Hỗ trợ Hội cơ sở đánh giá, đo lường thực hiện các chỉ tiêu bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia

31/03/2022
Sáng 31/3, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Chương trình Đối tác Chiến lược Ôtxtrâylia – Nhóm Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2 (ABP2) tổ chức hội thảo tham vấn Tài liệu hướng dẫn giám sát lồng ghép giới trong CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (CTMTQG 1719) trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 42 tỉnh/thành triển khai Dự án 8.
Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo chia sẻ, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ, phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi vốn là vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Trong đó dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình; đồng thời là dự án đầu tiên, đặc thù, chuyên biệt về giới được Quốc hội thông qua và Chính phủ phân công Hội LHPN Việt Nam thực hiện với tư cách là chủ trì, đầu mối một dự án độc lập có quy mô và nguồn lực thực hiện lớn. Điều đó khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới vùng DTTS, miền núi nói riêng trong bối cảnh vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em vùng DTTS vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Các đại biểu quốc tế và Hội LHPN các tỉnh/thành tại 42 điểm cầu 

Phó Chủ tịch thường trực Đỗ Thị Thu Thảo nhận định: “Đảm bảo lồng ghép giới trong Chương trình MTQG phát triển vùng DTTS và miền núi không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới đã đề ra mà còn giúp các thành tựu chung của Chương trình MTQG mang tính thực chất hơn, đảm bảo sự thụ hưởng công bằng, bình đẳng đối với các nhóm đối tượng của Chương trình. Hội LHPN Việt Nam đã có quá trình tích cực tham gia vận động chính sách, khuyến nghị đưa vấn đề lồng ghép giới một cách toàn diện, khoa học, có tính khả thi trong từng dự án cụ thể của CTMTQG phát triển vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để việc thực hiện lồng ghép giới trong CTMTQG đạt hiệu quả thực chất, được đo lường, đánh giá bằng các chỉ số cụ thể cần có công cụ, tài liệu hướng dẫn bài bản cách thức giám sát, đánh giá lồng ghép giới trong quá trình triển khai thực hiện các dự án/tiểu dự án của chương trình”.

Chính vì vậy, dự thảo tài liệu “Hướng dẫn giám sát và đánh giá về giới trong CTMTQG phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới xây dựng là một tài liệu quan trọng, cần thiết, hỗ trợ các cơ quan liên quan và các cấp Hội đánh giá, đo lường việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan về giới trong quá trình triển khai chương trình. Việc tổ chức hội thảo là hoạt động nhằm cụ thể hoá triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII góp phần đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá bình đẳng giới trong triển khai chương trình được thực chất, hiệu quả.

Các ý kiến thiết thực được đưa ra thảo luận sôi nổi tại hội thảo 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về vai trò, nhiệm vụ của Hội phụ nữ trong công tác theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu giới và giới thiệu bộ chỉ tiêu kết quả trong các dự án thuộc CTMTQG; phương pháp thu thập số liệu của cán bộ Hội phụ nữ ở cấp cơ sở đối với các chỉ tiêu do Hội LHPN chịu trách nhiệm thu thập.

Để tài liệu được hoàn thiện và sử dụng hiệu quả trong thực tiễn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, phù hợp về các vấn đề liên quan, trong đó tập trung vào làm rõ cách thức, phương pháp thu thập thông tin, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về giới trong CTMTQG; Xác định rõ các chỉ số về giới trong khung giám sát và đánh giá; Tính phù hợp của các phụ lục đối với cán bộ Hội trong quá trình thu thập thông tin…

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, các chị làm công tác Hội ở cơ sở nhiều chị thuộc lứa tuổi trung niên, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, chưa được trang bị máy tính và không có phụ cấp hỗ trợ triển khai hoạt động nên việc triển khai các hoạt động Hội mới dừng lại ở vai trò tự nguyện và theo chủ nghĩa kinh nghiệm nhiều. Chính vì vậy, nếu nội dung, biểu mẫu tài liệu quá “đồ sộ” sẽ khiến các chị khó tiếp cận và khó “đảm đương” được hết tất cả các nhiệm vụ được giao trong chương trình.

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh đề nghị TW Hội LHPN Việt Nam cần sớm có tài liệu hướng dẫn cụ thể để triển khai tới các cấp Hội cơ sở

Việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn để triển khai sớm tới các cơ sở, chú ý tới cách thức cầm tay chỉ việc để chị em ở các chi hội, vùng sâu, xa, vùng miền núi dễ hiểu và nắm rõ là ý kiến đưa ra của Chủ tịch Hội LHPN TP. Hà Nội Lê Kim Anh. Trong đó bà Kim Anh nhấn mạnh: các chi hội phụ nữ phải theo dõi ngay từ lúc bắt đầu triển khai đến khi thực hiện báo cáo, tránh tình trạng số liệu không chính xác, tình trạng ghép số liệu theo kiểu cơ học. Bên cạnh đó, trong dự thảo tài liệu hiện đang có quá nhiều biểu mẫu, cần thu gọn các chỉ tiêu, số liệu đề ra để thuận lợi hơn cho công tác tổng hợp.

Từ những phân tích trên, đại diện lãnh đạo Hội LHPN nhiều tỉnh/thành đề xuất TW Hội LHPN Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện tài liệu để sớm có sổ tay hướng dẫn biểu mẫu cụ thể, phù hợp với nhiều đối tượng chị em mọi lứa tuổi ở các cấp cơ sở; nội dung khung giám sát kết quả cần thống nhất với biểu giám sát và đề xuất có thêm kinh phí thúc đẩy triển khai hoạt động.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video