Hậu Giang: Mô hình hoạt động Hội

03/01/2019
- Ra mắt câu lạc bộ “3 sinh, 2 không”
- Hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn
- Ra mắt câu lạc bộ “3 sinh, 2 không”

Hội LHPN tỉnh Hậu Giang phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh tổ chức ra mắt 16 câu lạc bộ điểm “3 sinh, 2 không” với 480 thành viên là các bà, các mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa sinh đủ 2 con và nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia.

Mô hình được thành lập nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là việc thực hiện bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Từng bước làm thay đổi hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ theo hướng không phân biệt giới tính; Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực thi quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Câu lạc bộ “3 sinh, 2 không” với ý nghĩa 3 sinh là: Sinh con không mắc dị tật bẩm sinh, Sinh đủ 2 con, Sinh khoảng cách giữa 2 lần sinh an toàn; 2 không là không phân biệt giới tính và không lựa chọn giới tính thai nhi. Câu lạc bộ hoạt động tạo thành phong trào hành động cho mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu ý nghĩa và lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám định kỳ, sàng lọc trước và sau sinh, góp phần sinh con an toàn, không bị dị tật, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, qua đó nhân rộng mô hình “3 sinh, 2 không” ra toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn

Mô hình được Hội LHPN xã Long Trị triển khai nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, vận động hội viên, phụ nữ tích cực bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tham gia mô hình, chị em được hướng dẫn cách xử lý rác thải gia đình theo từng loại rác nhằm bảo vệ môi trường. Các loại rác hữu cơ như: lá cây, vỏ rau củ, rác sinh hoạt bỏ vào hố chôn để làm phân bón; rác vô cơ như bao bánh kẹo để đốt; các loại vỏ chai, túi ni-lông có thể bán được sẽ được gom lại để bán phế liệu.

Chị Phạm Thị Hương, ở ấp 1, xã Long Trị, cho biết: “Ở khu vực nông thôn không có xe thu gom rác, trước đây gia đình tôi không phân loại mà gom chung rác để vứt xuống hố ở nhà để lấp. Từ những buổi sinh hoạt được nghe cán bộ Hội tuyên truyền, hướng dẫn và bắt tay vào thực hiện, tôi và gia đình đã hiểu hơn lợi ích của việc phân loại rác ngay tại nhà. Vì thế, giờ mỗi khi đi chợ về, tôi đều phân loại ra, những loại không thể phân hủy, hoặc không thể tái sử dụng, gia đình sẽ đem đốt, những loại rác có thể tái chế như chai lọ nhựa, giấy, kim loại… được bỏ riêng, bán lấy tiền”.

Theo Hội Phụ nữ xã Long Trị, hiện nay hầu hết các chị em trong xã đều tham gia mô hình nên góp phần giải quyết được phần nào tình hình rác thải ở khu vực nông thôn. Với những kết quả đạt được, đầu năm 2018, chi hội phụ nữ ấp 1 đã xây dựng mô hình “Tiết kiệm từ rác thải các vỏ chai, túi ni-lông, giấy vụn mua bảo hiểm y tế cho hội viên gặp khó khăn”. Số tiền thu được gom lại để giúp đỡ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Phan Thị Thanh Hương, chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp 1, cho biết: Các chị em hưởng ứng tích cực và còn hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình tham gia, tạo thói quen phân loại rác trong gia đình, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, không chỉ ở nhà mà đi bất kỳ nơi đâu đều phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trước tinh thần của các chị em, năm nay chúng tôi đã vận động chị em dùng số tiền tích góp được từ việc bán phế liệu để hỗ trợ phần nào cho các chị có hoàn cảnh khó khăn và được chị em nhất trí cao”.

Từ nguồn quỹ này, đến nay đã có 6 lượt chị em được mua bảo hiểm với tổng trị giá 1,2 triệu đồng, góp phần chia sẻ, động viên hội viên nghèo mà còn tạo sự gắn kết, tích cực tham gia hoạt động Hội. Chị em trong tổ còn phát động thi đua, ai chăm sóc nhà cửa, bếp núc, giữ gìn nhà sạch đẹp sẽ được chị em tôn vinh, khuyến khích bằng các hình thức khen thưởng của tổ.
Song Vy, Thanh Thúy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video