Hiệu quả từ các mô hình dạy nghề

19/01/2009
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam năm 2008, từ hơn 200 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Sơn La xây dựng mô hình “Phát triển nghề dệt thổ cẩm” tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu và Hội LHPN Bắc Giang xây dựng mô hình “Phát triển nghề sản xuất mỳ gạo” tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.

Với phương châm phát huy vai trò làm chủ của người dân trong việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” công khai dân chủ, trong mọi hoạt động của dự án từ bình xét đối tượng đến việc mua sắm máy móc theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật đều có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo UBND xã, bí thư Chi bộ, trưởng thôn và phụ nữ - những người thụ hưởng dự án.

Kết quả, mô hình đã hỗ trợ được 8 máy xay bột, 8 máy tráng mỳ, 8 máy thái mỳ (Bắc Giang); 30 máy may và 15 khung dệt vải (Sơn La) đảm bảo chất lượng, vận hành tốt, đạt năng suất, chất lượng cao.

Trên thực tế, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có tại địa phương, cải thiện đáng kể sức lao động và nâng cao đời sống kinh tế của chị em, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đây là mô hình tốt được lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương đánh giá cao.

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Thủ Dương cho biết: “Với tốc độ máy làm việc như hiện nay, một ngày chúng em lãi ít nhất là 1.600.000đ (với 5 lao động). Trước kia chúng em làm cả tháng lãi cao nhất là 2.500.000/tháng(với 5 lao động)”.

Còn chị Hoàng Thị Inh (Bản Áng 1) chia sẻ: “Trước đây, chúng em may tối đa được 4 vỏ chăn là vất vả lắm. Hơn nữa khung dệt duy nhất một loại vải khổ rộng 40cm, hàng tiêu thụ chậm. Nay có máy may bằng điện, chúng em may được 10-12 vỏ chăn một ngày. Khung dệt khổ rộng từ 40 cm - 1,5m, mẫu mã, kiểu dáng đa dạng”...

Nhìn chung, sản phẩm mỳ gạo xã Nam Dương và hàng dệt thổ cẩm xã Đông Sang đều tiêu thụ tốt. Hàng sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Chị em có việc làm, thu nhập ổn định. Chị em thực sự phấn khởi và đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn./. 

Đào Thị Hạnh
Ban Dân tộc Tôn giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video