Hiệu quả từ mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người"

05/11/2014
Trước tình hình mua bán người trong tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là ở các huyện miền núi cao, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã tập trung nguồn lực chỉ đạo xây dựng mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người" tại các xã Đôn Phục - huyện Con Cuông, xã Yên Hòa - huyện Tương Dương, xã Hạnh Dịch - huyện Quế Phong và xã Châu Bính - huyện Quỳ Châu.

Sau gần 3 năm hoạt động, mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người" đã cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các tầng lớp phụ nữ và góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn.

Nét nổi bật của mô hình là công tác truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Với các hình thức truyền thông phong phú và nội dung đa dạng như: Sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, tờ gấp, sổ tay, sách hỏi đáp, băng rôn, khẩu hiệu...; tăng cường truyền thông trên hệ thống loa phát thanh xã, xóm, bản về phương thức, thủ đoạn và hậu quả, tác hại của loại tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng ứng phó trong trường hợp có dấu hiệu về việc mua bán người, cách phát hiện, tố giác tội phạm, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và bản thân trong việc chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người… Những cách thức truyền thông đó đã có tác động tốt đến cộng đồng, hướng cán bộ, hội viên, phụ nữ vào việc tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người… Tại mỗi xã thực hiện mô hình đều tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến tất cả các thôn, bản. Tính đến nay đã tổ chức được 56 cuộc truyền thông, thu hút được hầu hết bà con, nhân dân trong địa bàn tham gia.

Tại xã Đôn Phục – một xã khó khăn của huyện Con Cuông, ban đầu việc triển khai thực hiện mô hình gặp không ít trở ngại. Nhưng với tinh thần quyết tâm vì chị em mình, vì cộng đồng đội ngũ cán bộ Hội trực tiếp đến 7/7 thôn, bản tổ chức tuyên truyền; vận động thành lập 3 Câu lạc bộ "Lá chắn" với 2.578 thành viên tham gia. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền theo cụm (cụm trong bao gồm 4 bản: bản Mứt, bản Cóng, bản Chăn Cụt, bản Khốm; cụm ngoài bao gồm 6 bản: Bản chiếng, Pà Khỉm, bản Khốm, Pà Cọ, Pòm om, bản Chàm). Kết quả là từ hoạt động truyền thông này đã mang lại hiệu quả khá tốt, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ và nhân dân. Cách làm này đã được Hội Phụ nữ Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu áp dụng tại mô hình xã Hạnh Dịch, xã Yên Hòa, xã Châu Bính. Đặc biệt ở mô hình tại xã Yên Hòa, Hội LHPN huyện Tương Dương đã xây dựng được một số phóng sự và bằng đĩa để làm tài liệu truyền thông ở các xã khác trong huyện.  

Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, Hội phụ nữ vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị với những nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng; hướng dẫn cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về địa phương làm các thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn xoá đói giảm nghèo. Nhiều chị em bước đầu đã có công việc làm để có thu nhập ổn định như: may mặc, làm thợ phụ cho tiệm tóc, được vay tiền để buôn bán nhỏ.... Điển hình, em Ngân Thị Ứng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và được giải cứu trở về Việt Nam theo đường Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn vào ngày 1/5/2012. Ngày mới về, Hội LHPN xã Đôn Phục huyện Con Cuông kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ. Nay, tinh thần em đã ổn định và quyết tâm học nghề để ổn định cuộc sống... Với cách làm thiết thực, tổ chức Hội đã góp phần giúp các nạn nhân bị mua bán trở về được ổn định, tái hòa nhập với cộng đồng.

Hội LHPN huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu chủ động phối hợp với Công an huyện, Phòng Tư pháp huyện tập huấn cho cán bộ hội cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và Luật phòng chống mua bán người. Trong các khóa tập huấn, ban tổ chức liên hệ, thuyết phục nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương tham gia và trao đổi một số thủ đoạn của kẻ buôn người. Tính đến nay đã tập huấn được cho 87 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở về công tác phòng, chống mua bán người. Thông qua đó đã cung cấp cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở các kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mua bán người và công tác phát hiện tố giác tội phạm mua bán người.

Mặc dù mô hình đã bước đầu tổ chức có hiệu quả song công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn vùng núi cao vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trình độ của phụ nữ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, một số phụ nữ là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật mua bán người tới chị em chưa được thường xuyên; chưa có một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ tới cộng đồng. Một số nạn nhân đã trở về với quê hương, với gia đình nhưng phần lớn trong số họ sức khỏe không đảm bảo, không tài sản, không gia đình, thậm chí không có hộ khẩu, mặc cảm, kỳ thị...

Chính vì vậy, với phương châm "phòng là chính", góp phần giảm được số nạn nhân bị mua bán, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình và tố giác tội phạm, mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người" đang tiếp tục được triển khai và nhận được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn. Thời gian tới, Hội phụ nữ các cấp sẽ tập trung đánh giá để nhân diện mô hình.

http://nghean.gov.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video