Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu phát triển bền vững

18/10/2021
Tại Tọa đàm "Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 vì phát triển bền vững" diễn ra vào sáng 18/10, UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có bài phát biểu. Cổng TTĐT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này
UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm " "Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 vì phát triển bền vững" (Ảnh: Thanh Thanh)

Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,

Kính thưa các vị Đại sứ, đại diện Ngoại giao đoàn, Trưởng Đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế,

Kính thưa ông Mi-sha-el Síc-nờ, Trưởng Đại diện Quỹ Hans Sai-đền của Đức,

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí Lãnh đạo đại diện các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể TW,

Thưa toàn thể các quý vị đại biểu,

Toạ đàm hôm nay của chúng ta được tổ chức trong dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, tôi xin gửi tới các quý vị, đặc biệt các đại biểu nữ tham dự Tọa đàm, những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Kính thưa các quý vị, đại biểu,

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh yêu cầu về phát triển xanh và bền vững, đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đây cũng là sự khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Văn kiện Đại hội Đảng cũng xác định chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Đại dịch COVID-19 cho thấy chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với các quốc gia cũng như từng cá nhân. Thực tế cho thấy còn tồn tại khoảng cách giới khá lớn trong chuyển đổi số. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019, trên thế giới phụ nữ tham gia các hoạt động trực tuyến ít hơn nam giới khoảng 250 triệu người. Khả năng chi trả cho các thiết bị, dịch vụ, công nghệ cũng như sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng và sự tự tin là những rào cản đối với phụ nữ trong tiếp cận và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu, phụ nữ cần được hỗ trợ nâng cao năng lực, tạo cơ hội để tham gia thực chất và đóng góp hiệu quả trong sự chuyển đổi mang tính cách mạng này.

Kính thưa các quý vị, đại biểu,

Hội LHPN Việt Nam xác định hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế như tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm... Minh chứng nổi bật đó là trong thời gian vừa qua Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây cũng là một sự phối hợp hết sức có hiệu quả và thích ứng trong bối cảnh hiện nay.

Tọa đàm hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tiếp tục thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với Hội LHPN Việt Nam, đây là một thời điểm quan trọng khi tổ chức Hội LHPN cả nước đang trong tâm thế bước vào một nhiệm kỳ mới. Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số sẽ là một trong những chủ trương quan trọng để Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến tổ chức tháng 3 năm 2022, nghiên cứu và thông qua để tổ chức triển khai trên cả nước. Từ đó, việc triển khai ở các cấp Hội sẽ tạo ra bước đột phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển của phụ nữ và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.  

Kính thưa các quý vị, đại biểu,

Tại Tọa đàm, chúng ta sẽ được nghe ý kiến từ các nhà ngoại giao, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà hoạt động phát triển cộng đồng, cán bộ phụ nữ... Qua Tọa đàm, chúng ta sẽ có thêm nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới – chung sống chủ động, an toàn với COVID-19.

Hy vọng rằng Tọa đàm hôm nay cũng sẽ mở ra định hướng và cơ hội để các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay đồng hành với phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số, đóng góp cho sự bình đẳng giới và phát triển bền vững của đất nước.

Về phía mình, Hội LHPN Việt Nam cam kết sẽ cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Nhiệm kỳ tới, Hội mong muốn mở rộng và nâng tầm hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, đối tác trong nước và quốc tế, tiến tới xây dựng các khung hợp tác chiến lược vì phát triển xanh và bền vững, vì sự phát triển của phụ nữ.

Nhân dịp này, Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ của Quỹ Hans Sai-đền để tổ chức sự kiện có ý nghĩa hôm nay. Xin cảm ơn các đối tác, bạn bè quốc tế cũng như các ban, bộ, ngành, địa phương đã đồng hành với Hội và phụ nữ Việt Nam trong suốt thời gian qua. Cảm ơn các quý vị, đặc biệt các diễn giả, điều hành, đã dành thời gian quý báu tham dự và chia sẻ tại Tọa đàm.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội, Xin kính chúc các quý vị, đại biểu sức khỏe, hạnh phúc!

Chúc sự kiện của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video