Hành trình đến với top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu của cô giáo 9X người Mường

06/04/2020
Những ngày cuối tháng 3, thông tin và hình ảnh của cô giáo 9X - đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 ngập tràn trên các trang báo, mạng xã hội và trở thành một hiện tượng, một nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Việt Nam. Đó là cô Hà Ánh Phượng - giáo viên Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, một trong những người con ưu tú của quê hương Đất Tổ.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Hà Ánh Phượng

Cô giáo Hà Ánh Phượng là 1 trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020

Hà Ánh Phượng sinh ra và lớn lên ở xã nghèo Thượng Long - huyện miền núi Yên Lập. Hồi nhỏ, Phượng từng xem một bộ phim kể về giáo viên đến từng gia đình sống dọc đường núi, thuyết phục họ cho con đến trường. Gia đình Phượng lại ở gần một ngôi trường tiểu học, hằng ngày Phượng đều nhìn thấy các thầy, cô giáo đến trường để dạy học. Đến khi học phổ thông, cô được tiếp cận với bộ môn tiếng Anh và cảm thấy thích thú, say mê ngay từ những tiết học đầu tiên. Chính những điều đó là ngọn nguồn cảm xúc, khơi gợi và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh của Phượng.

Ước mơ ấy cùng với niềm đam mê học tiếng Anh đã thôi thúc cô học trò nhỏ quyết tâm học thật giỏi để trở thành thủ khoa tốt nghiệp THPT với học bổng danh giá “Hoa Trạng Nguyên” và thi đỗ vào Trường Đại học Hà Nội khoa Ngôn ngữ Anh năm 2009. Năm 2011, Phượng là 1 trong 14 sinh viên châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng. Trong quá trình học đại học, Phượng tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm phiên dịch tại các hội thảo cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2013, cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, được mời làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên tại một công ty dược của Pakistan với mức lương hấp dẫn. Nhưng cô đã từ chối để tiếp tục học thạc sĩ ngành Sư phạm Tiếng Anh và bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình trên chính mảnh đất quê hương.

Cô tâm sự: Sinh ra từ vùng quê nghèo, tôi thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học tiếng Anh. Các em ít có cơ hội được luyện tập tiếng Anh với người nước ngoài dẫn đến năng lực ngôn ngữ thấp, thường rụt rè, ít hiểu biết về văn hóa đa quốc gia cũng như không hứng thú với môn học. Với quan điểm dù bất cứ học sinh nào ở bất kỳ đâu cũng có thể được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất, sau khi kết thúc chương trình học thạc sĩ, tôi chọn điểm dừng chân là mái trường THPT Hương Cần - nơi có 90% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số với mong muốn giúp các em học sinh nơi đây đến gần hơn với thế giới bên ngoài thông qua việc học ngoại ngữ.

Tham gia giảng dạy ở Trường THPT Hương Cần, cô Phượng có những sáng kiến, sáng tạo đột phá trong giáo dục, đặc biệt giúp học sinh của mình vượt qua khó khăn trong việc học tiếng Anh nhờ áp dụng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học trò với các trường nước ngoài qua ứng dụng Skype.

Em Hà Thu Lan - học sinh lớp 11A1 Trường THPT Hương Cần cho biết: Những giờ học tiếng Anh của cô Phượng rất thú vị và hấp dẫn. Trong giờ học, chúng em được giao lưu, trò chuyện với các bạn ở Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi… Từ đó được trau dồi kiến thức và rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh.

Cô Phượng và học trò báo cáo dự án “Nói không với ống hút nhựa”

Cô Phượng cho biết: Hiện cô trò chúng tôi đã đi “du lịch” xuyên biên giới và “không visa” qua hơn 30 quốc gia trên thế giới. Nhờ đó mà các em học sinh đã cải thiện đáng kể năng lực ngoại ngữ, có cơ hội được kết nối với bạn bè bốn phương, tiếp cận với những nền giáo dục hiện đại và hiểu biết thêm về các nền văn hóa. Đây là tiền đề giúp các em trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.

Không chỉ thành công với lớp học xuyên biên giới, năm học 2019 - 2020, cô Phượng còn trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng hơn 90 học sinh Trường THPT Hương Cần thực hiện dự án quốc tế mang tên “Nói không với ống hút nhựa”. Để thực hiện dự án, cô và học trò đã vận dụng kiến thức liên môn để tìm hiểu, sản xuất các loại ống hút thân thiện với môi trường bằng những loại nguyên liệu sẵn có của quê hương như tre, trúc, nứa, sậy, lau đá... Nhóm thực hiện dự án đã tặng sản phẩm ống hút thân thiện cho các thầy, cô giáo và học sinh toàn trường, các quán trà sữa, quán nước ở địa phương, học sinh của một số trường THPT trong nước và nước ngoài. Dự án đã thu hút sự tham gia của hơn 20 nước trên thế giới; đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức.

Với nỗ lực và sáng tạo của mình, năm 2019, cô Phượng được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Năm 2020, cô được nhận học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên và được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft, tham gia dạy học trực tuyến cho học sinh nghèo ở 4 châu lục: Á, Phi, Âu, Mỹ. Hiện nay, cô Phượng còn tham gia giảng dạy tiếng Anh trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để hỗ trợ học sinh lớp 12 luyện thi THPT quốc gia.

Cô Phượng trong một buổi ghi hình dạy học tiếng Anh trên sóng truyền hình

Đặc biệt, ngày 19/3 vừa qua, vượt qua hàng chục nghìn ứng viên trên khắp thế giới, cô giáo Hà Ánh Phượng đã trở thành 1 trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Đây được coi là “Giải Nobel” về giáo dục do Tổ chức giáo dục từ thiện toàn cầu Varkey Foundation bình chọn. Cùng ngày, cô cũng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi thư chúc mừng. Trong thư có đoạn viết: “Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cá nhân cô giáo Hà Ánh Phượng, của ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ, mà còn là niềm vui, niềm tự hào của ngành Giáo dục cả nước… Ngành Giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy và muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu như cô Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên khắp cả nước”.

Chia sẻ về dự định của mình trong tương lai, cô Phượng cho biết: Là một giáo viên trẻ, tôi cần phải nỗ lực cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong giảng dạy, không “ngủ quên” trên những thành quả mà mình đạt được. Tôi sẽ tiếp tục xây dựng các bài giảng có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hướng dẫn học sinh thực hiện thêm nhiều dự án quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đồng thời phát triển một kênh Youtube dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh cả nước.

Hy vọng những thành quả và cống hiến của cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ tiếp tục là ngọn lửa truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho nhiều người trẻ Việt Nam trên hành trình khám phá, khẳng định bản thân và cống hiến cho cộng đồng xã hội.

 

PhuthoPortal

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video