Hàng rong ngày cuối năm

22/01/2010
Những ngày cuối đông giá lạnh, khắp nẻo đường phố Hà Nội, những gánh hàng rong trên đôi vai gầy của những người phụ nữ xa quê mưu sinh vẫn miệt mài kĩu kịt. Dường như gánh hàng những ngày cuối năm thêm nặng hơn.

Mưu sinh mùa Tết

 Những bước chân của họ dường như cũng kéo dài hơn giữa phố xá đông người, bởi trong họ có thêm một nỗi lo toan: ngày Tết đã đến gần...  Chiều muộn, những gánh hàng rong tìm về khu trọ nằm khuất sâu sau một con ngõ ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Gánh hàng của chị Hoàng Thị Huệ, quê ở xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn nguyên cả một mớ nào ví, lược, tất, khẩu trang, bấm móng tay...

Ảnh minh họa 
          Chị Huệ rong ruổi mọi con phố
Bước vào căn nhà trọ chật chội, chị đặt kẹp hàng xuống, thở dài: “Đi tuốt từ dưới phố về mà bán được có 2 đôi tất, hôm nay sao số đen thế không biết!”, rồi chị lôi hộp cơm ăn dở từ trong kẹp hàng ra ngộm ngoạm nhai, dặm thêm ngụm nước lọc, than thở: “Trưa thấy ông già bán bánh mì cũng ế như mình nên ăn giúp 2 cái, đành để dành suất cơm trưa làm bữa chiều...”.  Mới đầu giờ tối, rửa ráy xong là chị Huệ leo lên tấm phản được trải rộng làm giường, nơi đã có mấy đồng nghiệp chui vào chăn từ bao giờ. Chị nói như thanh minh: “Cuốc bộ cả ngày trời, đêm đến chỉ có nằm thôi”.

Đây là năm đầu tiên chị Huệ xa nhà đi làm ăn. Chị quyết định lên Hà Nội bởi nhà chị trong quê có 4 sào ruộng, anh trai và hai em gái làm loáng cái là xong. Có về thì cũng chỉ đi cấy thuê. Mùa vụ bây giờ được mấy ngày, làm xong ngồi chơi thì lấy gì mà ăn. Những ngày cuối năm nhớ nhà lắm nhưng chị vẫn ý thức được rằng phải cố hơn ngày thường, phải toan tính làm sao để có thêm cho gia đình đang mong chờ ở quê nhà đôi ba đồng tiêu pha “gọi là có Tết” với người ta. Nhưng ngày càng khó khăn vì người bán dạo từ quê vào thành phố đông hơn, với cánh hàng rong còn bị vận vào cái mác “bán đồ giả”.

 Khoảng vài chục phụ nữ bán hàng rong ở dãy trọ này đa số đến từ Thanh Hóa và Hưng Yên. Trong khi chị em ở Thanh Hóa bán đồ dùng sinh hoạt thì những phụ nữ ở Hưng Yên lại đẩy những mủng hoa quả bán dạo, người nào “vốn dày” thì bán đồ sành sứ. Hoài, người Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hóa, 23 tuổi, lập gia đình 5 năm rồi, có hai đứa con, đứa nhỏ mới 16 tháng tuổi đã phải gửi bà ngoại chăm. Hoài theo chân các chị hàng xóm ra Hà Nội “kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ trông vào mảnh ruộng thì sao đủ ăn. Ông xã mình cũng đâu có ở nhà, vào Đắk Lắk trồng cà phê cho chú. Chồng nơi, con nơi, thôi đành Tết ở lại”.

 Trong cái xóm nhỏ hàng rong ấy mỗi người mỗi cảnh vất vả, éo le. Phần nhiều trong số đó sẽ đón năm mới trong gian trọ nhỏ này.

 

 Ảnh minh họa

 Những lúc ế hàng

Nhớ nhà chẳng dám về

 Tết Nguyên đán gần kề, công nhân vào mùa tăng ca, các gánh hàng rong cũng tự tăng ca. Trong số phụ nữ mưu sinh xa quê ấy có những chị mỗi ngày chỉ ngả lưng 3- 4 tiếng bởi phải “tăng ca” rong ruổi mọi hang cùng ngõ hẻm. Chị Ninh, người lớn tuổi nhất trong nhóm cho biết: “Năm hết Tết đến, muốn cho con có manh áo mới thì phải chịu khó đi làm thêm. Sáng chưa bảnh mắt đã bước ra khỏi nhà, đêm khuya mới chịu về nghỉ. Buồn nhất là những hôm đi rã hết cả chân mà chẳng ăn thua gì...”.

 Giữa trưa gặp chị Lê Thanh Thủy quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, ngồi tựa gốc cây ở cổng Trường ĐH Thủy Lợi đếm tiền, những  tờ 1.000, 2.000 đồng cũ mèm bị vo tròn trong túi được đếm kỹ và vuốt phẳng phiu. “Sáng nay được mấy khách nước ngoài mua cho mấy cái treo chìa khóa và một số đồ lưu niệm, trừ vốn lời 55 nghìn đồng. Mới nửa ngày mà đã hơn cả ngày hôm qua rồi” - chị phấn khởi cho biết.

 Mấy ngày này vào các xóm trọ, nơi ngụ cư của những thân phận mưu sinh nơi đất khách quê người, tôi đã thấy cái cảnh chộn rộn của ngày Tết. Dường như ai cũng gấp gáp hơn, căng sức ra nhiều hơn và ai cũng có dự định riêng. Tối đến khi từ mọi nẻo đường trở về phòng trọ, chị Thủy lại lôi trong túi đồ ra cục len và cặm cụi đan áo. “Áo cho con mặc năm mới, được một cái cho thằng lớn rồi, còn cái cho con em cũng gần xong. Mình không có tiền mua áo, thì mua len đan cho rẻ. Cũng là áo mới. Không biết vài chục ngày nữa có kịp cho chồng một cái nữa không”-  chị nói.

 Còn bánh mứt nữa, các chị đến tận lò mua bánh, kẹo lẻ rồi thu lượm hộp giấy về cắt dán đem về làm quà, bởi “mang tiếng đi Hà Nội cả năm, Tết về cũng phải có quà chứ”, chị Thủy cười tếu táo.

Thanh niên trai tráng, còn sức khỏe, chịu khó chịu khổ để bươn chải kiếm sống là chuyện thường. Nhưng trong rất nhiều người tha hương mưu sinh đó cũng không ít thân già mà vẫn phải bươn chải xuôi ngược, để lo manh áo chén cơm cho chính bản thân mình.

 Ảnh minh họa

 Một mình lạnh lẽo trong đêm vắng

Mái tóc hớt ngang gáy bờm xờm đã bạc màu tuổi tác, bên hông là một túi bánh mì, bà cụ vẫn vẫy tay chào mời khách với dáng vẻ nhanh nhẹn. Đã rất nhiều lần tôi bắt gặp cụ đứng ở gần bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Hôm nay, ra bến xe tìm cụ, không thấy, tưởng cụ về quê. Nào ngờ, đi xuôi xuống gặp ngay cụ ở trước cổng Cơ khí ô tô Đại An, Thanh Trì. Tôi mua bánh và hỏi thăm, cụ móm mém cười: “Trên đó người ta đang làm cầu bụi quá. Chứ tôi có về quê ăn Tết đâu. Nhà đâu ở quê mà về”.

 Hỏi gia cảnh cụ nhất quyết không nói, chỉ cho biết mỗi quê ở Sơn Tây. Tôi biết cụ già này đã bán bánh mì ở đây đã mấy năm nay. Lúc đưa máy ảnh lên, bà cụ từ chối: “Chụp à? Không được chụp bà đâu!”. Rồi cụ tâm sự: “Tết này, bà tròn 70. Người ta tuổi này nhiều người ngồi một chỗ, tôi còn khỏe vậy là ông trời đã thương lắm rồi”.

 Nét nhọc nhằn hiện rõ trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn của bà cụ nhưng không tìm thấy sự buông xuôi. Dẫu có lẻ loi, dẫu có một mình giữa Hà Nội náo nhiệt. Hàng ngày, bà cụ vẫn bước đi trên đôi chân mình bán bánh mì, rồi tối đến về phòng trọ sống nốt quãng đời tuổi xế bóng.

 Với đôi quang gánh trên vai, sức khoẻ và sự nhẫn nhịn, những con người nhỏ bé đã gánh cả cuộc đời và gia đình họ trên đôi vai mảnh khảnh. Ngày này qua ngày khác, họ đã tích cóp mồ hôi và nước mắt để mái nhà ở quê thêm lành lặn, bát cơm trong ngày Tết của con cái họ được đầy hơn.

 Đêm về khuya. Một tí mưa lất phất âm thầm đưa mùa xuân đến thật gần. Lác đác bóng dáng mấy bà bán rau đang gồng mình trên những chiếc xe đạp thồ để chạy đua với Tết. Có lẽ giờ này, Huệ cũng như nhiều người ngoại tỉnh về Hà Nội để kiếm sống nhờ những món hàng nho nhỏ, vẫn chưa ngủ. Họ vẫn ngong ngóng về gánh hàng rong ngày mai.

 

Tháng chạp - “tháng củ mật”


Trong những ngày giáp Tết, ngoài những người đi hàng rong chuyên nghiệp còn có những nghề “thời vụ” khác như: bán bóng bay, đánh lư đồng, quét ve nhà, tường rào, bán cây cảnh, cá cảnh...

 

Quân, quê ở Nam Định cho biết mới “ra quân” có mấy ngày mà đã kiếm được kha khá, hơn nhiều mấy gánh hàng rong. “Nếu cứ chăm chỉ đến ngày 29, 30 Tết, mỗi người cũng bỏ túi được trên dưới vài triệu đồng chứ chẳng phải chuyện chơi. Vì vậy nên cứ phải cố”- Quân nói.

Theo Giadinh.Net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video