Hạnh phúc được đồng hành vì biên cương giàu đẹp

26/12/2020
Cán bộ Hội LHPN các cấp và BĐBP có rất nhiều cảm xúc đẹp, kinh nghiệm quý trong thời gian sát cánh bên thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020

Gần 3 năm sát cánh bên nhau chung tay góp phần xây dựng biên giới, hướng đến các xã biên giới đặc biệt khó khăn trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp và BĐBP đã có rất nhiều cảm xúc đẹp, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác. Đây sẽ là tiền đề, là vốn quý để họ tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, tiếp nối thành tích đạt được và phát huy tinh thần sáng tạo để thực hiện chương trình này trong 5 năm tới.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa

Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ 11 tỉ đồng cho các hoạt động cụ thể, thiết thực lan tỏa sâu rộng như Chương trình “Xuân đoàn kết, Tết biên cương”, Trung thu “Vầng trăng biên cương”, phiên chợ truyền thông, lớp xóa mù chữ, lớp tập huấn kiến thức. Đã có 30 mô hình sinh kế hợp tác, tổ liên kết, 15 câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội, chống mua bán người, mô hình nhà sạch - vườn đẹp, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, xây dựng 59 “Mái ấm tình thương”, tặng 10.000 suất quà, học bổng trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”.Thanh Hóa là tỉnh đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020. Thanh Hóa cũng là tỉnh có 10 xã biên giới khó khăn nằm trong số 110 xã được hỗ trợ đợt đầu. Đó là các xã: Bát Mọt (huyện Thường Xuân), Yên Khương (huyện Lang Chánh), Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa), Tam Thanh, Mường Mìn, Na Mèo (huyện Quan Sơn), Trung Lý, Quang Chiểu, Nhi Sơn, Pù Nhi (huyện Mường Lát).

Với sự đồng hành đáng quý của cán bộ Hội LHPN, cán bộ BĐBP cùng các cấp, các ngành các tổ chức, cá nhân, chương trình đã thắp lên ngọn lửa cho vùng biên giới, sưởi ấm bao trái tim, bao hoàn cảnh khó khăn, hướng đến cuộc sống thay đổi tích cực cả trong hành động và thực tiễn.

Bà Hoàng Thị Khuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Tháng 4 năm 2020, xã Xín Cái được nhận hỗ trợ của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tôi và các hội viên phụ nữ xã rất đỗi vui mừng. Thời điểm đó, chúng tôi đang loay hoay tìm phương kế xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các gia đình hội viên, phụ nữ ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ có chương trình, trong 3 năm qua, chúng tôi đã xóa được 11 nhà tạm cho 11 gia đình phụ nữ nghèo tại các thôn: Xín Chải,Tìa Chớ, Páo Sảng, Tìa Kính, Bản Chuối, Sủa Nhè Lử, Khai Hoang 2, Lùng Thúng với hỗ trợ tổng trị giá 540 triệu đồng.

Ngoài ra, còn thành lập được 2 tổ liên kết phát triển kinh tế gồm tổ chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển tại thôn Tìa Chớ với 10 con bò trị giá 100 triệu đồng cho 10 hộ phụ nữ nghèo và đã sinh sản được được 11 con bê. Hiện, chúng tôi đang luân chuyển bò mẹ cho hộ khác. Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế nuôi lợn sinh sản luân chuyển tại thôn Thuồng Luồng với 30 con lợn nái trị giá 60 triệu đồng cho 10 hộ phụ nữ.

Chương trình còn hỗ trợ 38 máy thái cỏ cho bò với tổng kinh phí 190 triệu đồng. Từng hội viên được tiếp cận với máy tính, tủ sách pháp luật, phần mềm khoa học kỹ thuật, nhiều quà tặng, sách, vở hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo. Nhiều chương trình ý nghĩa làm đường liên thôn, xây trường học để nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm nay, những gia đình được tặng “Mái ấm tình thương” thực sự được đón một cái Tết trọn vẹn, ấm áp trong ngôi nhà mới khang trang.

Chúng tôi còn chủ động tìm nguồn hỗ trợ để mua loa tuyên truyền cho đợt ra quân phối hợp với BĐBP phòng, chống dịch Covid-19. Những việc làm đó thực sự để lại nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với bản thân tôi, khiến tôi thêm yêu công tác Hội LHPN và giúp tôi trưởng thành về mọi mặt.

Trung tá Hà Đức Hạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang

Sau 3 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, điều thấm thía nhất là muốn chương trình thành công, hiệu quả cần nhất là sự nhất quán trong chỉ huy, chỉ đạo. Phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên cương Tổ quốc.

Khi thực hiện chương trình, chúng tôi tôn trọng sự phối hợp của hai bên, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc né tránh công việc. Cần nhất là bố trí cán bộ có năng lực, hiểu địa bàn, có mối quan hệ đoàn kết gắn bó với cán bộ Hội LHPN, có uy tín với địa phương, đoàn thể, hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã biên giới Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là địa bàn do Đồn Biên phòng Phú Mỹ phụ trách, đa số dân cư là đồng bào Khmer. Chúng tôi xác định kỹ nhu cầu thiết thực, bà con cần gì, chúng tôi tham mưu, đề xuất giúp cái đó, ví dụ như những cây cầu qua kênh Vĩnh Tế giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Mặt khác, chương trình luôn ưu tiên hướng tới những phụ nữ nghèo đang thực sự khó khăn như trường hợp chị Trương Thị Út ở ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, chồng bị bệnh tim, thận và thực quản. Khi được nhận hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, chị cảm thấy được quan tâm, mà gánh nặng của người phụ nữ ấy cũng được sẻ bớt phần nào. Tôi nghĩ càng đi vào nhu cầu thiết thực, chương trình sẽ đạt được những thành tích ý nghĩa, cao cả.

Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Mọt, BĐBP Thanh Hóa

Đối với xã Bát Mọt, chúng tôi xác định, từng thời điểm cần hỗ trợ bà con cái “cần câu”, sinh kế chứ không thể cứ hỗ trợ con cá mãi được. Mô hình nào đã có thực tiễn thành công thì nhân rộng mô hình đó ngay, tránh để nguội, sinh ra ỷ lại, đầu voi đuôi chuột.

Không chỉ đồng hành tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chúng tôi còn tích cực giúp đỡ các mô hình sinh kế thiết thực. Từ đó, đã tạo tình cảm, trách nhiệm giữa miền xuôi với miền ngược, tuyến sau với tuyến trước. Trên con đường dài đi và đến, đồng hành cùng chương trình, phụ nữ các cấp và cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh đã cùng nhau mang đến tình người, sự sẻ chia cho vùng biên giới, đến với phụ nữ vùng biên, với trẻ em nghèo khó, với các nhà trường ở xã Bát Mọt bằng tình cảm, trách nhiệm cao.

Bát Mọt bước vào giai đoạn tiếp theo của chương trình đầy khí thế vì đã xây dựng được nền móng một số mô hình khó như mô hình trồng rau sạch, trồng lúa 2 vụ, chăn nuôi gia cầm, gia súc ở bản Vịn, bản Đục... Sự vận hành ban đầu đã suôn sẻ thì hy vọng tương lai trước mắt sẽ rất thuận lợi.

baobienphong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video