Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác phụ nữ đan đát

03/07/2014
Tổ hợp tác phụ nữ đan đát (đan lục bình khô thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ), mô hình của Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ đã đi vào hoạt động khá bài bản, tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 50 phụ nữ người Kh’mer ở ấp Thới Hòa B.

Là một ấp thuộc thị trấn Cờ Đỏ, trung tâm của huyện Cờ Đỏ nhiều tiềm năng phát triển về thương mại – dịch vụ, tuy nhiên đời sống của người dân ấp Thới Hòa B vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nơi đây có đông đồng bào dân tộc Kh’mer sinh sống, chủ yếu đều làm nghề nông. Trong thời gian nông nhàn, người dân địa phương đã biết tận dụng nguồn lục bình sẵn có để sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: giỏ, bàn, ghế, thùng…Từ đó, đan đát được xem như một trong những nghề phụ truyền thống của người dân trong ấp. Tuy nhiên, các sản phẩm của người làm nghề thường được làm theo tập quán thủ công, kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, không theo quy trình thống nhất dẫn đến năng suất, chất lượng nghề còn thấp. Một số hộ dân trong ấp do không có điều kiện kinh tế để mua nguyên liệu đầu vào, phải đi vay bên ngoài với mức lãi suất cao để mua nguyên liệu nên thu nhập mang lại chưa cao.

Bài toán khó ấy cuối cùng đã tìm được lời giải khi có sự vào cuộc của Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ. Tổ hợp tác phụ nữ dân tộc đan đát đã được thành lập, với số thành viên ban đầu là 30 chị em hội viên người dân tộc Kh’mer của ấp Thới Hòa B. Đây là số chị em đã biết việc đan đát và có nhu cầu phát triển, tăng thu nhập từ công việc này. Để làm được điều đó, chị em cần phải được đào tạo nghề một cách bài bản chứ không chỉ dựa trên kinh nghiệm sẵn có. Để hỗ trợ chị em, Chi hội Phụ nữ ấp Thới Hòa B đã vận động các chị em trong tổ hợp tác tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về đan thảm lục bình do chị Sơn Lang, chi hội trưởng, trực tiếp hướng dẫn. Các thành viên đã tích cực tham gia, tiếp thu bài học nhanh, sớm nắm bắt được những cách thức đan vừa tiết kiệm nguyên liệu, đẹp lại không mất nhiều thời gian.

Vấn đề cần giải quyết tiếp theo là nguyên liệu đầu vào. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, Chi hội phụ nữ ấp Thới Trung B đã quyết định chọn Hợp tác xã Kim Hưng làm đơn vị cung cấp nguyên vật liệu. Chị em được nhận hỗ trợ nguyên liệu lục bình khô để thực hiện việc đan đát các loại sản phẩm theo yêu cầu của cơ sở Kim Hưng và phải cam kết thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Lúc này, mô hình nhóm đan đát đã phát triển lên 52 hội viên, chia làm 5 tổ. Hàng tháng, các thành viên trong chi hội đều tham gia sinh hoạt để nghe tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; cách thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình cũng như trao đổi, chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Tại đây, chị em được giao nguyên liệu cho đợt làm tiếp theo, trả lại sản phẩm đã hoàn thành và nhận tiền công từ việc đan đát. Các tổ trưởng vai trò rất tích cực, năng động, từ việc phân phối nguyên liệu cho chị em để đảm bảo sự công bằng cho đến việc tính tiền công, thu hồi tiền nguyên liệu khi chị em nhận tiền thanh toán hàng thành phẩm từ cơ sở Kim Hưng. Tiền công của chị em được tính trên sản phẩm thực hiện thực tế của từng người. Các thành viên của nhóm thống nhất trích tỷ lệ thu nhập cá nhân để hình thành nguồn kinh phí hoạt động của tổ và tiết kiệm tích lũy nhằm trang bị thêm nguồn nguyên liệu mới để thu hút thêm thành viên. Chị chi hội trưởng và các tổ trưởng có vai trò là Ban điều hành đảm bảo đầu vào và đầu ra của sản phẩm được thông suốt, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài chính cho các thành viên được biết theo quy định hàng tháng. Song song với việc triển khai các hoạt động chính của tổ hợp tác phụ nữ dân tộc đan đát, cả 5 tổ trong tổ hợp tác lại thành lập tổ tiết kiệm tín dụng (cũng là tài sản chung), mỗi thành viên đóng góp ít nhất từ 10.000 đồng trở lên/tháng. Số tiền này được sử dụng cho vay luân phiên trong tổ, giúp chị em phát triển thêm việc chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ...

Tính đến thời điểm hiện tại, tổ hợp tác phụ nữ dân tộc đan đát đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 90 lượt chị em có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi làm xong việc nhà và đồng áng, các chị lại tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm ra nhiều loại sản phẩm thủ công phong phú, đa dạng, với thu nhập ước tính từ1,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên đã có thêm sự tích lũy để xây dựng nhà cửa khang trang hơn, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt tiện nghi trong gia đình.

Việc tổ chức tổ hợp tác phụ nữ dân tộc đan đát của Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ đã thực sự phát huy hiệu quả bởi đã tạo ra sự liên kết giữa các hộ gia đình đang sinh sống bằng nghề đan đát nhỏ lẻ trên địa bàn thành nhóm liên kết giữa đơn vị tiêu thụ sản phẩm với nhóm phụ nữ dân tộc đan đát, tạo đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, góp phần tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Đây là mô hình phù hợp với đặc thù của phụ nữ dân tộc, nhằm đẩy mạnh công tác vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động phụ nữ dân tộc tham gia vào tổ chức Hội; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích của kinh tế tập thể. Trong tương lai, mô hình kinh tế tập thể này rất nên được nhân rộng ở những địa bàn có điều kiện tương tự.

Bảo Nga – Ban Tuyên giáo TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video