Hiệu quả bước đầu từ mô hình điểm “ Địa chỉ tin cậy” trong phòng chống bạo lực gia đình tại tỉnh Hà Nam

09/04/2013
Mô hình được Hội LHPN tỉnh Hà Nam phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cùng sự giúp đỡ của tổ chức CSAGA xây dựng và triển khai điểm từ năm 2011 nhằm giảm thiểu và phòng ngừa tác động tiêu cực của bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

4 xã Thanh Hương, Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm và Thanh Châu, Châu Sơn, thành phố Phủ Lý đã được lựa chọn để làm điểm với 02 mô hình là: 4 câu lạc bộ “Cùng chia sẻ” với 84 thành viên tham gia sinh hoạt và 04 “Địa chỉ tin cậy”. Sau 2 năm thực hiện cho thấy hoạt động của CLB Cùng chia sẻ đã có những kết quả đáng ghi nhận. Lúc đầu thành lập, CLB rất khó khăn trong việc thu hút thành viên với lý do chị em tự ti, mặc cảm và e ngại khi tham gia, sợ ảnh hưởng đến gia đình, danh dự… Nhưng sau một thời gian sinh hoạt, chị em tham gia đã thấy tự tin hơn; được chia sẻ, động viên, trao đổi những kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, về xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều chị đã biết cách giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình và tìm lại được hạnh phúc cho mình.

Đặc biệt là hoạt động của Địa chỉ tin cậy đã được cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng tham gia thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực. Từ khi thành lập đến nay, 4 địa chỉ tin cậy đã hỗ trợ và tư vấn pháp luật cho 11 đối tượng, trong đó 3 đối tượng bị bạo lực nghiêm trọng, trong đó phần lớn nạn nhân là phụ nữ bị chồng đánh đập, chửi mắng, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm… Một số chị em đã nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức CSAGA, từ Hội LHPN tỉnh. Điển hình như trường hợp chị Lê Thị Duyến, tổ 2, thôn Thượng, xã Thanh Châu bị chồng đánh vào mắt phải nằm viện điều trị. Chị đã được CSAGA và Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ kinh phí trên 1 triệu đồng, tổ chức thăm, tặng quà, hỗ trợ thuốc trong thời gian điều trị…

Tính hiệu quả của mô hình được đánh giá rõ nét thông qua nhận thức của đội ngũ bí thư, trưởng thôn xóm, các thành viên tổ hoà giải, công an viên khi tích cực phối hợp với Hội Phụ nữ tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra tại địa phương. Sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp tuyên truyền, vận động, hoà giải và xử lý các hình thức xử phạt theo pháp luật của các ngành, đoàn thể đã ngăn chặn kịp thời những hành vi của đối tượng vi phạm bạo lực gia đình tại cộng đồng và giúp các nạn nhân được an toàn trong mái ấm của mình.

Từ việc đánh giá hiệu quả của mô hình này, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nam đã rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo nhân diện trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên quá trình thực hiện các mô hình can thiệp về phòng chống bạo lực gia đình tại địaphương cũng đang gặp phải một số khó khăn cần có sự phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện của chính quyền các cấp đó là: nguồn kinh phí duy trì hoạt động của mô hình trong bối cảnh ngân sách địa phương hạn hẹp nên chưa có sự hỗ trợ kịp thời; nhận thức của một số ngành chức năng còn cho rằng vấn đề bạo lực gia đình là việc riêng của mỗi gia đình hoặc là trách nhiệm của Hội phụ nữ; bên cạnh đó việc giáo dục kỹ năng sống, nhận thức bình đẳng giới cho nam và nữ thanh niên ở địa phương còn hạn chế, giá trị đạo đức xuống cấp, sự buông lỏng, xem nhẹ vai trò quản lý nhà nước về công tác này tại một số địa phương…

Để thực hiện các mô hình can thiệp này và tiếp tục thực hiện mục tiêu “Phấn đấu mỗi cơ sở Hội đạt xuất sắc xây dựng được ít nhất 01 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về” đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp; các cấp Hội Phụ nữ Hà Nam cần phải cụ thể hoá mục tiêu bằng kế hoạch và triển khai tích cực công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng sống, giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ; đồng thời cần có sự vào cuộc tích cực của ngành văn hoá, ngành công an, đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để duy trì hoạt động của mô hình. Có như vậy, việc thực hiện nhân rộng mô hình sẽ hiệu quả và bền vững hơn.

Minh Tâm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video