Hiệu quả từ Dự án Nâng cao nhận thức phòng, chống ung thư vú

11/02/2014
Sau một năm thực hiện, Dự án “Nâng cao nhận thức phòng chống ung thư vú cho phụ nữ tại Việt Nam” đã có nhiều tác động tốt đến nhận thức và hành vi phụ nữ.

Ung thư vú - căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới

Ung thư vú (UTV) là căn bệnh phổ biến nhất, gây nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ. Kết quả khảo sát tại 6 tỉnh/thành (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế) năm 2008 của Hiệp hội ngăn ngừa ung thư Việt Nam cho thấy, từ năm 2001-2007, UTV chiếm 24,8%, tỷ lệ UTV tăng lên hàng năm, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi từ 30-34 và 60 tuổi. Theo số liệu thống kê phục vụ nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu quốc tế về ung thư vú, UTV chiếm 21% và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư xuất hiện ở giới nữ.

Đối tượng có nguy cơ cao UTV là phụ nữ có mẹ hoặc chị, em gái bị UTV (có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 10 lần người khác); phụ nữ 35 – 50 tuổi chưa bao giờ sinh đẻ; phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi; người có chế độ ăn nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và phụ nữ béo phì.

UTV nguy hiểm còn bởi sự thiếu hiểu biết về bệnh lý và ý thức, hành vi tự phòng, tránh bệnh của phụ nữ còn hạn chế. Kết quả khảo sát của TW Hội LHPN Việt Nam đầu năm 2013 tại 5 tỉnh/thành Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Nguyên cho biết, có đến 73,6% phụ nữ được khảo sát chưa từng khám vú. Chỉ có 11.9% nói đã từng tự khám vú và 14,1% khám tại cơ sở y tế. Các bác sĩ Bệnh viện K cũng cho biết, phụ nữ trẻ mắc UTV thường phát hiện bệnh muộn, nhiều người đã có sẵn mầm bệnh nhưng chủ quan, không đi khám định kỳ nên không kiểm soát được diễn biến của bệnh cho đến khi bệnh nặng.

Thay đổi thói quen, thay đổi cuộc sống

Chị em, phụ nữ có thể phát hiện sớm căn bệnh UTV của mình bằng cách khá đơn giản: Đều đặn mỗi tháng một lần, vào thời điểm vừa chấm dứt kì kinh nguyệt (hoặc một ngày cố định trong tháng đối với chị em đã mãn kinh), chị em kiểm tra hình dáng, màu sắc, phát hiện những u, cục bất thường của vùng ngực.

Dự án “Nâng cao nhận thức phòng chống ung thư vú cho phụ nữ tại Việt Nam” đã hỗ trợ kiến thức, giúp phụ nữ thay đổi ý thức và hành vi phòng ngừa UTV.

Dự án đã tổ chức được 1 lớp TOT; 100 buổi tập huấn cho 3.794 phụ nữ tại cộng đồng kiến thức về UTV, cách tự kiểm tra vú để phát hiện sớm UTV. Xây dựng được đội ngũ giảng viên nguồn gồm 41 người là cán bộ TW Trung ương Hội LHPN Việt Nam và 5 tỉnh/thành Hội thực hiện dự án. In và phát hành tới tận tay chị em phụ nữ 5.000 tờ gấp hướng dẫn cách tự khám vú; xây dựng được video do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn chị em tự khám vú. Dự án đã mang lại niềm vui, hạnh phúc và cả sự sống cho nhiều phụ nữ có nguy cơ mắc UTV. Đã có 86 phụ nữ tự khám vú phát hiện u, cục được giới thiệu đến khám lại kịp thời tại các cơ sở y tế. Trong đó, 76 người có u, cục lành tính và 10 người UTV. 6 người trong số đó 76 người có u, cục lành tính và các bệnh nhân UTV được chuyển điều trị tại bệnh viện K.

Dự án đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức và ý thức phòng, chống UTV của phụ nữ, người dân. Điều đó được thể hiện rõ trong kết quả khảo sát đầu vào và đầu ra mà Hội tiến hành năm 2013 với 250 phụ nữ tại 5 tỉnh dự án. Từ 26,4% phụ nữ từng khám vú, 7,7% phụ nữ khám định kì hàng tháng trước khi có dự án, sau 1 năm thực hiện, 100% phụ nữ đã biết tự khám vú và 88,4% phụ nữ khám vú 1 tháng 1 lần. Khi phát hiện u, cục bất thường, nhiều phụ nữ đã liên hệ với cán bộ Hội để được giới thiệu tới các cơ sở y tế, bác sĩ khám và điều trị. Hầu hết chị em phụ nữ tham gia dự án đã tuyên truyền, truyền đạt kiến thức và cách thức khám vú cho người thân, bạn bè.

 Ảnh minh họa

 Tài liệu hướng dẫn tự khám vú

Chị Trần Thị Nụ, hội viên phụ nữ thôn Lương Trụ, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Nhờ Hội LHPN tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn và giúp đỡ, chị đã kịp thời phát hiện, thăm khám và chữa trị căn bệnh UTV. Tháng 3/2013, cùng nhiều chị em khác trong xã tham gia lớp tập huấn nâng cao nhận thức UTV, được chia sẻ thông tin về UTV như nguyên nhân, hậu quả, đặc biệt là được hướng dẫn, thực hành cách tự khám vú đúng cách để phát hiện và điều trị sớm UTV, chị Nụ đã tự khám vú hàng tháng theo hướng dẫn. Tháng 6/2013, phát hiện có khối u, cục bất thường ở ngực, chị đã nhờ cán bộ Hội tư vấn và giới thiệu đến các cơ sở y tế, bệnh viện khám, xét nghiệm. Kết quả khám bệnh là u lành tính khiến chị và gia đình rất vui mừng, yên tâm học tập, lao động sản xuất. Hiện, chị vẫn tiếp tục thực hiện tự kiểm tra UTV và truyền kiến thức, kinh nghiệm cho chị em xung quanh.

Để có nhiều hơn chị em phụ nữ được tiếp cận với dự án, năm tới dự án sẽ mở rộng đến Nam Định; đẩy mạnh in ấn, phát hành tài liệu truyền thông; tăng cường các hoạt động tập huấn cho các địa bàn dự án; tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động hỗ trợ hoạt động nâng cao nhận thức phòng chống ung thu vú cho phụ nữ. Đặc biệt, dự án sẽ tập hợp kết quả khảo sát, hội thảo để vận động đưa UTV vào chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia.

 

Dự án Nâng cao nhận thức và Phòng, chống Ung thư vú tại phía Bắc Việt Nam do Công ty Yokogawa Nhật Bản tài trợ thông qua People’s HOPE Japan. Dự án được thực hiện tại 5 tỉnh/thành: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên và Thái Nguyên. 3.633 phụ nữ tuổi từ 30 đến 70 là đối tượng thụ hưởng dự án.

Mục tiêu của dự án là giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ trong độ tuổi 30-70 tại Việt Nam. Theo đó, dự án có 4 mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức và kiến thức về ung thư vú, cách tự khám vú và phát hiện sớm UTV để có biện pháp điều trị kịp thời cho phụ nữ ở các cộng đồng mục tiêu; Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp nhằm tăng cường nhận thức và kiến thức về UTV, đào tạo kỹ năng tự khám vú và xây dưng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả; Tăng cường năng lực cho TW Hội LHPN Việt Nam để xây dựng chương trình quốc gia Nâng cao nhân thức và phòng ngừa UTV và lồng ghép chương trình này với các chương trình chăm sóc sức khỏe hiện có với mục tiêu nhân rộng ra toàn quốc; Tăng cường năng lực cho TW Hội LHPN nhằm tiếp tục dự án UTV sau khi tài trợ của dự án kết thúc.

4 chỉ tiêu của dự án gồm: 100% đối tượng hưởng lợi của dự án độ tuổi từ 30-70 được khám và hướng dẫn cách tự khám vú đúng cách; 100% phụ nữ phát hiện những khối u bất thường bằng cách tự khám vú được thăm khám và điều trị phù hợp thông qua hệ thống chuyển tuyến; 100% phụ nữ được chuyển đến bệnh viện sẽ được theo dõi bởi các cán bộ Hội LHPN; và Cán bộ Hội Phụ nữ có khả năng truyền đạt những kiến thức và kỹ năng để thực hiện tập huấn có hiệu quả cho đối tượng đích.

 

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video