Hạt gạo xanh từ tấm lòng nhân ái

01/10/2013
Chúng tôi hẹn gặp chị vào đúng một chiều mưa to như trút nước. Khi tìm được đến nhà chị, chúng tôi ướt như chuột lột. Mở cửa, hối hả giục chúng tôi vào nhà cho đỡ lạnh rồi chị bê ngay ra cho chúng tôi mấy cốc trà to, nóng bốc hơi nghi ngút…

Đang run lên vì lạnh, uống 1 ngụm trà, tôi thấy thật tỉnh táo, dễ chịu. Hương vị của loại trà này thật đặc biệt, thoáng giống như vị nước gạo rang mẹ làm để bù nước cho tôi khi tôi bị đau bụng, tiêu chảy hồi còn nhỏ nhưng trà của chị thơm và ngậy hơn. Đoán tôi tò mò, chị mỉm cười bảo: Đây là trà gạo lức, một trong những sản phẩm của công ty chị hiện nay.

Chị là dược sĩ Hoàng Thị Kim Dung, Phó giám đốc công ty TNHH Virice, một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng sạch từ gạo lức. Ấn tượng của tôi về chị là một người phụ nữ dịu dàng, mặn mà ở tuổi trung niên. Trò chuyện với chị còn cho tôi cảm nhận về một tâm hồn nhân hậu, phảng phất tư tưởng thiện, nhẫn của Phật giáo.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng giàu truyền thống, thời thơ ấu của chị Dung gắn với những kỷ niệm chiến tranh, nghèo khó và bao cấp. Chị nhớ như in hình ảnh bà nội với cái nồi cơm nấu trong điều kiện thiếu nhiên liệu, mất cả 2 tiếng mới chín và trở thành món cháo nhão rất kinh khủng. Chị cũng nhớ không biết bao lần, mẹ chị bế các em nhỏ mồ côi mà bà gặp ở ngoài đường về nhà, cho ăn, nuôi các em trú ngụ đến khi chúng được người thân tìm đến đón đi hay được gửi vào trại trẻ mồ côi…

Khi đã trưởng thành, chị lại nhớ hình ảnh về những cơn bão, có các cụ già, em nhỏ bơi lõm bõm dưới nước để đón những thùng mì tôm cứu trợ từ máy bay thả xuống. Rồi họ phải nhai mì tôm khô giữa bốn bề nước nổi…. mà Việt Nam vốn là một đất nước thường xuyên phải hứng chịu sự thịnh nộ của thiên nhiên.

Chị bảo, những hình ảnh đó đi theo, ám ảnh và day dứt chị, thôi thúc chị tìm ra sản phẩm đáp ứng điều kiện đặc biệt, cung cấp lương thực cho bà con trong cảnh màn trời, chiếu đất và chẳng có gì để nấu nướng, để ăn. Đó là cái duyên dẫn chị đến với ước mơ làm ra sản phẩm tiện ích từ hạt gạo. Gạo lức huyết rồng đã ra đời như thế. Chị âu yếm gọi sản phẩm của mình là “lương thực dành cho thảm họa”. Khi mang sản phẩm sang giới thiệu ở Nhật Bản, một đất nước chịu nhiều tai họa từ động đất nên đã sản xuất ra lương thực dành cho động đất, các chuyên gia người Nhật khi đọc dòng chữ giới thiệu sản phẩm của chị đã rất ấn tượng, hứng thú với cách gọi này. Chị giải thích với bạn: đất nước Nhật Bản, thiên tai gắn với động đất là chủ yếu, nhưng ở Việt Nam, chúng tôi phải hứng chịu bão tố, lũ lụt, hỏa hoạn và nhiều thảm họa khác vì thế, tôi gọi sản phẩm của tôi là “lương thực dành cho thảm họa”.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại ngày càng đầy đủ, thậm chí dư thừa dinh dưỡng nhưng lại thiếu an toàn, nhiều hóa chất bảo quản độc hại dẫn đến một loạt bệnh tật của cư dân thành thị nói riêng, cộng đồng nói chung cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ và tạo động lực để chị Dung cùng các đồng nghiệp không ngừng nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm phẩm thực phẩm với công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gạo lức huyết rồng ăn liền ViRice là sản phẩm đã qua quá trình xử lý nảy mầm để đạt dinh dưỡng cao nhất của hạt gạo, tạo hạt và làm chín với kỹ thuật tiên tiến giúp hạt gạo không bị mất đi dinh dưỡng như trong khi đun. Sản phẩm hiện đã có mặt ở thị trường, trên kệ của các siêu thị, được nhiều người biết đến.

Muốn nâng cao hơn giá trị hạt gạo Việt Nam, chị Dung đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để mang nhiều giá trị dinh dưỡng hơn, nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng. Sản phẩm gạo xanh (green rice) đã được cải tiến với công đoạn bổ sung vi chất từ rau củ như tảo biển, cà rốt, cà chua… Tôi tò mò hỏi chị, làm sao có thể đưa rau xanh vào hạt gạo được? Chị dịu dàng giải thích: cũng vẫn là từ hạt gạo lức giữ nguyên lớp lụa giàu vitamin, qua các công đoạn xử lý ủ cho hạt gạo nảy mầm, cựa phôi để tạo dinh dưỡng rồi đánh vỡ ra, trộn với bột rau, củ sau đó tạo hạt, làm chín với công nghệ kỹ thuật hiện đại.

Điều mà chị Dung và đồng nghiệp rất tự hào, đó là các sản phẩm của chị không dùng bất cứ một loại hóa chất bảo quản nào. Trong điều kiện bình thường gạo là loại lương thực có thời hạn sử dụng ngắn, đòi hỏi các công đoạn bảo quản rất nghiêm ngặt, đặc biệt với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam lại càng khó hơn. Chị Dung cho biết, các sản phẩm của chị có thời gian sử dụng dài hơn là do độ ẩm trong hạt gạo rất thấp chi dưới 7% ( gạo bình thường có độ ẩm là 13,5-14,5%) do đó có thể bảo quản được trên 1 năm mà chất lượng vẫn đảm bảo. Không chỉ thích hợp khi dùng làm thực phẩm chức năng cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp cho người bị bệnh tiểu đường, người ốm, người cần ăn kiêng, sản phẩm gạo lức huyết rồng và gạo xanh của chị còn đặc biệt phù hợp với vùng biên giới, hải đảo, vùng xảy ra thiên tai, thảm họa. Do bỏ qua thời gian đun nấu nên lưu giữ được hầu hết dinh dưỡng, vitamin có trong gạo và rau đồng thời còn tiết kiệm năng lượng và hạn chế lượng carbon dioxit thải ra trong quá trình đun nấu.

Từ sản phẩm của chị, người tiêu dùng chỉ với chi phí khoảng 10 ngàn đồng là đã có 1 bữa ăn có giá trị dinh dưỡng và năng lượng tương đương với một suất cơm bình dân trị giá 20 ngàn đồng. Đặc biệt, đối với các vùng thiên tai, sản phẩm của chị chỉ cần cho vào nước sạch ở mọi nhiệt độ ngâm từ 7- 10 phút là được cơm ăn. Thậm chí, khi không có nước sạch, có thể dùng gạo ăn liền như gạo rang trên thị trường.

Chị Dung vui mừng “khoe” với chúng tôi, vừa qua chị đã mang sản phẩm gạo xanh của mình đi tham dự cuộc thi Ngày Phụ nữ Sáng tạo Việt Nam 2013 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng thế giới và cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức và sản phẩm của chị đã vinh dự được là 1 trong 38 sản phẩm sáng tạo được Ban tổ chức lựa chọn để trưng bày tại triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, 83 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam tháng 10/2013.

Chị chia sẻ, do điều kiện tài chính của công ty còn hạn hẹp cộng với ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế nên công ty chị đã chọn cách quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm và theo kiểu “vết dầu loang” (người sử dụng giới thiệu cho nhau) và đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, nhất là những bệnh nhân có bệnh mãn tĩnh như tiểu đường, tim mạch, viêm khớp...

Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước về thông tin tuyên truyền cũng như tạo điều kiện cơ sở vật chất cho những sản phẩm có tính sáng tạo vừa lợi cho người tiêu dùng vừa khuyến khích doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, mang lại lợi ích cho xã hội.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video