Hiệu quả dự án "Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững"

23/12/2005
Dự án "Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững", do Uỷ ban Dân số- gia đình- trẻ em (DS-GĐ-TE) phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị được triển khai từ tháng 9/2003.

Mục đích của dự án là cho các thành viên trong các câu lạc bộ dân số phát triển vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhằm tập hợp để truyền thông về công tác DS-GĐ-TE, đồng thời tạo điều kiện để họ có điều kiện tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, văn hoá- xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.


Vĩnh Linh là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được Uỷ ban DS-GD-TE tỉnh chỉ đạo thí điểm dự án. 22/37 thôn với 750 hộ của 5 xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Hoà, Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Long bước đầu được vay hơn 3 tỷ đồng, lãi suất 0,5% năm. Mỗi hộ được vay thấp nhất 1 triệu đồng, nhiều nhất 10 triệu đồng; Trong đó, 36 hộ đầu tư chăn nuôi lợn với số vốn 125 triệu đồng, 55 hộ đầu tư chăn nuôi trâu, bò với số vốn 235 triệu đồng, 10 hộ đầu tư làm dịch vụ, buôn bán với số vốn 41 triệu đồng và dùng vào các việc khác 23 hộ với số vốn 139 triệu đồng…

 

Sau gần hai năm thực hiện, hiệu quả của dự án đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt nâng cao kiến thức cho các thành viên, củng cố, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc.

 

Về phát triển kinh tế gia đình, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ trừ một số ít hộ do gặp rủi ro như cháy nhà, tai nạn, ốm đau… còn hầu hết kinh tế các gia đình đều phát triển: Hộ nghèo thoát nghèo, hộ trung bình vươn lên khá. Không ít hộ nhờ "ăn nên làm ra" mà xây được nhà, mua được xe máy và các phương tiện nghe nhìn.

 

Kết quả của dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Vĩnh Sơn từ 28% xuống còn 11,5%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em từ 37% xuống còn 26,7%; tỷ lệ phát triên dân số giảm từ 1,2% xuống còn 0,92%. Xã Vĩnh Long hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt 4,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 14% tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 18%, tỷ lệ phát triển dân số dưới 1%...

Cùng với phát triển kinh tế gia đình, dự án "Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững" đã có kết quả rõ rệt về mặt xã hội. Thông qua buổi sinh hoạt nhóm vào chiều ngày 20 hàng tháng (lúc mùa vụ vào buổi tối), tuỳ theo tình hình và hướng dẫn của Ban dự án xã, nhóm trưởng sẽ tổ chức sinh hoạt theo từng chuyên đề như: Kế hoạch hoá - gia đình, phổ biến kỹ thuật nuôi trồng một số loại cây con mới, nếp sống văn hoá nông thôn. Các thành viên còn được tiếp thu các chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước…v.v. Qua sinh hoạt nhóm, họ có dịp trao đổi cách làm ăn, hoặc chuyển giao những tiến bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, kinh nghiệm làm ăn. Những gia đình mới cưới vợ, gả con lại nhắc nhau "Gái hay trai chỉ hai là đủ". Nếu trong những thành viên của nhóm có dấu hiệu sinh con ngoài kế hoạch được vận động giáo dục trước khi "chuyện đã rồi". Chính vì vậy mà từ khi có sinh hoạt nhóm, 5 xã thuộc dự án, không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

 

Để không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho các cặp vợ chồng, nhóm cũng dành nhiều thời gian cho sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Mỗi dịp xuân đến, Tết về hay khi có lễ hội, các nhóm còn tổ chức giao hữu bóng chuyền, kéo co… Các nhóm còn xây dựng quỹ để góp vui hay san sẻ nỗi buồn mỗi khi các thành viên của nhóm hữu sự. Sự gắn kết của các thành viên, lúc khởi đầu chỉ là nằm trong tổ chức để được vay vốn làm ăn, nay qua nhiều lần họp nhóm, họ càng thân thiện, gắn kết yêu thương nhau. Mỗi lần gặp nhau sinh hoạt, họ không ngàn ngại chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Từ khi có nhóm "Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững" không khí xóm làng càng thêm vui tươi, đầm ấm.

 

Dự án "Lồng ghép dân số với gia đình bền vững" đã giải quyết được những yêu cầu bức xúc như: Người thiếu vốn có vốn để sản xuất, thu nhập của các thành viên tham gia dự án không ngừng tăng lên, tạo công ăn việc làm thường xuyên, nâng cao kiến thức qua sinh hoạt nhóm và có ý thức tiết kiệm…

 

Qua gần hai năm thực hiện triển khai dự án, chúng tôi thấy có mấy vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là: nên chăng không nên quy định cứng nhắc mỗi nhóm chỉ 30 thành viên mà tuỳ theo địa hình dân cư có thể mở rộng; những hộ làm ăn có hiệu quả, có quy mô lớn có thể cho vay vốn nhiều hơn. Những hộ vì rủi ro có thể xem xét để khoanh nợ tạo điều kiện cho họ vượt qua khó khăn… và nội dung sinh hoạt nhóm cần đa dạng, phong phú hơn nữa, nhằm đáp ứng cho các thành viên theo phương châm "cần gì học nấy".

 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên, quan nhất là Ủy ban DS- GĐ- TE và Ngân hàng Chính sách xã hội cần nghiên cứu hướng dẫn và ban hành một số chính sách cụ thể nhằm đáp ứng nguyện vọng của các đối tượng tham gia dự án. Trước mắt việc có thể làm ngay là biên tập tài liệu để cho nhóm duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên. Khi đã tập hợp được các thành viên trong tổ chức thì tất cả mọi việc đều có thể: Thành công
Theo dangcongsan.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video