cái gọi là "sự bàng quan và thái độ vô cảm, lạnh lùng" của tác giả.


Cuộc biểu tình do tổ chức phi chính phủ NAWAURI (Tôi và chúng ta) của Hàn Quốc tổ chức và thành phần tham gia chủ yếu là người Việt. Họ mang theo bản copy của tờ báo với những lời phản đối được viết thẳng lên đó. "Phụ nữ Việt Nam không phải là món hàng", người biểu tình giương cao biểu ngữ. Họ phê phán việc đăng ảnh các cô gái không che mặt là vi phạm nhân quyền.


Cùng ngày, các tổ chức xã hội Hàn Quốc đã tổ chức họp báo ngay trước trụ sở của Chosun. Họ đã ra tuyên bố chung yêu cầu Nhật báo Chosun phải gửi lời xin lỗi chính thức cho những phụ nữ VN trong tấm ảnh đã bị xúc phạm đến quyền chân dung đồng thời đòi hỏi tờ báo này phải đưa ra những qui định đối với bài báo và nhà báo về vấn đề nhân quyền và quyền lợi của phụ nữ.


Tác giả bài báo Seung Woo Chae đã ra gặp và đối thoại với những người biểu tình. Anh cho biết đó là lần đầu tiên đến Việt Nam, chưa hiểu biết hết về đất nước này nên trong bài viết có thể chưa toàn diện, chỉ phản ánh một phần của vấn đề.


Giải thích về việc đăng bức ảnh các cô gái mà không che mặt, anh nói: “Vì khi viết không có ý định xấu nên không để ý chi tiết này”, và “nghĩ là những cô gái này không có gì xấu, không cần phải che đi”.


Seung Woo Chae đã đi theo đoàn biểu tình để xin lỗi và đề nghị cho anh cơ hội khác để viết bài tốt hơn về Việt Nam.


Nhiều người Hàn Quốc, chủ yếu sống ở nông thôn, trong những năm gần đây lập gia đình với người nước ngoài. Cục Thống kê Hàn Quốc tháng 3 vừa qua công bố tỷ lệ người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài chiếm 3,6% tổng số những cuộc đăng ký kết hôn, riêng nông thôn chiếm tới 35,9%.


Bài báo trên tờ Chosun viết gì?


Tác giả đã trực tiếp đến thăm văn phòng Công ty môi giới hôn nhân Cyclo tại TP.HCM và viết phóng sự về các cuộc hôn nhân. Với một giọng văn lạnh lùng và vô cảm, tác giả bài báo miêu tả quá trình kết hôn giữa chú rể HQ và cô dâu VN như trong thời chiến: từ việc chọn một cô trong 150 cô gái “có mơ ước thoát khỏi cảnh đói nghèo” đến gặp mặt cô dâu, chào hỏi cha mẹ vợ, kiểm tra AIDS, đám cưới, chụp hình ngoại cảnh... tất cả chỉ diễn ra trong hai ngày! (KU SU JEONG)


“...Trên bàn tiếp khách làm bằng tre, một người đàn ông Hàn Quốc (HQ) đang ngồi. 11 phụ nữ VN đang hồi hộp với ước mơ thoát khỏi cái nghèo. Người đàn ông HQ nhìn lướt qua một lượt khuôn mặt những cô gái đang ngồi xếp chân sang một bên. Sau 20 phút, ông ta quyết định thôi không chọn nữa và nói: “Ôi, thật ngại quá, không biết chọn ai bây giờ!”.


Đó là ông Kim Chang Ho (tên giả), 35 tuổi, không nghề nghiệp, ở Incheon, có mẹ đang điều hành một quán ăn. Trước khi xem mắt trực tiếp 11 cô gái này, ông Kim đã xem qua ảnh của họ. Ông chuyển sang phòng bên cạnh, mở đĩa CD có thời gian một tiếng rưỡi, thời gian ghi hình là tháng 4-2006. Trên màn hình lần lượt xuất hiện 150 cô gái có mã số. Ống kính quay từ khuôn mặt rồi đến toàn thân. Chỉ được 20 phút, ông lại bỏ cuộc. Có vẻ như ông đã chọn được hai trong số 11 cô gái lúc nãy.


Cô Sen là một trong hai người đó. Ông Kim hỏi Sen và một cô gái khác trạc 20 tuổi, có thân hình mảnh mai, rằng: “Tôi đang thất nghiệp nhưng sẽ xin việc làm. Mẹ tôi đã có tuổi và bà đang kinh doanh một cửa hàng thức ăn nhỏ. Có nuôi mẹ tôi được không?”. Cả hai cô gái đều gật đầu. Cái trầm lặng cho cuộc nói chuyện giữa những người xa lạ với nhau càng trở nên dài hơn.


Quê Sen là một vùng nông thôn nghèo khó, cách TP.HCM bốn giờ xe chạy. Từ một năm trước cô đã có ước mơ lấy chồng nước ngoài. Cô muốn thoát khỏi cảnh nghèo. Cô nói: “Con gái của dì em ba năm trước lấy chồng Đài Loan, nhờ đó mà đã xây được nhà tường”. Cô cũng đang mơ “giấc mơ HQ” như thế. Cách đây mười hôm, Sen đăng ký với văn phòng môi giới hôn nhân và đã qua một cuộc phỏng vấn nhưng không được chọn.


Vứt bỏ điếu thuốc, sau một hồi chần chừ, ông Kim cũng chọn Sen: “Mẹ tôi dặn đi dặn lại là chọn cô nào có tướng tá to lớn để mai mốt còn phục vụ cơm nước cho bà”.


Hai người thành đôi và lập tức đến bệnh viện để xét nghiệm HIV...

 

Theo Lao động

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video