Hậu phương của những thương, bệnh binh nặng

16/12/2020
Chăm sóc các thương, bệnh binh nặng khi trở về địa phương là những người vợ tảo tần, chịu khó. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, những người vợ lặng lẽ sống, tận tụy chăm sóc chồng từng bữa cơm, giấc ngủ, nhất là những cơn đau khi vết thương của các anh tái phát mỗi khi trái gió, trở trời.
Bà Vũ Thị Hạt ở số nhà 5N, ô 19, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người chồng thương binh nặng Vũ Đình Thụ.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Trong số hàng vạn đối tượng chính sách của tỉnh, nhiều thương, bệnh binh nặng trở về cuộc sống đời thường vẫn mang trên mình thương tích gây đau đớn về thể xác, tâm trí. Trực tiếp chăm sóc các thương, bệnh binh nặng khi trở về địa phương là những người vợ tảo tần, chịu khó. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, những người vợ lặng lẽ sống, tận tụy chăm sóc chồng từng bữa cơm, cốc nước, nhất là những cơn đau vết thương tái phát của các anh mỗi khi trái gió, trở trời.

Hơn 6 năm nay, bà Vũ Thị Hạt, 66 tuổi ở số 5N, ô 19, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) là vợ thương binh nặng Vũ Đình Thụ bị mất sức lao động 81% không có một giấc ngủ yên giấc bởi hàng đêm ông luôn la hét. Bà Hạt cho biết, trước kia ông Thụ dù là thương binh nặng về thần kinh, trên hộp sọ vẫn còn mảnh đạn nhưng vẫn đi lại bình thường, tự lo việc ăn uống vệ sinh. Tuy nhiên, năm 2014 ông Thụ bị tai biến mạch máu não dẫn đến thần trí không ổn định. Từ đợt đấy, ông ít đi lại, cuộc sống cứ luẩn quẩn từ giường rồi tới ngồi xe lăn; vệ sinh cá nhân, ăn uống đều diễn ra tại chỗ. Mỗi khi thời tiết thay đổi, ông Thụ luôn miệng la hét, bà luôn động viên, xoa bóp để làm dịu cơn đau.

Hiện tại, cuộc sống cả nhà đều trông vào trợ cấp thương binh nặng 6,6 triệu đồng/tháng của ông nhưng cũng phải rất tằn tiện chi tiêu, bởi tiền thuốc men rất tốn kém. Năm nào ông cũng phải lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 ở Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh để khám, điều trị. Con gái lớn lấy chồng xa, con gái út thì cũng bệnh tật nên chưa giúp gì nhiều. Trước những lời chửi bới, la hét của chồng mỗi khi phát bệnh, bà Hạt thương chồng hơn, lặng lẽ chăm sóc ông...

Cũng hơn 50 năm làm “hậu phương” cho chồng là Trần Quang Thùy thương binh nặng 81% ở đường Giải Phóng, phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) nhưng hàng xóm chưa bao giờ thấy bà Phùng Thị Chắt kêu ca, than vãn điều gì về chồng mình. Trong thời gian ở chiến trường, ông Thùy bị thương ở tay, chân và đầu, 2 mắt đều bị mờ gây cho ông đau đớn, nhất là khi thời tiết thay đổi. Ông thường xuyên nhập viện; khi thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi thì Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...; đợt điều trị ngắn thì vài ngày, nhưng cũng có đợt đến cả tháng. Bà Chắt cho biết: “Ông cứ lên đường vào viện ngày nào là tôi khăn gói đi cùng ngày ấy. Cũng may, ông vẫn tự đi lại bằng nạng và xe ba bánh được nên tôi cũng đỡ vất vả”. Không chỉ lo sức khỏe cho chồng, bà Chắt còn giúp ông nuôi dạy con cái trưởng thành cũng nhờ “hậu phương” vững chắc đã giúp thương binh Nguyễn Quang Thùy đảm nhiệm tốt nhiệm vụ chủ nhiệm CLB thương binh nặng thành phố Nam Định. Dưới sự dẫn dắt của ông, cả 88 hội viên của CLB đều luôn nỗ lực, cố gắng rèn luyện, sống lạc quan, nghĩa tình, xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành những công dân gương mẫu cho con cháu và nhân dân ở khu dân cư noi theo.

Cùng với chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, sự hy sinh thầm lặng của những người vợ và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tạo động lực cho những thương binh, bệnh binh nặng vượt lên khó khăn. Theo thống kê của Ban liên lạc thương binh nặng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 974 hội viên bị mất sức lao động từ 81% trở lên, trong đó có nhiều thương binh nặng mất sức lao động trên 95%, không còn khả năng lao động. Qua từng năm, tuổi tác của các thương binh nặng ngày càng cao. Bên cạnh những vết thương trong chiến đấu, nhiều thương binh còn mắc thêm các bệnh nội và ngoại khoa, nhiều nhất là liên quan đến huyết áp, tim, gan, thận...

Với tình cảm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn duy trì và thực hiện tốt chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng, trong đó có nhiều thương binh nặng được khám, chữa bệnh phục hồi chức năng, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên và các trợ cấp khác đảm bảo đầy đủ, chính xác, đến tận tay đối tượng. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phường, xã, thị trấn thường xuyên rà soát, tổng hợp các đối tượng người có công, trong đó có thương binh, bệnh binh hiện đang ở trong ngôi nhà đã xuống cấp, hư hại nặng để tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà mới giúp họ ổn định cuộc sống. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày Tết Nguyên đán... hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các thương binh nặng đang sinh sống ở các huyện, thành phố, những người đang điều trị bệnh tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh trong và ngoài tỉnh. Cùng với sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều đơn vị, phòng khám, bệnh viện và cơ quan, đoàn thể, trong tỉnh đã hỗ trợ kinh phí thăm hỏi tặng quà thương binh. Từ năm 2008, Công ty cấp nước sạch Nam Định đã hỗ trợ các thương binh nặng của thành phố Nam Định mỗi người được sử dụng miễn phí 3m3 nước/tháng cho đến khi qua đời. Phòng khám Hoàng Hoa Thám thuộc Công ty cổ phần Y tế Việt Nam thường xuyên tổ chức khám bệnh cho thương binh nặng; đến tận nhà khám cho những thương binh không đi lại được. Vừa qua Bệnh viên Đa khoa tỉnh đã cấp thẻ ưu đãi đặc biệt cho các thương binh nặng trong tỉnh. Thương binh Nguyễn Văn Boong ở 47 Vũ Ngọc Phan, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) cho biết: Trước kia, mỗi khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chúng tôi đều phải thực hiện đủ các quy định, mệt mỏi nhất là khâu xếp hàng. Với thương binh nặng đang mang trong mình nhiều bệnh tật, hầu như tháng nào cũng phải đi khám thì quá vất vả. Việc bệnh viện linh động giải quyết giảm khâu thủ tục cho thương binh khiến chúng tôi rất cảm động”.

Cuộc sống còn nhiều gian nan, nhất là với những thương, bệnh binh nặng. Song vượt lên nỗi đau về thể xác, họ vẫn có niềm tin sắt son vào cuộc sống bởi đằng sau họ luôn có những hậu phương vững chắc, là đôi bàn tay ấm áp, tình yêu thương của người bạn đời, là sự tri ân, quan tâm của toàn xã hội. Chính điều đó đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh, hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn.

baonamdinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video