Hiệu quả hoạt động ở một Hội phụ nữ cơ sở

29/10/2008
Hội phụ nữ xã Cao Thắng (Thanh Miện - Hải Dương) hiện có hơn 1.500 hội viên sinh hoạt ở 5 chi hội thôn và 2 tổ phụ nữ tại hai trường tiểu học và THCS.

Những năm qua, Hội phụ nữ xã Cao Thắng coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của hội cấp trên, nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên để áp dụng vào cuộc sống trong việc nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Hội hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các phong trào về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; các quy định pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình; dân số, phòng, chống tệ nạn xã hội...

Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, hiệu quả, Hội phối hợp với đài truyền thanh xã mở các chuyên mục và có nhiều hình thức như tuyên truyền lồng ghép, theo chuyên đề, thông qua hội họp và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, trích đoạn, tiểu phẩm...đã thu hút hàng nghìn lượt chị em tham gia. Điển hình như đợt phát động cán bộ, hội viên thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tham gia viết bài dự thi về Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và Luật Cư trú, mỗi cuộc thi có từ 600 đến gần 1.000 lượt phụ nữ tham dự. Hội phụ nữ xã cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng mở được nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp chị em có kiến thức để phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội phụ nữ xã Cao Thắng đang quản lý hơn 760 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 100 hộ vay. Trong đó, có 48 trong tổng số 51 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay. Các nguồn quỹ khác do các tổ, chi hội xây dựng được là 55 triệu đồng, từ làm mương máng của HTX hoặc nhận những thửa ruộng xấu để cấy thêm gây quỹ cho 25 chị vay. Quỹ của Ban chấp hành Hội phụ nữ xã có 12 triệu đồng, cho 9 chị vay. Quỹ của Câu lạc bộ phụ nữ có 15 triệu đồng, cho 11 chị vay. Ngoài các nguồn vốn trên, Hội cũng linh hoạt tổ chức các hoạt động giúp nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất bằng hình thức sử dụng vốn luân chuyển. Toàn xã thành lập được 27 tổ với số vốn luân chuyển năm 2007 là 45 triệu đồng, 27 tấn thóc, 15 cây vàng, ưu tiên các chị khó khăn hoặc gia đình có việc lớn sử dụng trước. Có vốn, chị em đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại như chị Đặng Thị Luận, Kim Thị Thắm (thôn Văn Khê), chị Nguyễn Thị Thuý (thôn Cao Lý)... mỗi hộ một năm trừ chi phí thu lãi từ 40- 60 triệu đồng. Hội chăm lo giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ. Chị Nguyễn Thị Hài (thôn Văn Khê) có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, chồng bị tàn tật, 2 con còn nhỏ. Chị đã cho vay vốn của Hội 5 triệu đồng để chuyển đổi 6 sào cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá và làm nghề tráng bánh đa. Đến nay, gia đình chị Hài đã phát triển kinh tế ổn định và trở thành hộ khá. Ngoài ra, hội còn liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 (Hội Phụ nữ tỉnh) dạy nghề cho 70 chị học các nghề đan sợi, móc len xuất khẩu, thu nhập 400-500 nghìn đồng/người/ tháng. Có chị giỏi tay nghề đã đi dạy nghề cho phụ nữ xã bạn thu nhập hơn 1 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, Hội phụ nữ xã còn có 400- 450 chị làm nghề đan thảm từ cây thanh hao xuất khẩu, thu nhập bình quân 500-700 nghìn đồng/ người/ tháng. Chị Trương Thị Thuý, ở thôn Hoà Bình cho biết: “Tôi làm nghề phụ đã được 3 năm, mỗi năm thu nhập thêm khoảng dăm, bảy triệu đồng. Điều làm chúng tôi vui là làm thêm mà vẫn bảo đảm công việc đồng áng”.

Theo chị Đỗ Thị Tốn, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết, hoạt động của Hội phụ nữ những năm qua đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 5- 6 triệu đồng. Xã có 300- 400 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi 3 cấp, trong đó hội viên phụ nữ chiếm 35- 40%; 75-80% số gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Hội phụ nữ xã Cao Thắng được Trung ương Hội tặng Bằng khen.

Theo báo Hải Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video