Hiệu quả thiết thực từ thực hiện uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội

03/08/2009
Trong những năm qua, cùng với hình thức tín chấp với Ngân hàng cho hội viên vay vốn, các cấp Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai dịch vụ nhận uỷ thác cho vay, tạo điều kiện giúp hội viên phụ nữ, nhất là hội viên nghèo, hộ gia đình chính sách được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, nhờ đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của một tỉnh miền núi một cách đáng kể.

Tính đến 30/6/2009, các cấp Hội đã nhận uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh 07 chương trình tín dụng cho 36.845 hộ gia đình hội viên nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền dư nợ 286,919 triệu đồng, bình quân dư nợ gần 7,78 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ của các cấp Hội LHPN chiếm 44% trong tổng dư nợ của chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, các hộ gia đình hội viên đã đầu tư trồng rừng, trồng mía, chè, cây ăn quả, chăn nuôi, và kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với việc cho vay vốn, Hội phụ nữ đã chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tổ chứctuyên truyền sâu rộng các văn bản, chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước về các chương trình tín dụng ưu đãi; kiểm tra, giám sát vốn uỷ thác cho vay; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng cho cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo của tổ chức Hội....Trên cơ sở đó các nhiệm vụ công tác Hội cũng được đẩy mạnh, chất lượng sinh hoạt Hội ngày càng được nâng cao; trình độ năng lực đội ngũ cán bộ cụm/nhóm cũng như chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm được củng cố và đi vào hoạt động có hiệu quả hơn.

Từ nguồn vốn này nhiều hộ hội viên thoát nghèo và trở thành hộ khá, hộ giàu như gia đình chị Nguyễn Thị Nhang, xã Chi Thiết (Sơn Dương), chị Hoàng Thị Quyết, thôn Đồng Mo, chị Hà Thị Thiệu, thôn Cây La xã Hoà Phú (Chiêm Hoá)…v..v một trong những điển hình ấy là gia đình chị Hoàng Thị Liên, chi hội xóm 35 xã Ỷ La, thị xã Tuyên Quang được vay 7 triệu đồng kết hợp với vốn của gia đình đã đầu t­ư phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và làm dịch vụ máy xay xát, máy vò lúa cho thu nhập từ 30 - 45 triệu đồng/năm. Không chỉ tăng thu nhập, nhiều chị còn tạo việc làm ổn định cho các lao động khác.

Có thể nói hoạt động nhận uỷ thác cho vay vốn của Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả thiết thực cho phụ nữ, tạo điều kiện giúp cho các hộ nghèo, các gia đình chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định cuộc sốngvà góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian tới các cấp Hội phụ nữ tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn tại cơ sở, tổ chức tập huấn cho ban quản lý tổ nhóm vay vốn; đẩy mạnh các chương trình tín dụng, nâng suất đầu tư trên mỗi hộ vay và tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích mang lại hiệu quả cao. 

Tươi Minh
Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video