Hàng Tết không nguồn gốc: Đẹp nhưng độc

19/01/2006
Loại hạt dưa đỏ tươi mà bạn vẫn rả rích cắn trong dịp lễ Tết đều được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp, rất độc hại.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, gần đây, Sở đã lấy một số mẫu hạt dưa đỏ trên thị trường về kiểm nghiệm và phát hiện tất cả đều được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp, loại không được dùng trong chế biến thực phẩm.


Những chất này có thể tích tụ trong cơ thể và gây nhiều bệnh tật, thậm chí ung thư. Vì vậy, trong buổi kiểm tra chiều 15/1 tại phố Hàng Buồm và chợ Hàng Da, khi phát hiện hạt dưa đỏ không rõ nguồn gốc, cơ quan này tịch thu để tiêu huỷ luôn mà không cần xét nghiệm lại.


Mặt hàng hạt dưa đỏ đang có mặt ở tất cả các sạp bánh kẹo từ bắc vào nam trong dịp Tết này. Hầu hết chúng đều là hàng không nhãn mác, địa chỉ, được bán theo cân lạng. Ngay cả chủ hàng cũng không biết hạt dưa đỏ mình bán được sản xuất ở đâu. Chủ sạp hàng Vân Oanh, 58 Hàng Buồm, ngớ người khi đoàn kiểm tra hỏi về xuất xứ mấy bịch hạt dưa đỏ mà chị bán: "Người nhập hàng cho tôi chỉ nói là hàng Sài Gòn chứ không nói nơi sản xuất".


Cũng như những người bán hàng khác, bà chủ Vân Oanh rất ngạc nhiên khi biết mặt hàng quen thuộc này lại không được phép bán. Theo các chuyên gia về vệ sinh thực phẩm, những loại thực phẩm hàng chợ nếu có màu sắc vui mắt thì đều dùng phẩm màu ngoài danh mục, vì chất nhuộm màu được dùng trong thực phẩm có giá rất đắt.


Không chỉ hạt dưa mà các sản phẩm không nguồn gốc khác cũng đang tràn ngập các cửa hàng bánh kẹo từ nông thôn đến thành phố, thậm chí cả ở các hội chợ Xuân. Điển hình là loại kẹo cân màu sắc sặc sỡ, nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan. Các chủ hàng thường mua cả bao bì lớn rồi dốc ra bán theo cân. Trong bao lớn ban đầu cũng có một tờ nhãn nhưng đều in tiếng nước ngoài (ít khi là tiếng Anh) nên chẳng ai đọc được. Loại bánh kẹo này không phải hàng nhập khẩu chính ngạch nên không biết chất lượng ra sao, khi gặp sự cố sức khoẻ thì ai chịu trách nhiệm.


Ngoài chợ, các loại thực phẩm không nhãn mác, xuất xứ vẫn ngự trị công khai, từ lạp xường đến tôm nõn, khô cá, nước mắm, mắm tôm, bánh mứt. Chúng được sản xuất ở các cơ sở tư nhân quy mô nhỏ và nhập thẳng cho mối quen ở các chợ nên không cần nhãn mác.


Lý do "chiều thượng đế" cũng được dùng để bào chữa cho việc bán hàng không xuất xứ. Chị Hương, một chủ cửa hàng thực phẩm ở chợ Mai Động, phân bua: "Khách hàng của tôi có đủ loại, trong đó nhiều người nghèo, nếu bán toàn hàng có nhãn mác, giá đắt thì chết". 


Và do thói quen, do tâm lý ngại vào chợ lớn, người tiêu dùng vẫn đang vô hình "tiếp tay" cho người bán. Họ thoải mái mua hàng không xuất xứ về ăn hoặc làm quà biếu... mà không nghĩ rằng những mặt hàng không được sản xuất theo quy chuẩn này có thể chứa nhiều tạp chất, thậm chí độc chất.  

Trong khi đó, việc kiểm tra an toàn thực phẩm gần như chỉ có tác dụng "đánh giá tình hình" chứ rất ít tác dụng răn đe. Một chủ sạp bánh kẹo rượu bia ở phố Hàng Buồm cho biết, đây là trung tâm buôn bán loại hàng này nên đợt cao điểm nào về thực phẩm cũng bị kiểm tra: "Nhưng nói thật nhé, chỉ nhìn mấy cái ôtô với vài bộ mặt quen quen là bọn chị đã nhận ra rồi, cái gì cần giấu là giấu hết".


Bà chủ này còn tiết lộ chỉ cần một nhà bị kiểm tra thì những nhà khác đã có đủ thời gian để "chạy" hàng và báo động cho nhau, và mấy gia đình bị tịch thu hạt dưa đỏ chẳng qua vì không biết mặt hàng này cũng bị cấm, chứ hoàn toàn không phải kém mắt: "Mỗi buổi 'càn' như thế chỉ bắt được vài hàng, ai không may thì phải chịu, chứ không bán thì lấy đâu lời lãi".


Theo ông Lê Anh Tuấn, kiểm tra thường xuyên là nhiệm vụ của ban chỉ đạo vệ sinh thực phẩm các xã phường, quận, huyện. Còn đoàn kiểm tra liên ngành của y tế, thương mại, quản lý thị trường... chỉ có thể thỉnh thoảng kiểm tra giám sát, và cũng không trực tiếp phạt mà lập biên bản giao lại cho địa phương xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng có nhiều việc để lo nên không thể ưu tiên quá nhiều nhân lực cho vấn đề thực phẩm. Với số hàng bán thực phẩm hiện nay, dù đông nhân lực tới đâu cũng chỉ kiểm tra phạt "đại diện", mang tính răn đe mà thôi, chủ yếu là trông chờ vào ý thức người bán và người tiêu dùng.


Tuy nhiên, cả tác dụng răn đe này cũng không thực sự hiệu quả vì tuy khung tiền phạt là từ 100.000 đến 15 triệu đồng, nhưng với các sai phạm loại trên, mức phạt thường không cao. "Có bắt quả tang chắc gì đã phạt, có phạt cũng chỉ mấy trăm nghìn, cứ nộp là yên", bà chủ sạp Hàng Buồm thản nhiên nói.


Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc đảm bảo tuân thủ quy định về vệ sinh thực phẩm ở các chợ thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý chợ. Ngày 15/11, khi phát hiện hạt dưa đỏ không nguồn gốc trong một sạp hàng ở chợ Hàng Da, đoàn kiểm tra đã tịch thu và giao cho Ban quản lý tạm giữ để tiêu huỷ, nhưng đơn vị này dứt khoát từ chối.


Ông Nguyễn Văn Phòng, trưởng ban quản lý chợ, nói: "Chúng tôi không hề có chức năng kiểm tra, cũng không có chuyên môn làm việc này, không có quyền phạt hay tịch thu, tiêu huỷ, chỉ có thể nhắc nhở. Giao đám hàng này cho chúng tôi thì chúng tôi biết làm gì với nó bây giờ?". Ông Phòng cũng thừa nhận, Ban quản lý chợ là đơn vị sâu sát nhất với các hộ kinh doanh, nếu được quyền phạt hành chính với một mức nhỏ thì sẽ dễ "ép" mọi người vào khuôn khổ hơn.


Đến nay, việc nâng chất lượng vệ sinh thực phẩm vẫn chủ yếu dựa vào lương tâm người bán và hiểu biết của người mua. Mà đây là các yếu tố không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

(Theo VnMedia)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video