Hiệu quả từ mô hình Nhà tạm lánh ở Quảng Trị

15/05/2020
Mô hình “nhà tạm lánh” được xây dựng từ năm 2014 nhằm mục đích giúp đỡ các chị em phụ nữ, trẻ em bị đánh đập, bạo lực gia đình trong tỉnh. Những năm qua, không chỉ thực hiện “sứ mệnh” cưu mang nhiều mảnh đời phụ nữ bất hạnh, mà nhà tạm lánh còn góp phần làm giảm đi tình trạng bạo lực, cải thiện hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Chị An trò chuyện cởi mở với người phụ nữ từng là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Ảnh: TP

Nhà tạm lánh được xây dựng tại 4 địa phương bao gồm: Xã Mò Ó (huyện Đakrông), xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong), xã Tân Thành và xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa). Tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Cây Hoà bình tại Việt Nam, năm 2014, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng nhà tạm lánh tại thư viện phụ nữ với tổng kinh phí trên 1,6 tỉ đồng. Trên diện tích khoảng chừng 50 m2, cả bốn điểm tạm lánh này đều được bố trí phòng ngủ, nhà bếp, khu vệ sinh khép kín, trang bị những vật dụng thiết yếu, thuận tiện cho việc sinh hoạt. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nhà tạm lánh đã tiếp nhận và tư vấn cho nhiều phụ nữ bị bạo hành trên địa bàn.

Chúng tôi đến xã Mò Ó, huyện Đakrông, một trong 4 địa phương được xây dựng nhà tạm lánh trong tỉnh. Ngôi nhà tạm lánh nơi đây đã được xây dựng hơn 6 năm. Kể từ năm 2014 đến nay, nhà tạm lánh của phụ nữ xã Mò Ó đã tiếp nhận hơn 14 lượt phụ nữ bị bạo hành đến đây, cung cấp thức ăn, nước uống cho họ trong suốt nhiều ngày bằng một phần quỹ của Hội LHPN xã. Chủ tịch Hội LHPN xã Mò Ó Nguyễn Thị An cho biết, hầu hết các gia đình xảy ra tình trạng bạo hành thường là những đôi vợ chồng trẻ. Vì nhiều lý do khác nhau mà vợ chồng bất đồng trong cuộc sống hôn nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Nhiều người phụ nữ đến nhà tạm lánh chỉ một ngày rồi rời đi vì chồng họ đã biết ăn năn hối cải, nhưng cũng có những người phải ở đây đến 5,6 ngày rồi lại tiếp tục quay trở lại đây vì tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn. 

Chị Hồ Thị V. ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó lấy chồng được hơn 5 năm. Trước khi kết hôn, anh T. là một người khá hiền lành, đối xử tử tế với chị V. và gia đình của chị. Thế nhưng từ ngày lập gia đình, chồng chị thường xuyên rượu chè, đánh đập vợ con. Gia đình thường có xích mích, việc chị V. bị đánh đập gần như diễn ra mỗi ngày. Khi chưa có nhà tạm lánh, mỗi lúc bị chồng đánh, chị V. chạy về nhà mẹ ở Gio Linh, vài ba hôm rồi lại lên. Đến đầu năm 2016, sau khi nghe thuyết phục của cán bộ Hội Phụ nữ huyện, xã, chị V. không về nhà mẹ đẻ nữa mà đến nhà tạm lánh để trú ngụ. Những năm trở lại đây, chồng chị đã không còn tình trạng uống rượu say rồi đánh đập vợ con nữa. Sau khi nhận được lời khuyên từ các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ, Công an xã, chồng chị đã chịu khó làm ăn, gia đình chung sống ấm êm thuận hòa.

Tương tự như trường hợp của chị V., chị Hồ Thị D. trước đây cũng thường xuyên bị chồng đánh đập mỗi lần say rượu. Tình trạng này diễn ra liên tục trong một thời gian dài. Trước thực trạng này, Hội Phụ nữ xã đã mời Công an xã về tận nhà chị D. để trực tiếp hòa giải. Đến nay, vợ chồng chị D. đã hòa thuận, chung sức xây dựng gia đình. Đây được xem là những dấu hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Cách đây không lâu, khi có dịp quay trở lại xã Mò Ó, chúng tôi rất vui mừng khi nhận được tin số lượt phụ nữ dẫn theo các con đến ở nhà tạm lánh đã giảm đi đáng kể. Nơi đây vẫn được các hội viên của Hội Phụ nữ xã thay phiên nhau quét dọn thường xuyên. Theo chị Nguyễn Thị An, từ cuối năm 2019 đến nay, tình trạng bạo hành gia đình đã giảm đi rất nhiều trên địa bàn xã Mò Ó. Đó là nhờ một phần ý thức của các cặp vợ chồng và sự vào cuộc của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Được biết, xã Mò Ó hiện có hơn 434 hội viên phụ nữ. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các hoạt động như tổ chức cuộc thi về văn hóa ứng xử trong gia đình, gia đình với giới tính, phòng chống kết hôn sớm ở trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình,… cũng đã góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình tại cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

http://www.baoquangtri.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video