Hiệu quả từ những CLB Sinh kế và Quyền phụ nữ tỉnh Bắc Kạn

10/05/2012
Triển khai trên tại các huyện Na Rỳ, Ba Bể, Pác Nặm tỉnh Bắc Kạn từ năm với mô hinh CLB Sinh kế và quyền phụ nữ, dự án 3PA thu hút được nhiều hội viên phụ nữ tham gia, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh

6.476 hội viên tham gia các CLB “Sinh kế và quyền phụ nữ”

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã đánh giá hiệu quả hoạt động các CLB Sinh kế và quyền Phụ nữ từ năm 2009 đến nay. Theo đó, đã có 155 câu lạc bộ “Sinh kế và quyền phụ nữ” được thành lập thu hút 6.476 thành viên tham gia sinh hoạt. Sau gần 3 năm thành lập, các CLB đều có quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng về kiến thức pháp luật có liên quan đến quyền của phụ nữ, kiến thức KHKT, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Bên cạnh đó, Hội liên hiệp phụ nữ cũng đã xây dựng sửa chữa nhà sinh hoạt CLB và tổ chức đào tạo các lớp tập huấn về quyền, kiến thức về giới, lập kế hoạch có sự tham gia, kỹ năng và phương pháp điều hành CLB cho các thành viên là chủ nhiệm CLB từ các kiến thức đó học viên biết vận dụng vào các buổi sinh hoạt CLB.

CLB “Sinh kế và quyền phụ nữ” đã gắn với tình hình thực tế ở địa phương, phát huy có hiệu quả nguồn lực địa phương, giúp phụ nữ phát triển kinh tế. Mô hình trồng chuối tây tại thôn Khuổi Luồm xã Yến Dương - Ba Bể, cho thu nhập ước tính đạt 50- 60 triệu đồng/năm/ 1 ha, giúp 10 hộ tham gia thoát nghèo. Ngoài ra, các câu lạc bộ đã thành lập nhóm sở thích như mô hình chăn nuôi gà thả vườn, mô hình trồng gừng, mô hình trồng dong riềng…, ủ chua thức ăn chăn nuôi … mang lại hiệu quả thiết thực.

Hội thảo đã cùng thống nhất phương hướng hoạt động của các câu lạc bộ đến năm 2014 với mục tiêu tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, khuyến khích cách thức lấy dân sản xuất giỏi tập huấn cho nông dân.

* CLB sinh kế và quyền phụ nữ Ba Bề - cầu nối hội viên với Hội LHPN

Với mục tiêu cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững và công bằng cho người nghèo nông thôn thuộc vùng dự án, thu hút tập hợp các chị em phụ nữ tham gia các câu lạc bộ “sinh kế và quyền phụ nữ” nhằm nâng cao cuộc sống, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được thực hiện các quyền của mình. Từ năm 2009 đến nay, huyện Ba Bể đã thành lập được 50 câu lạc bộ “sinh kế và quyền phụ nữ” ở tất cả 16/16 xã, thị trấn với trên 2.500 thành viên tự nguyện tham gia, trong đó có 1.063 thành viên hộ cận nghèo, 930 thành viên là hộ nghèo. Với sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Dự án 3PAD, các CLB đều có nhà sinh hoạt kiên cố với nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt như: bàn ghế, loa đài…

Thông qua các buổi sinh hoạt, CLB sinh kế và quyền phụ nữ không chỉ là địa chỉ thu hút chị em hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt mà còn là cầu nối hiệu quả giữa Hội Phụ nữ cấp trên với chị em ở cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện cho các chị em được  tư vấn, hỗ trợ kịp thời về thông tin kiến thức cũng như nguồn vốn để chị em đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.

Câu lạc bộ đã không ngừng thay đổi nội dung và phương thức hoạt động: tổ chức giao lưu “Bạn và tôi”, “Dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi”; phối hợp với tổ chức CARE tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ và tổ chức các chuyến tham quan, tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như mô hình CLB “Pháp luật và đời sống” tại xã Vũ Lâm (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình), mô hình trồng mía tại xã Nông Hạ (Chợ Mới); mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình); mô hình hoạt động tín dụng tại huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ); mô hình phát triển kinh tế, kinh nghiệm quản lý, quỹ có hiệu quả tại tỉnh Bến Tre…

Ở mỗi địa bàn, CLB đều hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với đặc điểm địa phương như trồng chuối tây tại CLB thôn Khuổi Luồm (xã Yến Dương) với 10 thành viên CLB tham gia; trồng lạc đỏ tại 2 CLB thôn Bản Pỵac xã Quảng Khê và thôn Bản Hon (xã Bành Trạch); chăn nuôi lợn móng cái sinh sản tại 2 nhóm sở thích của 2 CLB” sinh kế và quyền phụ nữ thôn Nà Hỏi xã Phúc Lộc và thôn Bản Chiêng xã Cao Trĩ….  

Câu lạc bộ “Sinh kế và quyền phụ nữ” đã thực sự trở thành địa điểm sinh hoạt bổ ích, là nơi giúp đỡ các thành viên tiếp cận, trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới.

72 CLB sinh kế và quyền phụ nữ Na Rì

Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay các câu lạc bộ “Sinh kế và quyền phụ nữ” trên địa bàn huyện Na Rì đã thực sự trở thành địa điểm sinh hoạt bổ ích, lành mạnh, là nơi giúp đỡ các thành viên tiếp cận, trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, đồng thời giúp các thành viên nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật, về giới, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi lạc hậu, có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Toàn huyện đã thành lập 72 câu lạc bộ sinh kế và quyền phụ nữ ở các thôn bản. Các CLB đều có quy chế hoạt động, huy động quỹ từ các thành viên và duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các nội dung như: trao đổi các kiến thức về pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ, kiến thức KHKT, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, lồng ghép hoạt động của Hội, văn hóa văn nghệ để nội dung phong phú.

Các CLB bằng nhiều hình thức khác nhau, đều xây dựng được quỹ để duy trì các hoạt động. CLB thôn Quan Làng xã Quang Phong xây quỹ từ việc trồng dong riềng trên khoảng đất trống xung quanh nhà sinh hoạt CLB của thôn; CLB tiểu khu 8 thị trấn Yến Lạc cho thuê Hội trường để xây dựng quỹ được trên 20 triệu đồng… Những CLB có quỹ từ 3 triệu đồng trở lên sử dụng quỹ cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình…

Trong 3 năm hoạt động, các CLB sinh kế đã tổ chức được 9 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, 4 lớp bình đẳng giới, 3 lớp phòng chống bạo lực gia đình thu hút hơn 352 lượt chị em tham gia.được vai trò bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.

Các CLB “Sinh kế và quyền phụ nữ” của xã Côn Minh lại tập trung vào việc lập các nhóm sở thích như: Nhóm sở thích cấy lúa lai, nhóm sở thích làm vườn ươm cây con ươm cây mỡ, nhóm xử lý rác thải từ bã dong để ủ phân vi sinh và ủ làm thức ăn cho gia súc… Được hưởng lợi từ dự án, các nhóm đã được tập huấn và được hỗ trợ 7,5 triệu đồng/nhóm phục vụ cho các hoạt động như: Mua phân, giống và nguyên vật liệu. Cùng với đó, để phát triển diện tích trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng nguồn thu cho gia đình, các thành viên CLB còn mạnh dạn vay vốn từ nguồn 24% của Dự án để thực hiện trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm…

Có thể khẳng định rằng, các câu lạc bộ “Sinh kế và quyền phụ nữ” ở Na Rì đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bô ích, là nơi để các thành viên câu lạc bộ được hoà mình trong không khí thân mật, ấm áp nghĩa tình, là nơi để các chị em tâm tình về cuộc sống gia đình và các vấn đề xã hội. Đồng thời còn là nơi tuyên truyền, phổ biến giáo duc pháp luật cho chị em phụ nữ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video