Hiệp thương lần 2: Tỷ lệ nữ ứng viên ĐBQH cấp Trung ương chỉ đạt khoảng 22%

18/03/2021
Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai vào sáng nay (18/3). Có 205 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, trong đó tỷ lệ nữ ứng viên được giới thiệu chỉ đạt khoảng 22%.
Bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương (bên trái); bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước (bên phải) cùng Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao đổi bên lề hội nghị

205 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết: Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử. Chính vì vậy, những việc này cần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1226, ngày 22/2/2021 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết: "Ngày 17/3/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển hồ sơ của 205 đại biểu ứng cử tới Mặt trận. Có thể đánh giá đến thời điểm này các công việc đang tiến hành theo đúng quy định, lịch trình thời gian đã đề ra".

Theo báo cáo, tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV là 207 đại biểu, đến 17h00 ngày 14/3/2021, các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 205 người.

Đặc biệt, 205/205 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá XV đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu. Đến nay chưa có trường hợp nào nêu các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đến người được giới thiệu ứng cử cần phải xác minh.

Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai vào sáng nay (18/3)

Lo ngại không đạt tỷ lệ nữ ứng viên ĐBQH theo quy định

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết: Qua rà soát sơ bộ danh sách 205 người ứng cử ĐBQH thuộc các cơ quan Trung ương thì tỷ lệ ứng cử viên nữ chỉ khoảng 22%. Trong khi đó, quy định đã đặt ra tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH đạt ít nhất là 35%. Cấp Trung ương chưa đạt tỷ lệ nữ ứng viên, thì ở cấp địa phương sẽ phải lo bù đắp số lượng nữ ứng viên còn thiếu cho đủ tỷ lệ theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ lo ngại số lượng ứng cử viên nữ sau hiệp thương lần 2 sẽ không đạt tỷ lệ theo yêu cầu. "Chúng ta mong muốn đạt được tỷ lệ 30% nữ ĐBQH từ rất lâu, nhưng vẫn chưa đạt được". Đợt bầu cử lần này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQ và các cơ quan có sự quan tâm để làm sao đạt được tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ ĐBQH như yêu cầu đã đặt ra.

iải đáp vấn đề này, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho biết: Vấn đề cơ cấu người ứng cử ĐBQH ở các cơ quan Trung ương như cơ cấu nữ, trí thức, dân tộc thiểu số, trẻ… có một số ý kiến cho rằng chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, số lượng ứng cử viên ĐBQH sẽ bao gồm cả khối Trung ương và khối địa phương. Đến Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 thì sẽ tính toán đến các yếu tố cơ cấu, tỷ lệ này.

Ông Hầu A Lềnh cho biết thêm: Tính đến ngày 18/3, theo báo cáo của các địa phương thì ứng viên ĐBQH cả Trung ương và địa phương là 1.084 người, đạt tỷ lệ 2,17 lần. Như vậy, vẫn còn dư địa rất lớn để tiếp tục sàng lọc và tính toán các cơ cấu ứng viên trên toàn quốc.

Tình hình giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV tính đến 17 giờ ngày 14/3/2021:

- Các cơ quan Đảng được phân bổ 10 đại biểu đã giới thiệu 11 người;

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước được phân bổ 3 đại biểu đã giới thiệu 3 người;

- Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương): Được phân bổ 133 đại biểu đã giới thiệu 130 người;

- Chính phủ, Cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Trưởng Bộ Công an): Được phân bổ 15 đại biểu đã giới thiệu 15 người.

- Đối với Lực lượng vũ trang, Quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng, binh chủng và lĩnh vực trọng yếu) được phân bổ 12 đại biểu đã giới thiệu 12 người;

- Bộ Công an được phân bổ 2 đại biểu đã giới thiệu 2 người.

- Tòa án nhân dân tối cao được phân bổ 1 đại biểu, đã giới thiệu 1 người;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao được phân bổ 1 đại biểu, đã giới thiệu 1 người;

- Kiểm toán Nhà nước được phân bổ 1 đại biểu, đã giới thiệu 1 người;

- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên được phân bổ 29 đại biểu đã giới thiệu 29 người.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video