Hãy đến với xóm "mồ côi" Viên Thành (Yên Thành -Nghệ An )

03/08/2008
Xóm nghèo và buồn hắt hiu như tên gọi của nó. Đây là nơi sinh sống của những người phụ nữ đã đi qua chiến tranh. Tuổi xuân của các chị đã gửi lại một thời quân ngũ. Bây giờ họ quá lứa, lỡ thì, chấp nhận tủi buồn, nương tựa vào nhau trên miền sơn cước

Nơi ấy, những đứa trẻ sinh ra không một lần được gọi tên bố. Mảnh đất mà họ định cư còn có một tên gọi khác-Làng Lòi…

Xóm “mồ côi” có tất cả 30 hộ, chủ hộ là những người phụ nữ quá lứa, lỡ thì sống âm thầm, lặng lẽ với phận nghèo đeo đẳng mấy chục năm qua.

Hơn 30 năm về trước, các chị xuất ngũ trở về quê hương, gửi lại tuổi thanh xuân của mình ở các binh trạm, cung đường Trường Sơn heo hút. Sau chiến tranh, số trai làng ra đi trở về quê hương chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Biết không thể so bì với các cô thôn nữ tuổi vừa mới lớn nên họ chấp nhận lỡ thì. Sự cảm thông cùng nỗi cô đơn giúp họ gắn kết với nhau, 30 cô gái thanh niên xung phong thuở nào lên lập nghiệp ở xã miền núi Viên Thành (Yên Thành, Nghệ An). Thời gian tàn nhẫn tước mất khát vọng làm vợ, làm mẹ của họ. Cuộc sống miền quê bán sơn địa thuở khai thiên, mở đất còn bộn bề bao nỗi gian truân, theo đó là những lời o­ng, tiếng ve. Chiến tranh đã đi qua 1/3 thế kỷ, vậy mà những đứa trẻ không cha được ra đời nhằm khỏa lấp sự trống trải, cô đơn của mẹ chúng vẫn ngày ngày đến trường trong sự thiếu thốn đến cùng cực…

Tâm sự với chúng tôi về xóm “mồ côi”, ông Nguyễn Hữu Sáu-Chủ tịch UBND xã Viên Thành nói: “Thấy họ tội như rứa nhưng xã tôi còn nghèo quá, chỉ giúp đỡ được phần nào…”. Men theo con đường bập bõm lốt chân trâu, chúng tôi về nhà chị Hoàng Thị Lan ở cuối xóm. Đã một thời làm chủ tịch MTTQ xã nhưng số phận của chị cũng chẳng khác mấy những người phụ nữ còn lại trong xóm “mồ côi”. Bên ngôi nhà tồi tàn, rách nát chẳng còn thứ gì đáng giá, chị Lan kể: “Tôi đi bộ đội từ năm 1968. Hồi đó, tôi trẻ trung và nghịch ngợm nên cả binh trạm ai cũng quý mến”. Được biết, những năm tháng ở Trường Sơn, chị cũng có một tình yêu. Anh ấy quê Hà Tĩnh, công tác tại một trung đoàn vận tải. Chiến tranh ly tán, anh chị mất liên lạc. Ngày thống nhất, chị trở về thì anh đã có vợ con đề huề. Gần tuổi “lục tuần”, vậy mà khi kể về tình yêu, sắc mặt chị bừng sáng như sống lại tuổi 20. “Bây giờ anh ấy đã có gia đình rồi, nhắc lại chỉ thêm buồn…”. Tâm sự với chúng tôi nhưng thỉnh thoảng chị lại nhìn lên tấm ảnh người đàn ông trên tường rồi lại nhìn ra cửa-phía xa xăm, mắt ngấn lệ. Trong một lần hiếm hoi vào Hà Tĩnh thăm đồng đội, khi biết tin anh đã có gia đình, chị nhờ người xin lại tấm hình hai người chụp chung với nhau trong thời chiến, rồi gạt nước mắt, đón xe đò quay ra Nghệ An.

Xã miền núi Viên Thành vốn từ xưa đến nay đã nghèo, xóm “mồ côi” lại càng nghèo hơn. Căn nhà không có bóng đàn ông càng thêm trống trải. Chị Lan về ở với người em trai và 4 đứa cháu không được học hành chu đáo. Số phận em trai chị cũng chẳng hạnh phúc gì khi vợ bị lừa bán sang Trung Quốc đã hơn 10 năm nay mà vẫn bặt vô âm tín. Chị Lan được coi là may mắn hơn số chị em còn lại ở xóm “mồ côi” vì còn có một thời làm cán bộ xã, được tiếp xúc nhiều với xã hội. Còn cuộc đời chị Nguyễn Thị Xuân cám cảnh hơn nhiều. Trong bộ cánh cũ phong phanh, tuổi 50 mà trông chị khắc khổ như bà lão 70. Chị kể: “Hồi mới ở chiến trường về, tôi gầy yếu mà xanh xao vì sốt rét. Được cha mẹ động viên, suy đi tính lại mãi, tôi xin một đứa trẻ về nuôi. Năm ngoái, cha tôi ốm thập tử nhất sinh phải đi viện mổ đến hai lần mới đỡ, bây giờ ông yếu lắm…”. Mặc dù đau ốm liên miên, nhưng chị Xuân vẫn nhận 4 sào ruộng khoán để nuôi cha già, mẹ yếu và đứa con trai vào lớp 1. Nắng cũng như mưa, khi nào trong người bớt đau nhức là chị lại lam lũ việc đồng áng, cày cấy một mình. Khẽ quay mặt lau vội dòng nước mắt, chị nói: “Dành dụm chút tiền định mua cho con trai manh áo mới, nhưng nó biết ông bà ngoại và mẹ nghèo nên nó không chịu. Nó bảo để tiền mua thuốc cho ông. Tôi mong mình có sức khỏe để làm lụng nuôi con học hành chu đáo. Nếu không may tôi đổ bệnh thì biết lấy gì nuôi cha mẹ và con trai. Ngộ nhỡ tôi có mệnh hệ gì thì con trai bơ vơ không nơi nương tựa…”.

Dù còn nhạt muối, thiếu cơm nhưng chị Xuân còn có niềm mơ ước. Còn chị Trần Thị Loan thì chẳng còn gì để mà trông đợi. Một mình côi cút trong gian nhà tuềnh toàng do anh trai dỡ chái bếp của mình dựng tạm cho chị sau khi xuất ngũ trở về quê hương. Một gian nhà chật chội mà chị vẫn thấy rộng mênh mông. Trao đổi với chúng tôi, chị Loan nói trong nghẹn ngào nước mắt: “Dù khổ mấy tôi cũng ráng chịu đựng được, nhưng sống một mình lắt lay trong nỗi cô đơn, buồn tủi, nhiều lúc muốn quên sự đời nhưng đâu có được… Ngày xưa, hồi còn con gái, nhiều chàng trai dòm ngó nhưng tôi đâu có để ý gì, Tổ quốc gọi là xung phong lên đường. Đến ngày thống nhất trở về thì người ta đã có vợ con, tôi ở vậy chăm nuôi cha mẹ già. Được 3 năm thì cha mẹ tôi qua đời. Lúc đó tôi cũng muốn có một đứa con nhưng cứ nghĩ tới tương lai mờ mịt quá nên đành chôn chặt niềm đau. Bây giờ nghĩ lại càng xót xa thêm…”. Chị ngừng lời, đôi tay run run bưng ly nước sôi để nguội mời chúng tôi. Lúc này tôi mới có dịp quan sát căn nhà của chị, tất cả chẳng có gì đáng giá, vài cái nồi nhôm mất quai, dăm cái bát sứt, mấy chiếc thùng tôn méo mó… Chỉ có cây đèn pin chị giữ từ hồi còn ở Trường Sơn đến bây giờ là vật thiêng liêng nhất…

Chia tay Làng Lòi trong chiều nhạt nắng, gió từ núi thổi về rít từng cơn nghe não lòng. Các nhân vật nêu trong bài viết mới chỉ đại diện cho những mảnh đời đầy gian nan vất vả vì cuộc mưu sinh. Thân phận và số kiếp của họ gắn kết từng mảnh đời bất hạnh với nhau. Khổ sở là vậy nhưng các chị không hề kêu ca phàn nàn, bởi họ nghĩ mình còn may mắn hơn những người đã nằm lại trên các chiến trường khắp mọi nẻo đường đất nước… Giây phút các chị tạm biệt chúng tôi, có cả nước mắt lẫn nụ cười. Những giọt nước mắt tuôn rơi vì xót thương số phận, còn nụ cười là sự chờ mong khắc khoải, vì biết đâu khi bài báo này được đăng tải thì sẽ có những mạnh thường quân là đồng đội năm xưa, là những nhà hảo tâm tìm về…

Theo Phan Tiến
QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video