Hát bên bờ giới tuyến

31/03/2010
Câu chuyện dưới đây kể về những con người rất đỗi bình thường trên đất Vĩnh Linh – Quảng Trị.

Họ đã có một tuổi trẻ hào hùng thời chống Mỹ, họ là nhân chứng của một thời “Tiếng hát át tiếng bom”.  Bấy giờ là năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ  cứu nước của dân tộc ta đang vào giai đoạn ác liệt nhất. Sông tuyến Hiền Lương đêm đêm vẫn âm thầm chuyển những đoàn quân qua sông vào Nam chiến đấu. Ngày đêm bom đạn tơi bời. Người dân Vĩnh Linh ẩn sâu vào trong lòng đất, lòng địa đạo. Vượt qua hy sinh, họ vẫn sống và chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị Ngoan ở xã Vĩnh Giang là một nữ dân quân trực chiến, bám trụ tại quê nhà từ những ngày đầu chiến tranh. Bà biết bắn súng trường CKC, súng máy phòng không 12,7mm, biết cứu chữa thương binh, biết đào hầm, đào địa đạo, biết vây bắt, trói biệt kích thám báo... Và, bà còn biết hát! Hát rất hay... Với giọng dân ca trời cho cùng khuôn mặt khả ái, bà được biên chế vào đội văn nghệ xã Vĩnh Giang, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con, đồng đội ngay tại chiến hào, bên mâm pháo, trong trạm phẫu tiền phương, dưới lòng địa đạo... Bà Ngoan kể: “Tui nhớ nhất lần ni. Có một anh  bộ đội Sư đoàn 312 đánh Cửa Việt bị thương được chuyển ra Bắc. Vết thương nặng, khó qua khỏi. Anh thì thào nói với tui rằng, quê anh tỉnh Hà Tây, xin chị hát cho nghe bài “Hà Tây quê lụa”. Trong giàn giụa nước mắt, giọng hát cất lên tươi sáng: “Ánh mắt long lanh trời đất Hà Tây tay em dệt lụa. Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Phủ Cháy, hồn thơ Nguyễn Trãi... Hà Tây...” của bà đã làm rung động tất cả mọi người có mặt trong căn hầm thương binh hôm ấy. Khi mà ngoài trời pháo sáng chăng đầy, tiếng đại bác địch cầm canh từ Cồn Tiên, Dốc Miếu vọng sang nghẹn thở. Bài hát kết thúc, và người chiến sĩ trẻ ấy đã ra đi vĩnh viễn, nhẹ nhàng, thanh thản...

 Ảnh minh họa

 Đội Tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 270 giới tuyến biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân

Nổi tiếng tài sắc một thời, bà Lê Thị Bích Nồng nguyên là diễn viên của Đội Tuyên truyền văn hoá Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến trong những năm chiến tranh. Nhập ngũ năm 17 tuổi, bà đã đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc với những kỷ niệm bi hùng, không thể nào quên. Đó là những lần đứng hát trong chiến hào, giữa mưa bom, bão đạn, một mảnh đạn nhỏ găm vào cánh tay, bà vẫn tiếp tục biểu diễn sau khi được đồng đội băng bó vết thương. Hay những lần cùng đồng đội bò vào tận đồn địch, mắc loa lên hàng rào kẽm gai kêu gọi binh lính địch quay súng trở về với cách mạng. Lại có lần toàn đội binh vận của bà bị máy bay trinh sát L19 truy đuổi suốt một ngày hè nắng chang chang trên cánh đồng cát trắng Xuân Mỵ (Gio Linh). Tháng 5 năm 1969, bà được vinh dự là đại biểu những chiến sĩ– nghệ sĩ Vĩnh Linh ra Hà Nội báo công và được gặp Bác Hồ. Bà được Bác cho kẹo, và đã hát cho Bác nghe, những bài “Tương tư khúc”, “Lý chuồn chuồn”, “Lý năm canh”, “Hò ru con”... Đó là niềm tự hào, vinh dự to lớn của cuộc đời bà.

Cũng vào năm 1969, Bộ Văn hoá, Chính phủ tổ chức đoàn văn nghệ đại diện cho phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của nước ta sang biểu diễn ở các nước bạn Trung Quốc, Triều Tiên, CHDC Đức. Khu vực giới tuyến Vĩnh Linh có 6 thành viên tham gia. Đoàn được triệu tập ra Hà Nội tập luyện chương trình trước 1 tháng dưới sự chỉ đạo của Đoàn trưởng – nhạc sĩ Phạm Đình Sáu. Tại Trung Quốc, Đoàn được nhân dân nước bạn cổ vũ nhiệt tình, một ông già nguyên là chiến sĩ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã xúc động nói: “Xem các đồng chí biễu diễn, tôi biết Việt Nam nhất định sẽ thắng Mỹ!”. Trước khi rời Bắc Kinh, đoàn được Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tặng một khẩu súng trường CKC. Bà Nguyễn Thị Ngoan được vinh dự thay mặt cả đoàn lên nhận. Khẩu súng này nay được đặt trang trọng trong Nhà truyền thống xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị)...

Bây giờ, gặp lại những người của một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, họ rưng rưng xúc động, bồi hồi nhớ kỷ niệm xưa, về đồng đội người còn, người mất. Tất cả họ đã từ lâu rời khỏi sàn diễn, rời khỏi ánh đèn sân khấu, trở về làm lụng nuôi con, chăm sóc gia đình. Họ đã già, tóc đã bạc, cuộc sống dẫu còn nhiều nhọc nhằn, vất vả, nhưng họ vẫn hát: Bà Lê Thị Bích Nồng, Nghệ nhân Ái Chủng dạy dân ca cho các trường học trong vùng, giúp các đội văn nghệ địa phương xây dựng chương trình văn nghệ, biểu diễn phục vụ bà con nhân dân. Trên vùng đất giới tuyến năm xưa vẫn vang lên lời ca tiếng hát của những người một thời “Tiếng hát át tiếng bom”.

Theo báo: QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video