Hiệu quả bước đầu từ mô hình CLB “Nâng cao quyền năng phụ nữ”

02/12/2010
Là một xã miền núi thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đời sống của nhân dân xã Chi Lăng còn gặp nhiều khó khăn, cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế của phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung còn hạn chế, định kiến về giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ, tình trạng bạo lực gia đình còn phổ biến, tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em trên địa bàn, nhất là tình trạng phụ nữ tự ý đi ra nước ngoài làm thuê bất hợp pháp vẫn còn xảy ra.

Năm 2009, Quỹ phát triển phụ nữ LHQ đã hỗ trợ huyện Tràng Định, trong đó có xã Chi Lăng thực hiện Dự án “Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng để giải quyết 2 vấn đề song hành: Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và HIV/AIDS”.

 

Thực hiện mục tiêu của dự án, Hội LHPN xã đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm truyền thông về luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống BBPNTE và HIV/AIDS cho cán bộ, hội viên phụ nữ các thôn bản và người dân trong cộng đồng. Trong số đó, mô hình CLB “nâng cao quyền năng cho phụ nữ” được đánh giá là có hiệu quả nhất.

 

Thông qua CLB, các thành viên đã được giao lưu, cung cấp thông tin, kiến thức về quyền con người, quyền của phụ nữ, luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ, kiến thưc về HIV/AIDS.v..vv… giúp chị em nâng cao nhận thức để biết các tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán người, biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt giúp cho những phụ nữ bị buôn bán trở về và phụ nữ có H vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.

 

Tham gia ban chủ nhiệm CLB có các thành viên là đại diện của Đoàn Thanh niên, trưởng CA xã, cán bộ tư pháp cán bộ văn hóa, trạm Y tế xã. Hiện nay, CLB có 33 thành viên đang tham gia sinh hoạt, chủ yếu là phụ nữ bị buôn bán trở về, phụ nữ có nguy cơ cao bị buôn bán, nhân viên quán karaoke, phụ nữ có H…Mỗi kỳ sinh họat của CLB không chỉ có các thành viên CLB mà còn thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Đến nay, CLB đã tổ chức được 6 kỳsinh hoạt với 235 lượt hội viên, phụ nữ tham dự. Phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 16 cuộc với hơn 800 người tham dự. Bên cạnh đó, ban chủ nhiệm CLB còn phối hợp can thiệp kịp thời 5 vụ bạo lực gia đình, tư vấn giúp đỡ 2 phụ nữ bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

 

Có thể nói, những kết quả mà mô hình CLB “nâng cao quyền năng cho phụ nữ” của xã Chi Lăng đạt được chưa nhiều, nhưng đem lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ, cho người dân, mô hình này đãgóp phần nâng cao năng lực tuyên truyền và kỹ năng điều hành các cuộc sinh hoạt tại cộng đồng cho đội ngũ cán bộ xã, nhất là những cán bộ trực tiếp tham gia trong Ban chủ nhiệm CLB. Đặc biệt, CLB góp phần làm thay đổi thái độ của người dân đối với những nạn nhân từng bị buôn bán trở về, giúp họ bớt đi những mặc cảm, bớt đi phần nào những khó khăn để có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Minh Thư

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video