Hiệu quả từ mô hình kết nghĩa giữa các chi hội phụ nữ

06/03/2012
Sau gần 5 năm ký kết chương trình phối hợp, đến nay mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ dân tộc Kinh, ban, tổ nữ công với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số” đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nổi bật là sự hỗ trợ của các chi hội phụ nữ dân tộc Kinh, các ban, tổ nữ công đối với chi hội phụ nữ DTTS trong việc phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các chi hội phụ nữ dân tộc Kinh, ban, tổ nữ công đã vận động, giúp đỡ gần 350 triệu đồng không tính lãi; 30 chỉ vàng; hơn 30.000 cây giống; hơn 9.641 kg hạt giống, hơn 14.340 con giống các loại và hơn 17.513 ngày công lao động cho chị em các chi hội phụ nữ DTTS.

Các chi hội phụ nữ dân tộc Kinh còn hướng dẫn thành lập mới 18 mô hình hũ gạo tiết kiệm; 93 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, mô hình vườn rau; 100 mô hình tiết kiệm và các mô hình đan lát, dệt thổ cẩm… nhờ đó, đa phần chị em phụ nữ DTTS đã mạnh dạn vay các nguồn vốn, nắm bắt được kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, đã biết tính toán đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả… Kết quả có nhiều hộ gia đình phụ nữ DTTS đã thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... đã đến được với hàng ngàn lượt phụ nữ DTTS; hơn 14.658 chị được vận động đi khám phụ khoa, khám thai; hàng ngàn cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại… Chị em DTTS còn được trao đổi, hướng dẫn kiến thức về CSSKSS, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.Kết quả đã vận động 19.504 lượt phụ nữ tham gia dọn vệ sinh thôn, làng; tu sửa, đào mới 137 giếng nước; 324 chuồng nhốt gia xúc, 65 nhà xí hợp vệ sinh, 731 hố rác.

Thời gian qua các chi hội phụ nữ, các ban, tổ nữ công đã thường xuyên xuống các chi hội DTTS tham gia sinh hoạt chi hội; trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cán bộ chi hội cách điều hành một buổi sinh hoạt định kỳ, kỹ năng tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, xây dựng và quản lý quỹ hội, cách quản lý hội viên, xây dựng, củng cố lực lượng hội viên nòng cốt, phát triển hội viên mới...

Phát huy hiệu quả của mô hình, từ vài chục chi hội kết nghĩa đầu tiên, đến nay toàn tỉnh có 123 chi hội phụ nữ dân tộc Kinh; 284 ban, tổ nữ công thuộc 9/9 huyện, thành phố; 3 đơn vị (Ban phụ nữ Bộ đội Biên phòng, tỉnh đội, Ban công tác phụ nữ Công an tỉnh) đã tổ chức kết nghĩa với 290/590 chi hội dân tộc thiểu số.

Phát huy hiệu quả tích cực của mô hình giai đoạn 2007 - 2011, Ban Thường vụ Hội LHPN, Ban Thường vụ LĐLĐ và Ban Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh đã tiếp tục ký kết thực hiện chương trình phối hợp triển khai mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ dân tộc Kinh, ban, tổ nữ công với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số” giai đoạn 2011-2016. Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa của các đơn vị đã kết nghĩa dưới nhiều hình thức; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình thu hút hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bùi Thị Len, Ban Tổ chức - Hội LHPN tỉnh Kon Tum

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video