Hát Soọng cô trong đám cưới của người Sán Dìu

06/03/2018
Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo của người Sán Dìu ở Việt Nam. Nó là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống thường ngày được thể hiện qua lời hát, là môi trường gìn giữ văn hóa tộc người. Đặc biệt là trong hôn lễ, làn điệu này không thể thiếu từ khi giao duyên cho tới lúc đám cưới kết thúc.

Người Sán Dìu mê đắm làn điệu Soọng cô

Soọng cô là một thể loại hát ví đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Dìu từ bao đời nay. Lời ca và giai điệu của Soọng cô không hề khô cứng mà lại mềm dẻo đầy sức lan tỏa, diễn đạt tâm tư tình cảm của người hát mê đắm lòng người. Theo tiếng Sán Dìu thì Soọng có nghĩa là hát, còn cô nghĩa là ca, Soọng cô có thể hiểu là hát ca. Tùy trong từng hoàn cảnh mà Soọng cô được diễn sướng theo các cách hát khác nhau.

Với mỗi một tộc người đều có nhiều làn điệu hát để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình trong từng hoàn cảnh cụ thể, với người Sán Dìu cũng vậy. Người Sán Dìu có hát ru con, hát tìm hiểu nhau, hát tỏ tình, hát trong đám cưới… tất cả các điệu hát này đều được gọi chung là hát Soọng cô, tức là cứ cất lên tiếng hát thì đó chính là Soọng cô.

Ngoài thời gian lao động sản xuất, người Sán Dìu hát giao duyên bên bờ suối, là những bài hát được thể hiện trong lúc thanh niên nam nữ của hai hay nhiều làng đứng ở bờ suối - nơi được coi là ranh giới phân định giữa các làng vào những đêm sáng trăng, đối đáp với nhau, qua đó thể hiện tình cảm của mình qua những lời hát. Ngoài ra thì người Sán Dìu còn được phép vào nhà hát để trai gái tâm tình, tìm hiểu nhau. Con trai người Sán Dìu 15 - 16 đã được học hát Soọng cô, ban đầu theo hình thức so giọng, truyền miệng, đi theo những người anh nhiều tuổi học hát để phục vụ cho mục đích hát giao duyên sau này.

Ví dụ một số làn điệu Soọng cô thường gặp khi trai gái gặp gỡ nhau: “Xin phép chủ nhà/ Xin phép chàng trai (cô gái)/ Xin phép gia đình yên tâm ngủ/ Để con trai con gái giao duyên với nhau”.

Hát giao duyên thể hiện nỗi nhớ nhung của chàng trai, cô gái khi đang yêu: Tóong lóong cô (nhớ anh, nhớ nàng): “Nhớ anh lắm lắm anh ơi/ Nhớ đêm không ngủ nhớ ngày không ăn/ Nhớ anh cơm chẳng buồn ăn/ Hai bên tay áo ướt đầm như mưa”.

Bên cạnh những bài hát giao duyên còn là những tiếng nói của đôi trẻ khi yêu nhau nhưng bị các thế lực ngăn cấm: “Cách sông cách núi cũng không ngại/ Trăm sông nghìn đèo rất là khó/ Nghe tiếng hát nhưng không sang được/ Cách sông cách núi hái hoa rất khó”.

 
Qua lời ca câu hát khi đã tìm được người tâm tình hợp với ý mình thì chàng trai người Sán Dìu về thưa chuyện với cha mẹ mình tới nhờ người làm mối (moi nhin). Người làm mối phải là người nhà của cả chàng trai và cô gái, phải là người vợ chồng song toàn, ăn nói hoạt bát và có uy tín. Nhận lời đề nghị của nhà trai người làm mối sẽ mang 10 quả cau, 10 lá trầu sang nhà gái để ngỏ lời và xin lá số (mun nghen dang) của cô gái. Thông thường ở lễ dạm hỏi chỉ một mình người làm mối đi tới nhà gái để thay mặt nhà trai hỏi ý kiến của nhà gái về cuộc hôn nhân của hai người. Nếu nhà gái bằng lòng thì có thể đưa cho ông mối lá số của cô gái bao gồm ngày, tháng, năm sinh để về tiến hành so tuổi cho chàng trai và cô gái xem có hợp nhau không.

Hát Soọng cô trong đám cưới của người Sán Dìu

Khi đôi lứa xứng đôi thì tiếng hát Soọng cô lại vang lên trong lễ cưới. Người Sán Dìu quan niệm rằng, trong đám cưới của họ có thể thiếu lợn, thiếu gà, thiếu rượu nhưng nhất định không thể thiếu tiếng âm vang của Soọng cô.

Theo phong tục khi nhà trai đến rước dâu thì bên nhà gái mang những chiếc ghế để ở cửa ra vào cùng một ấm trà pha sẵn và một vài miếng trầu đã têm để hát nghênh tiếp. Ngụ ý của việc này là nhà trai phải hát đúng những câu hát của nhà gái đưa ra thì mới được mời vào nhà, nó như một sự thử thách cuối cùng đối với chú rể và họ hàng nhà trai.

Nhà gái hát: “Trong nhà có bàn ghế/ Cũng có lá trầu cùng với cau/ Hôm nay trong nhà có đám cưới/ Chị em ra đón tiếp nhà trai”.

Nhà trai đáp lại: “Có bàn có ghế ngáng lối đi/ Trai mang lợn bé lối không thông/ Cũng có trầu cau bổ làm bốn/ Chị em bỏ ghế đón nhà trai”.

Nhà gái lại hỏi lại: “Cất lên tiếng hát hỏi nhà trai/ Hôm nay đem đến lễ lạt gì?/ Có lễ gì để cúng tổ tiên?/ Mừng duyên trai gái và hai họ”.

 
Nhà trai cứ thế đáp lại lần lượt những câu hỏi của nhà gái đưa ra, họ mời nhau uống nước, ăn trầu và khi nhà gái cảm thấy thỏa mãn yêu cầu thì bỏ ghế để mời nhà trai vào nhà.

Tiếp đó đến màn hát khai hoa tửu (Soọng cô hoi va chíu) gọi là lễ xin phép nhà gái làm lễ cúng tổ tiên và đón cô dâu về nhà.

Nhà gái hát: “Hát lên tiếng hát hỏi nhà trai/ Tại sao có quả trứng thần tiên/ Trứng thần tiên xâu hai sợi chỉ/ Cũng nhớ ơn tổ tiên hai họ”.

Nhà trai đáp rằng: “Cúng tiếng hát Khai Hoa Tửu/ Trứng thần tiên kết mối lương duyên/ Hai sợi chỉ xuyên qua đôi trứng/ Trình bền đẹp tổ tiên xe duyên”.

Không những thế tiếng hát Soọng cô còn được vang lên khi cô dâu bước chân về nhà chồng và trong nhiều nghi lễ khác trong đám cưới.

Đám cưới là một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mỗi một người Sán Dìu, qua trình tự những câu hát ta có thể thấy được sự hiện diện của từng lời hát tiêu biểu trong mỗi nghi lễ của đám cưới. Mỗi nghi lễ lại mang một ý nghĩa riêng và mỗi lời hát Sán Dìu lại mang ý nghĩa riêng phù hợp với nghi thức./.

langvietonline.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video