Hiểu nhau để đồng hành

25/10/2009
Diễn đàn "Để nữ trí thức đồng hành với Hội" của Báo Phụ Nữ (khởi động từ số báo ra ngày 26/7/2009) đã thu hút sự quan tâm của nhiều nữ trí thức (NTT) và cán bộ Hội. Các ý kiến tham gia diễn đàn đã phần nào giải đáp những câu hỏi căn bản: Tại sao chưa đồng hành? Làm sao để đồng hành?

"Đồng hành" - một nhu cầu

Các ý kiến trên diễn đàn "gặp" nhau ở suy nghĩ: NTT vẫn có nhu cầu tham gia hoạt động Hội. Tiến sĩ Hồ Thị Minh Nguyệt (chủ nhiệm CLB NTT P.6, Q.Bình Thạnh) nhìn NTT dưới góc độ giới: "NTT trước tiên cũng là phụ nữ (PN), như bao PN khác. Các chị đều có nhu cầu xây dựng một mái gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, trở thành người hữu ích cho xã hội".

Bạn đọc Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: "NTT được trang bị chuyên môn một cách hệ thống, nhưng vẫn thiếu những kiến thức và kỹ năng trong đời sống gia đình, trong giao tiếp, ứng xử xã hội. Hội chính là tổ chức hỗ trợ họ mở rộng sự hiểu biết và nâng cao kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình hài hòa với hoạt động nghề nghiệp". Chị cũng cho rằng, NTT chiếm tỷ lệ không cao trong dân số, nên những chủ trương, chính sách dành cho số đông sẽ không thỏa được các nhu cầu và giải quyết được khó khăn của NTT.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (Thủ Dầu Một, Bình Dương) bộc bạch: "Chúng tôi cũng muốn có môi trường để trổ tài. Nếu Hội có mô hình tập hợp, có nhiều hoạt động cần sự đóng góp của NTT, chúng tôi sẽ vui vẻ và tích cực tham gia, vì thông qua đó, chúng tôi được góp sức, góp trí tuệ cho giới, cho cộng đồng và đồng thời cũng được thể hiện khả năng của mình".

Vì sao chưa đồng hành?

Bạn đọc Bùi Trân Phượng (ĐH Hoa Sen) nêu các nguyên nhân khiến NTT chưa đồng hành với Hội: "Bận rộn là nguyên nhân được nhiều người đưa ra và là nguyên nhân có thật. Tại sao phải dành tâm lực, thời gian cho sinh hoạt Hội, nếu chưa thấy điều gì thôi thúc?". Tuy nhiên, theo chị, "thời gian" chỉ là nguyên nhân "bề nổi". Cái chính là vì NTT ngại những sinh hoạt nhàm chán, nội dung áp đặt, hình thức sáo mòn, không bổ ích, không lý thú. Nhưng, nguyên nhân sâu xa chính là lòng tin: NTT chưa tin là sinh hoạt Hội cũng có phần dành cho mình, để mình có thể học hỏi, rèn luyện, kỹ năng".

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hà (trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh) "hờn": "Tôi sống ở quận 3 từ năm 1972 đến nay mà chưa biết mặt Hội trưởng PN của phường". Chị cho rằng, NTT không mặn mà với sinh hoạt Hội vì Hội cũng mang trong mình những "căn bệnh" của nhiều tổ chức, đoàn thể: bệnh thành tích, bệnh hình thức. Chị phân tích, những cuộc họp mang tính Nhà nước (của Hội) thường là những báo cáo thành tích dài ngoằng, có khi là quyết định này, thông tư nọ, những khẩu hiệu hô hào xa lạ với đời sống của chị em.

Những kiến nghị khả thi

Để NTT có thể tham gia hoạt động Hội, chị Bích Hồng đề nghị, các sinh hoạt Hội nên triển khai một cách cô đọng, hiệu quả, tránh kéo dài, gây lãng phí thời gian. Chị Nguyễn Thị Bích Huyền đề nghị, Hội cần làm mới, nâng tầm về trí tuệ trong các chủ đề hoạt động. Hội có thể cùng "làm" khoa học với NTT: đặt hàng đề tài cho NTT nghiên cứu, định hướng, tổ chức, tài trợ, bảo trợ, đồng thời chủ động đưa những ý tưởng, đề tài có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Chị Trần Mộng Thùy (Q.10) đề nghị Trung ương Hội phải liên kết chặt chẽ với Tổng LĐLĐ VN để đánh thức trách nhiệm tham gia hoạt động Hội của NTT- vốn là cán bộ, công chức, viên chức, tức là những "hội viên đương nhiên" của Hội PN (theo Điều lệ Hội).

Tiến sĩ Hồ Thị Minh Nguyệt thì tâm đắc mô hình CLB Nữ trí thức mà các cấp Hội đã thành lập dù số lượng hiện vẫn còn khiêm tốn. Chị Ngọc Điệp đề nghị nên xây dựng mô hình CLB theo lĩnh vực nghề nghiệp của NTT, như CLB văn nghệ sĩ, CLB nữ bác sĩ, nữ nhà báo, nữ luật sư, nữ giảng viên...

Theo Phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video