Hiệu quả mô hình hoạt động Hội:

14/07/2013
* Mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” xã Tân Hoà Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang

Thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, góp phần ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, trong 6 tháng đầu năm 2013, Hội LHPN xã Tân Hoà Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã thành lập được 7 Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tại 7 ấp. Các Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng này do UBND xã ra quyết định thành lập, gồm 3 thành viên tham gia: Chi hội trưởng phụ nữ (tổ trưởng), Công an viên phụ trách địa bàn ấp (tổ phó) và Trưởng ấp (thành viên).

Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng có nhiệm vụ tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp. Đây còn là nơi hoà giải các vụ việc xảy ra do mâu thuẫn, mất đoàn kết anh em, họ hàng, hàng xóm làng giềng; tranh chấp đất đai, tài sản kế thừa, kiện tụng lẫn nhau trên địa bàn. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, các thành viên tham gia cùng tổ hoà giải nhân dân phối hợp với nhau để giải quyết.

Kể từ khi thành lập đến nay, các Địa chỉ tin cậy trên địa bàn xã đã giải quyết thành công 2 vụ bạo hành gia đình (chồng đánh vợ do uống rượu say, ghen tuông, nay vợ chồng đã hoà thuận, gia đình ấm êm); 12 vụ tranh chấp tài sản, đất đai của anh chị em trong gia đình và 7 vụ mâu thuẫn hàng xóm láng giềng, góp phần vào sự bình yên trên địa bàn xã. Hoạt động có hiệu quả của Địa chỉ tin cậy đã góp phần vào việc thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với tiêu chí “Gia đình không có bạo lực” và phong trào xây dựng nông thôn mới với tiêu chí số 19 về “An ninh, trật tự xã hội được giữ vững”.

Dự kiến trong năm nay, Hội LHPN xã Tân Hoà Thành sẽ tham mưu trình UBND xã ra quyết định thành lập “Địa chỉ tin cậy ở cộng động” tại các ấp còn lại, đưa số ấp có Địa chỉ tin cậy lên 8/8 ấp (100%).


* Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” tại Quảng Nam
Nhằm tạo ra một môi trường giáo dục cả về vật chất và tinh thần an toàn, bình đẳng, gây hứng thú cho học sinh trong học tập, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở nỗ lực của nhà trường, xã hội vì người học; thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Hội LHPN Quảng Nam đã phối hợp với tổ chức VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ) thành lập các câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” để kết nối cộng đồng và trường học.

Mô hình được thực hiện tại chi hội phụ nữ Tiên Xuân 1, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam từ năm 2009 . CLB hoạt động dưới sự quản lý của Hội LHPN xã, với 40 thành viên khi mới thành lập, đến nay CLB đã có 60 thành viên tham gia sinh hoạt. Các thành viên CLB là những người cha, người mẹ có con đang ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở.

CLB sinh hoạt hàng tháng với những nội dung phong phú, bổ ích và thiết thực nhằm giúp cho các bậc phụ huynh có cách nhìn đúng đắn hơn về cách giáo dục con em mình. Các chủ đề của CLB như: tìm hiểu về phương pháp dạy và học tích cực; tìm hiểu về tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì; cách giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho con; lợi ích của góc học tập, xây dựng thời gian biểu, giúp con lập kế hoạch trong cuộc sống, cách giúp con định hướng nghề nghiệp trong tương lai... Việc tham gia sinh hoạt CLB đã giúp các thành viên được bổ sung rất nhiều kiến thức về cách nuôi dạy con, từ đó nhận thức của họ được nâng cao, dẫn đến sự chuyển đổi hành vi như: quan tâm đến việc học hành của con nhiều hơn, cố gắng tạo mọi điều kiện để bố trí cho con một nơi yên tĩnh và có đủ ánh sáng để học tập, cha mẹ đã biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con, không còn tư tưởng áp đặt như trước đây.

Được sự hướng dẫn của VVOB, các thành viên được tham gia sinh hoạt với phương pháp "Học tích cực", trong đó báo cáo viên là người điều hành, thiết kế, hướng dẫn chương trình; các thành viên của CLB là chủ thể hoạt động. Các thành viên phải suy nghĩ, cùng nhau thảo luận rồi trình bày các ý kiến của mình, tham gia đóng tiểu phẩm, các trò chơi, từ đó rút ra được những kiến thức mà chủ đề muốn đề cập đến. Vì vậy, các buổi sinh hoạt không nhàm chán mà luôn mới mẻ và thu hút được mọi thành viên tham gia.

Không chỉ cung cấp kiến thức, CLB còn là nơi để các thành viên trao đổi, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm nuôi dạy con, cùng giúp đỡ lẫn nhau để con mình không còn bỏ học, chơi game... CLB cũng là nhịp cầu nối giữa nhà trường với gia đình, con em của thành viên CLB hư hỏng, bỏ học không lý do là nhà trường kịp thời thông tin cho Ban chủ nhiệm CLB biết để thông báo cho cha mẹ, từ đó kịp thời ngăn chặn và giáo dục các em ngày càng tiến bộ hơn. Hằng năm, Ban chủ nhiệm CLB đã phối hợp với nhà trường vận động các em bỏ học trở lại trường. Trong thời gian qua đã vận động được 3 em trở lại trường.

Không những thế, CLB còn xây dựng được Quỹ Khuyến học, từ khi thành lập đến nay thu được hơn 8 triệu đồng, đã tặng 70 suất quà để động viên, khen thưởng các em có thành tích học tập tốt và các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tiến bộ. Ban chủ nhiệm CLB cũng phối hợp với Ban hỗ trợ giáo dục xã làm tốt công tác giúp đỡ cho các em là con thành viên CLB gặp rủi ro như trường hợp em Nguyễn Thị Bé Phụng bị mồ côi cha, mẹ. CLB đã huy động cộng đồng cùng tham gia giúp đỡ và em Phụng được Hội LHPN xã nhận đỡ đầu nuôi nấng.

Thông qua hoạt động của CLB, chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ ngày càng nhiều, tích cực hơn, tích cực thực hiện tốt các phong trào do Hội LHPN phát động như: phong trào "Nuôi heo đất" để tiết kiệm tiền cho con ăn học, cuộc vận động “Xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”... Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chi hội phụ nữ Tiên Xuân 1 là một trong các chi hội xuất sắc dẫn đầu của phong trào phụ nữ xã.

Đây là một mô hình hay, phát huy tốt việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác giáo dục và phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; đồng thời cũng tạo ra được địa chỉ sinh hoạt bổ ích cho hội viên, phụ nữ. Trong thời gian đến, Ban chủ nhiệm CLB cùng với các thành viên sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả của mô hình này.

* Mô hình “1000 +1” ở phường Ô Chợ Dừa

 

Hàng ngày hội viên phụ nữ tiết kiệm 1.000 đồng và dành 1 giờ để đọc sách báo nâng cao kiến thức, hiểu biết cho bản thân. Đó là mô hình của HPN phường Ô Chợ Dừa (Q.Đống Đa)

Chị Phan Thị Bích Liên, Phó chủ tịch Hội phụ nữ phường nhớ lại: lễ “mổ lợn” tiết kiệm đầu tiên năm 2010 sau 6 tháng triển khai thực hiện. Chị em háo hức chờ đợi đến giờ “khai đao” và bất ngờ với số tiền tiết kiệm gần 9 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng ngay sau buổi lễ, chị em đã đồng tình “tặng nóng” hai triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt do cơn bão số 9 gây ra thông qua UBMTTQ của phường. Chính kết quả đầu tiên đó như một luồng gió thổi một thông điệp tới mỗi cán bộ, hội viên toàn phường: “Học Bác thì phải làm theo Bác và làm theo từ những điều giản dị nhất”.

Đồng thời Ban chấp hành cũng rút ra được những kinh nghiệm kịp thời để duy trì và phát triển phong trào bền vững. Mô hình “1000+1” nghĩa là, mỗi ngày một hội viên tiết kiệm tiền đi chợ 1.000 đồng để bỏ vào lợn nhựa, cũng có nghĩa là tiến tới 1.000 năm Thăng Long. “+1”  là mỗi ngày dành ra 1 giờ  để nâng cao kiến thức qua đọc báo, nghe đài, xem ti vi… Mô hình lúc đầu chỉ thu hút gần 200 hội viên, đến nay đã phát triển tới 100% hội viên trong toàn phường tham gia.

Chị Liên chia sẻ thêm: “Hiện nay Hội chúng tôi có 2.100 hội viên với 28 chi hội. Hầu hết cán bộ, hội viên đều nhận thức rất sâu sắc ý nghĩa của phong trào nên rất tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu là chị Hồ Phương Thảo, chi hội 4B. Mỗi ngày đi chợ chị đều cố gắng tiết kiệm các khoản chi tiêu và đã trở thành thói quen, chị và các thành viên trong gia đình đều bỏ vào lợn nhựa từ 10.000 – 20.000 đồng. Số tiền tiết kiệm mỗi đợt, ngoài hỗ trợ phụ nữ khó khăn, còn là một khoản để chị có thể mua sắm trang bị các thiết bị trong gia đình.

Còn với chị Nguyễn Thu Trang, chi hội 2B, mỗi ngày chị đều dành một giờ để đọc báo Hội, tìm hiểu kiến thức qua các phương tiện truyền thông, chị đặc biệt quan tâm tới các hoạt động Hội và các kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt… Khi đọc được những thông tin hay, bổ ích, chị đều ghi chép lại vào một cuốn sổ nhỏ làm cẩm nang của riêng mình. Nhờ thế, gia đình chị lúc nào cũng rộn tiếng cười hạnh phúc ”.

Năm 2012, tổng số tiền tiết kiệm từ phong trào lên đến 700 triệu đồng, các chi hội ủng hộ vào quỹ từ thiện của phụ nữ phường để tặng các gia đình hội viên khó khăn, các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt như 44 nữ cựu TNXP cô đơn của quận Đống Đa… Phong trào không dừng lại ở Hội phụ nữ phường mà đã lan tỏa sang các đoàn thể khác như tổ chức cựu TNXP để xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, ở các khu dân cư như: chi hội 1D với 18 hội viên nhưng đã vận động 64 hộ dân cùng tham gia nuôi lợn tiết kiệm, hàng năm đều có nguồn tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng giúp đỡ Hội Chữ thập đỏ của phường.

Ngoài ra, số tiền được tiết kiệm chị em còn sử dụng linh hoạt theo yêu cầu của từng chi hội, cho vay không lãi, vay ngắn hạn, dài hạn… để làm kinh tế cũng như các nhu cầu khác của hội viên.

Thanh Hương, Đỗ Thị Sen

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video